Thác châu Âu giữa núi rừng Tây Nguyên
Thác bảy tầng nằm sâu trong rừng quốc gia Nam Nung, Đắk Nông, cách cửa rừng khoảng 10km.
Đường đến rừng Nam Nung tuyệt đẹp với những cung đường đất đỏ uốn cong, dốc núi ẩn hiện, triền thông rì rào, không khí trong lành và vắng vẻ, khiến du khách như lạc vào chốn thiên thai cùng cảm giác bình an, thanh thản lạ.
Thế nhưng cung đường vào thác ngược lại. Cả con đường ẩn mình dưới bóng mát của những cây cổ thụ. Vào ngày nắng, đi dưới bóng râm, nghe cái lạnh se sắt của núi rừng, nghe chim hót, xa xa tiếng vượn hú thì không gì bằng. Nhưng sau những đợt mưa đầu mùa, bóng râm của tán cây trở thành “kẻ tội đồ” biến con đường ngập trong bùn.
< Đường vào thác vô vàn khó khăn.
Đoạn nào bùn ít, du khách còn trả số, dong xe qua, riêng những đoạn ngập đến mắt cá, thì một người dắt, vài người đẩy.
Cá biệt có những đoạn bùn biến thành sông, cả nhóm rơi vào thế “lui không được, tiến tới không xong”, đành băng trên những khoảng trống ngập lá đang phân rã giữa các cây, nghe trong gió vị hăng hắc của lá mục, vị nồng của cỏ bị dập.
Cuối con đường, thác 7 tầng hiện ra hoang sơ và đẹp đến ngỡ ngàng.
Tọa lạc giữa khu rừng quanh năm không khí lạnh, nên không lạ khi thác 7 tầng không mang đặc trưng của những thác miền nhiệt đới là dòng chảy cuồn cuộn đập mạnh vào đá, mà mang đậm nét của một thác nước miền ôn đới với những tán lá có màu xanh nhạt, hay phơn phớt đỏ cùng ánh nắng màu vàng nhạt. Mảng màu ấy khiến thác mang vẻ đẹp man mác như mùa thu ở các nước châu Âu.
Nhìn từ xa, hay nhìn từ trên xuống, thác tựa như người sơn nữ sau khi hoá thân thành dòng nước, vừa "tham lam" muốn mang thật nhiều nước, vượt qua bao núi rừng về cứu hạn cho dân làng, vừa sợ làm tổn thương cây cỏ, nên cứ trải dài, trải dài, nhẹ nhàng. Thế thác, màu của cây cỏ khiến thác mang một nét đẹp thanh thoát, bình yên.
< Thác mang vẻ đẹp của các thác nước ở châu Âu với những dòng chảy trải rộng.
Không khí trong rừng cao nguyên thấm dần cái lạnh vào du khách, song vẫn không thể ngăn người ta hòa mình vào dòng nước trong vắt cạnh những gờ đá.
< Sự biến hoá của dòng chảy.
Vài người lúc đầu còn nhăn mặt vì cái lạnh đến tê người của cả không khí và dòng chảy, nhưng vài phút sau, lại cũng cảm thấy dễ chịu. Cứ thế, cái ấm áp từ đâu thấm dần vào người, mọi mệt nhọc của quãng đường như được gột sạch, tâm trạng cũng thư thái, nhẹ nhàng hơn.
Thoảng trong gió, tiếng chim rừng rít rít, hương thơm của những đóa phong lan rừng đung đưa trên những nhành cổ thụ thơm ngát.
Thác 7 tầng nằm sâu trong rừng quốc gia Nam Nung và không thuộc diện khai thác du lịch, du khách nên xin phép kiểm lâm trước khi khám phá và chỉ nên đi theo đường quy định, không nên ở lại thác sau 16h.
- Theo Bưu Điện Việt Nam -------------
Nướng cơm lam trên thác 7 tầng
Thác 7 tầng thuộc xã Đạm Ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng, cách Sài Gòn 160km. Nơi đây chưa được công ty du lịch nào đưa vào khai thác nên muốn đến, bạn phải nhờ dân địa phương dẫn đường.
