Di tích Pháo Đài Cao Bằng (Phần 1)

Ngay thị trấn vùng biên ải Đồng Đăng sầm uất, có một pháo đài bí ẩn bị lãng quên mấy chục năm nay. Nhiều người trẻ sống ngay ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) nhưng họ không biết ở ngay nơi mình sống tồn tại một pháo đài nổi tiếng. Chúng tôi đã dành nửa ngày để cùng một số người dân leo trèo khám phá bên trong pháo đài này.
Không chỉ với chúng tôi, người dân nơi đây cũng có cảm giác rùng rợn, sợ hãi khi nghĩ đến chuyện chui vào phía trong pháo đài, vì trong thời chiến, rất nhiều người đã bỏ mạng nơi đây. Hơn nữa, hệ thống lô cốt đã nhiều lần bị đánh thuốc nổ, bị ném mìn, chẳng may trong quá trình đi sâu vào pháo đài mà vô tình động phải mìn thì mất mạng.

Pháo đài này do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941, đến năm 1943 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng, pháo đài được xây ở vị trí phía Đông – Nam thị xã Cao Bằng, đây là một vị trí có ưu thế về mặt quân sự, có thể quan sát được toàn bộ các khu vực ngoại vi, đặc biệt là cầu Bằng Giang và cầu Sông Hiến, đây là hai cây cầu mà thực dân Pháp cho là những trở ngại lớn nhất khi đối phương muốn tấn công vào trung tâm.

< Mặt trên của pháo đài là ruộng ngô.

Pháo đài Cao Bằng được nhiều nhà quân sự phương tây đánh giá là một trong những pháo đài đẹp và kiên cố nhất Đông Dương, do một kỹ sư người Đức thiết kế, pháo đài có diện tích 10 ha, xung quanh xây tường cao 8 – 10m, tường được xây bằng loại đá rắn chắc, có độ bền cao, hệ thống phòng ngự được chia thành 4 cụm hoả lực chính, mỗi cụm có một lô cốt, hình thù như những con sư tử hung mãnh rình mồi để gây đòn tâm lý với đối phương, Pháo đài chỉ có một cổng chính ra vào, cách cổng khoảng 0,5m có một cầu rút, khi có báo động hoặc chiến đấu, cầu rút sẽ được trục tời điều khiển đóng kín cổng và lập tức toàn bộ vành đai pháo đài được khép kín.

< Một lô cốt của pháo đài.

Theo quan sát, các bức tường của pháo đài rất kiên cố, được đúc bằng bê tông cốt thép, bề dày khoảng 2m. Ở tầng trên cùng là nóc pháo đài, cứ cách một khoảng lại có một lỗ rộng chừng 0,3m2, là nơi bố trí các khẩu đại liên, trung liên, đồng thời để quan sát 4 hướng quanh pháo đài.

Để chui lên trên pháo đài, chúng tôi phải luồn qua những khe hở giữa các tảng bêtông lớn nằm chềnh ềnh, nghiêng ngả như sẵn sàng sập xuống bất cứ lúc nào.

Sau một thời gian leo trèo, chui rúc, chúng tôi cũng lên đến điểm cao nhất của pháo đài. Một khung cảnh hoang sơ, tan nát hiện ra trước mặt. Trên diện tích với chiều rộng khoảng 60m, chiều dài khoảng 100m, từng tảng bê tông lớn nhỏ nằm nghiêng ngả, lăn lóc mỗi tảng một nơi, là dấu tích còn lại sau những trận bộc phá nhằm phá hủy pháo đài.


< Cửa chính của pháo đài rất sâu, không có phương tiện thì không thể xuống được.

Cũng ở trên pháo đài, vẫn còn một vài hố sâu đến mấy chục mét, mà theo những người dẫn đường là do những trận bộc phá trước đây gây nên. Ngoài ra, trên đó còn ngổn ngang một số bức tường đã rêu phong, bụi phủ.

Tận dụng diện tích rộng lớn trên bề mặt của pháo đài, người dân tranh thủ thâm canh thêm cây sắn, cây ngô. Hiện tại, những ruộng ngô đã cao gần đầu gối. Chẳng mấy chốc nơi đây sẽ biến thành màu xanh mướt mát, che phủ tất cả. Rất ít người dân nơi đây ít người biết rằng, dưới kia, bên trong pháo đài là những bí ẩn rùng rợn.


< Những lô cốt của pháo đài dù bị phá hủy nặng nề song vẫn còn rất vững chắc.

Pháo đài Đồng Đăng được người Pháp xây dựng ở một vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Từ pháo đài Đồng Đăng có thể quan sát và bảo vệ các tuyến giao thông huyết mạch, từ đường sắt đến đường bộ như ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng – Hà Nội, quốc lộ 1A Lạng Sơn – Hà Nội, quốc lộ 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên, quốc lộ 4B Lạng Sơn - Cao Bằng.

Theo các tài liệu lịch sử, pháo đài Đồng Đăng được xây dựng từ thời Pháp và phải mất 3 năm mới xây xong, từ năm 1939 đến năm 1941. Đây là một công trình quân sự kiên cố của thực dân Pháp.

Trong thời gian chống thực dân Pháp, pháo đài Đồng Đăng trở thành lô cốt bất khả xâm phạm. Nhiều lần quân dân ta đánh chiếm pháo đài nhưng đều thất bại. Mãi đến năm 1944 – 1945, lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, quân dân ta được lệnh khởi nghĩa mới chiếm được pháo đài.

Tuy nhiên, sau khi Pháp quay trở lại đô hộ nước ta năm 1946, chúng đã cướp lại pháo đài và biến nơi đây thành một căn cứ quân sự vững chắc trong tuyến phòng thủ quân sự hành lang biên giới phía Bắc.


< Một phần pháo đài trông như đầu người.

Trong chiến dịch Biên giới 1950, quân dân ta chiến thắng ở Đông Khê (Cao Bằng), Thất Khê (huyện Tràng Định, Lạng Sơn), quân Pháp phải rút chạy về xuôi theo đường đường số 4. Đến thị trấn Đồng Đăng, chúng đã kịp dùng thuốc nổ để phá hoại pháo đài nhằm không cho quân ta chiếm giữ một điểm quân sự quan trọng. Tuy nhiên, do được thiết kế kiên cố bằng bê tông cốt thép nên pháo đài chỉ bị hư hỏng nhẹ.

Chúng tôi đã tìm gặp ông Trần Bá Hồng thuộc Đại đội 42, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, từng có thời gian đóng quân tại pháo đài Đồng Đăng từ tháng 5 – 1978 đến tháng 3 – 1979, hiện đang sinh sống ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông cho biết, trong chiến tranh biên giới năm 1979, ông được giao nhiệm vụ chiến đấu ở mỏm trên của pháo đài. Riêng đơn vị của ông có trên 100 người, nhưng hi sinh đến quá nửa. Bản thân ông bị thương nặng và được điều về tuyến sau điều dưỡng.

Ông Hồng cho biết thêm, trong chiến tranh biên giới 1979, pháo đài Đồng Đăng trở thành nơi trú ẩn cho nhiều người dân sống ở khu vực Đồng Đăng. Tuy nhiên, do nắm rõ vị trí chiến lược quan trọng của pháo đài, quân Trung Quốc đã tập trung lực lượng đánh phủ đầu pháo đài. Bởi vậy, nhiều dân thường cũng bị chết trong pháo đài này.

< Nóc của pháo đài cao ngang với một số ngọn đồi xung quanh.

Ông kể, dù lúc đó xét về lực lượng thì quân mình ít hơn so với quân địch, nhưng quân dân ta đã chiến đấu anh dũng và kìm chân địch nhiều ngày ở pháo đài này, làm chậm tiến kế hoạch đánh nhanh của địch. Sau 10 ngày kiên cường chiến đấu, bộ đội và nhiều dân địa phương phải rút chạy vào sâu trong pháo đài.

Quân xâm lược không dám tiến sâu vào bên trong mà đã dùng thuốc nổ đánh sập cửa để bịt lối ra vào. Đồng thời chúng dùng lựu đạn, hơi cay bắn vào phía trong nhằm tiêu diệt quân dân ta. Chúng huy động khoảng 10 tấn thuốc nổ nhằm biến pháo đài thành mồ chôn tập thể.


< Nhiều bức tường trên mặt pháo đài đã rêu phong.

Theo các tài liệu, trong trận đánh này, lợi dụng đêm tối, đã có 6 đồng chí bộ đội thoát ra khỏi lô cốt và rút về tuyến sau. Trong đó, có đồng chí Triệu Quang Điện, sau này được tặng danh hiệu Anh hùng và là Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn.

Xung quanh việc xây dựng pháo đài Đồng Đăng còn có nhiều câu chuyện kể rùng rợn khác, mà đến nay dư luận người dân nơi đây vẫn còn biết rất rõ. Anh Hoàng Đình Chuyên ( thôn Koòn Quyền, xã Hồng Phong, Cao Lộc) cho biết, ông nội của anh là một trong những người bị thực dân Pháp bắt đi phu để xây dựng pháo đài.

< Nhiều người dân thị trấn Đồng Đăng đã chết trong pháo đài này.

Anh Chuyên nghe bà nội kể lại rằng, người Pháp bắt dân phu làm việc rất vất vả, phải khuân vác đất đá, trộn bêtông cả ngày lẫn đêm mà chế độ ăn uống rất kham khổ. Bởi vậy, cứ chiều tối là bà mang cháo đến cho ông. Khoảng vài tháng sau, khi bà mang cháo ra thì không gặp ông nữa. Về sau mới biết, ông cụ đã chết mất xác vì lao động khổ sai.

Từ trước đến nay, dư luận ở Đồng Đăng vẫn truyền tai nhau rằng, trong quá trình xây pháo đài Đồng Đăng, người Pháp bắt phu phen khuân vác lên những cái hòm rất nặng mà không biết là bên trong đựng những gì. Họ ngờ rằng có thể là vàng bạc hoặc đồ trang sức mà người Pháp cướp bóc được của dân mình mang vào đó cất giấu, trước khi vận chuyển về nước qua đường sắt. Cũng có người cho rằng, đó là vũ khí đạn dược mà Pháp đem vào trong pháo đài.

< Những tảng bêtông rất lớn và dày của pháo đài.

Theo những người lớn tuổi ở Đồng Đăng từng chứng kiến quá trình xây dựng pháo đài, trước khi pháo đài được xây, họ cho san lấp ngọn đồi bằng phẳng, rồi bắt dân phu đào sâu xuống lòng đất, sau đó mới bắt đầu quá trình xây dựng. Sau khi xây xong pháo đài, chúng lại bắt dân phu chở đất đá đổ lên trên, rồi trồng lại cây tạo nên quang cảnh giống như ngọn đồi trước kia.

Theo ông Trần Bá Hồng cũng như những tài liệu mà chúng tôi thu thập được, pháo đài Đồng Đăng được xây dựng thành 3 tầng, chiều rộng 60m, chiều dài 100m. Bên trong pháo đài được thiết kế phức tạp. Tầng cao nhất được thiết kế làm nơi quan sát, tầng thứ hai có đủ các phòng và lỗ châu mai để chiến đấu, tầng thứ 3 là nơi chứa quân trang, đạn dược, lương thực, phòng họp, phòng ngủ, nhà bếp...

< Từ trên đỉnh pháo đài có thể quan sát được 4 hướng.

Ngoài ra, hệ thống đèn chiếu sáng và các cửa hầm thoát hiểm cũng được thiết kế rất bài bản, khoa học. Pháo đài Đồng Đăng có thể chứa được hàng chục nghìn binh lính khi có biến xảy ra.

Theo tài liệu cung cấp của ông Nguyễn Trọng Quyền, Trưởng phòng Văn hóa huyện Cao Lộc, Pháo đài Đồng Đăng được công nhận là di tích lịch sử, cần được bảo vệ. Tuy vậy, tìm mỏi mắt mà chúng tôi không thấy một tấm biển đề di tích, cũng không thấy bóng dáng ai bảo vệ khu vực này.

Còn tiếp phần 2: Ám ảnh ma quái trong pháo đài.

- Tổng hợp từ Du lịch Cao Bằng, Giaoduc.net và các nguồn khác