Canh kiểm Nam bộ


Vùng đất Nam bộ được thiên nhiên ưu ái với đất đai màu mỡ, cây trái xanh tươi. Chính vì vậy khi nhắc đến cây trái, rau quả thì phải nói đến Nam bộ, cũng vì lẽ đó mà nét ẩm thực ở nơi đây cũng rất phong phú, đa dạng.

Chỉ nhìn qua món canh kiểm, một trong những món chay hiếm hoi có tên riêng, chứ không dùng tên kiểu giả mặn như  đa số các món chay khác hay đặt đủ thấy sự dung hòa của nhiều loại rau, củ, quả để tạo nên một món canh chay mà ai đã được từng ăn sẽ nhớ mãi.

Ở Nam bộ hễ đến những ngày rằm lớn đa số người theo đạo Phật thường nấu món canh kiểm dùng làm món ăn chay. Để nấu món canh kiểm, người ta cần chuẩn bị những rau, củ quả như bí đỏ, khoai lang, đậu que, đậu phộng, bột khoai, đậu hũ, nước cốt dừa.
.

Theo như những người theo Phật giải thích nguồn gốc món ăn này là do ngày xưa Phật tử thường cúng dường vào dịp rằm, lễ. Người mang đến trái bí, kẻ dâng miếng khoai, quả mướp. Các nhà sư mới nghĩ ra cách gộp tất cả những nguyên liệu này nấu thành món ăn thết đãi chúng sinh.

Còn theo như những người  Việt gốc Hoa thì món canh kiểm có nguồn gốc từ món “tàu thưng” là canh được nấu từ đậu xanh, bột báng, đậu hũ, khoai lang của người Triều Châu khi du nhập vào đất Nam bộ thêm các loại rau, quả và nước cốt dừa vào  thành ra món canh kiểm như hiện nay.

Dù nguồn gốc như thế nào đi nữa thì món canh kiểm giờ đây được xem như món ăn chay đặc trưng của người Nam bộ. Để nấu món canh kiểm trước tiên lấy dừa nạo nhỏ, vắt lấy 1 lít nước cốt. Khoai lang, bí, khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, xắt dày; đậu phụng  ngâm nước, nấu mềm, bóc vỏ, rửa sạch. Đậu còn lại rửa sạch, rang vàng với chút muối. Bún tàu ngâm nước, cắt khúc dài. Đậu hũ ngâm nước, xé miếng bằng 3 ngón tay.

Trộn chung khoai lang, khoai môn, bí đỏ, ướp muối, đường, để nửa tiếng cho thấm. Cho nước dừa vào nồi nấu sôi, đổ hỗn hợp khoai, đậu các loại ninh thật mềm, khi gần chín cho bún tàu, đậu hũ và nước cốt dừa vào nêm muối, đường cho vừa ăn thì nhắc xuống. Khi ăn múc ra tô, rắc đậu phộng lên trên, ăn nóng. Nếu thiếu nước cốt dừa là mất đi linh hồn của canh kiểm.

Món canh kiểm có thể ăn cùng với cơm hay bún, khi ăn sẽ cảm nhận được sự kết hợp của vị ngọt, mặn và béo; cùng với vị bùi của khoai, giòn của đậu phộng, và mềm của đậu hũ.

Ăn chay giờ đây là xu hướng tương đối phổ biến của nhiều gia đình mỗi khi đến ngày rằm, mồng một,...và món canh kiểm dường như đã là món không thể thiếu trong những bữa cơm chay của người Nam bộ.

- Theo Lao Động, internet