Du khách phải trải qua cảm giác chênh vênh khixe máy chạy trên đường mòn nhỏ, mỏng manh như một sợi chỉ vắt ngang giữa ngọn đồi cao ngất. Con đường không những dốc, hẹp mà còn khá trơn, rất dễ trượt.
Bù lại, cái cảm giác phiêu lưu ấy nét đẹp hoang sơ đến choáng ngợp của dòng thác ẩn mình sau màu tím ngát của hoa mua. Thác cao hơn 30 mét và bị phân thành nhiều tầng do những khối đá nhô ra. Rất khó đếm được thác có bao nhiêu tầng vì những bậc đá cứ đan xen theo hình zigzac, nhưng nếu nhìn thoáng, sẽ thấy rõ thác có 1 tầng riêng biệt với chiều cao non 2m và 6 tầng khác nằm liền nhau, đó cũng là lý do người ta gọi nó là thác 7 tầng.
< Những quả "nho Mỹ của rừng" tím đậm, căng tròn.
Dừng chân tại một bãi cỏ khá rộng, bằng phẳng, xanh mướt, có một loại cây rất lạ với những chùm trái đỏ, tím đậm, hình oval ngon mắt. Bạn tôi òa lên thích thú, rồi băng tới, bứt vài chùm đem đến, miệng toe toét: “Nho Mỹ đấy”. Nhìn gần, hình dáng và màu sắc loại trái này không khác với cái tên nó được ví von. Đó là đuôi chồn, một loại trái rừng, khi ăn có vị chua, chát nhẹ.
< Phương án chống lạnh duy nhất là không nên bước ra, bước vào mà nên ngâm hẳn trong làn nước đến khi không tắm nữa.
Ai chưa tắm thác thì không thể hình dung cái cảm giác nhoi nhói ở mặt, lưng, vai khi làn nước từ trên cao đập vào. Cả cái lạnh dường như khiến quai hàm như cứng lại nếu như ngừng hoạt động ra sao.
Việc xô đẩy, chen chúc hay sự vô lo, không phân biệt trai, gái; thân, sơ, cứ thế người này giúp nâng người kia lên tầng cao hơn để tận hưởng một trải nghiệm khác,của làn nước, cái trơn trợt của đá, hay chỉ đơn giản là ghi lại những shoot hình ấn tượng. Lúc ấy, mọi âm thanh, mọi tất bật của cuộc sống dường như bị đẩy lùi, chỉ còn tiếng cười và niềm vui.
Ẩn trong rừng, lại qua nhiều tầng đá, nước thác lạnh đến nỗi ồn ào chưa tới 30 phút, ai cũng run cầm cập và kéo nhau đến bên bếp lửa hong cho ấm người.
< Đốt cơm lam và nướng thịt.
Và đó cũng là lúc, những chiếc ống tre đựng nếp đã chuẩn bị sẵn được cho vào bếp để phục vụ những cái bụng sôi lên sau khi trầm mình trong làn nước lạnh. Không biết người khác nấu cơm lam thế nào, riêng chúng tôi cho hẳn vào đống lửa đang cháy, trông giống việc đốt hơn là nướng.
< Hương thịt nướng thơm hết cả rừng.
Quần áo chưa kịp khô hẳn, lượt cơm, vỉ thịt đầu tiên đã chín. Chặt một nhánh lá chuối rừng, xếp thịt nướng vào đó.
Cơm lam cầu kỳ hơn, với việc lấy những ống tre cháy xém ra khỏi lửa, dùng dao chẻ hai đường nhỏ, rồi dùng tay tách mạnh, những hạt cơm nếp trắng tinh, thơm lừng hiện ra ngon mắt đến lạ.
Cứ thế, nhấm nháp thứ cơm nóng, dẻo cùng thịt nướng, thỉnh thoảng hút một hơi rượu cần thơm ngọt. Không khí núi rừng, vị ngọt, ngon của món ăn giữa rừng càng tinh túy và đậm đà hơn.
Theo BĐVN
0 nhận xét: