Khám phá Nam Ban bằng xe phân khối lớn
Từ “Nam Ban” theo người địa phương có nghĩa là một vùng đất phía Nam trù phú được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Biết chúng tôi đang muốn "lên rừng", người dân địa phương đã "chỉ điểm" quán cà phê Minh Tâm trên đường Trương Công Định (TP Đà Lạt), “trụ sở” chính của các bác tài xế thuộc đội Easy Rider.
Thoạt nghe cái tên rất Tây nhưng nhóm lại là người Việt chính hiệu, phần lớn xuất thân từ hướng dẫn viên du lịch địa phương và được ví von như "những lãng tử buôn không khí sạch" mà du khách, đặc biệt Tây balô thường chọn làm chiến hữu cùng đồng hành khám phá những vùng đất và nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
< Con đường đi Nam Ban chìm trong màu xanh núi rừng.
Ở một góc nhỏ của quán cà phê, một đôi du khách người Ireland, anh Simon Toner và chị Izzy Dabiri, đang bàn chuyện rôm rả với một thành viên đội Easy Rider về chuyến khám phá vùng đất Nam Ban.
Bác Trần Văn Năm, một thành viên lâu năm của đội Easy Rider, giới thiệu cho du khách về tour du lịch bụi đến Nam Ban bằng xe phân khối lớn. Đó là một cơ hội tốt để xâm nhập cuộc sống thực tế của người dân địa phương, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp ở từng góc cạnh nhỏ nhất của cuộc sống, đặc biệt có thể vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân.
< "Kỹ sĩ" Easy Rider Trần Văn Nam hướng dẫn du khách tham quan.
Nhảy phóc lên những con “ngựa chiến khủng”, chúng tôi náo nức hướng về vùng đất Nam Ban với biết bao hồi hộp và phấn khích.
Trải dài theo tầm mắt là những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn vòng cung bao quanh sườn đồi, nơi giao thoa giữa thung lũng Tà Nung và cao nguyên Lang Bian huyền thoại.
Cảm giác thật "sướng" khi đi trên những cung đường hoang sơ núi non trùng trùng điệp điệp này là trải nghiệm những tiếng hòa âm kỳ diệu của thiên nhiên với tiếng gió vi vu, tiếng suối róc rách, tiếng mưa lắc rắc bên tai khi xe lăn bánh hướng về thung lũng Tà Nung.
< Ruộng bậc thang ở thung lũng Tà Nung.
Thi thoảng các bác tài dừng lại và kể cho du khách nghe những câu chuyện đặc biệt về vùng đất này, từ những cành cây cọng cỏ cho đến những sự tích xa xôi ở phía bên kia thung lũng.
Cái mát rượi của vùng cao nguyên hoang lạnh phả vào mọi người, mở ra một khung cảnh xinh tươi đẹp đẽ với màu xanh ngút mắt của những cánh đồng cà phê, cái nhỏ xinh ấm áp của những gian nhà kính trồng hoa và hình ảnh mờ ảo trong sương mù dày đặc của những ngôi làng người dân tộc thiểu số K.Hor.
Khác với cái lạnh hanh khô se sắt của Sa Pa, những cơn gió nơi vùng thảo nguyên hùng vĩ có một mùi vị ấm áp trữ tình rất riêng. Mùi vị ấy không chỉ thấm qua từng chiếc lá thông khô, phảng phất qua những vòm lá rì rào theo gió mà còn chạm vào từng ngọn cỏ lướt dưới chân người lữ hành.
< Một gia đình dân tộc thiểu số K.Hor giã gạo nấu cơm.
Và có đứng ở Nam Ban giữa trời mưa lạnh mới thấy nao nao nhớ những hơi ấm bình dị mộc mạc nhất. Một củ khoai nướng vừa hít hà vừa thổi trên tay, một ngụm trà nóng, một ly cà phê mới pha còn thơm mùi sữa… Tất cả những điều đó như hòa vào không gian sơn cước hữu tình, khiến người ta không chỉ thấy nhỏ bé choáng ngợp trước rừng núi trùng điệp, mà còn ngây ngất trước cái thinh lặng mênh mông không lời của thiên nhiên.
Thác Voi - một trong những ngọn thác đẹp nhất cao nguyên Lâm Đồng - cách thị trấn Nam Ban không xa. Đường dẫn tới thác Voi chủ yếu là những khối đá tự nhiên chờ đợi bước chân lữ khách khám phá. Thêm vài chục bước chân là Linh Ẩn tự trầm lắng tiếng kinh cầu và chuông mõ thanh tịnh. Theo nhiều người dân địa phương Linh Ẩn, từ này được xây dựng nhằm “trấn” vùng Nam Ban một thời được coi là “đất dữ”.
Sau hành trình mệt nhoài, đường về lại trở nên thú vị khi được mục sở thị các cơ sở chế biến tơ và dệt lụa truyền thống, cơ sở nấu rượu gạo trắng gia truyền của người địa phương, tham quan làng dân tộc thiểu số K.Hor...
< Du khách nước ngoài chụp hình bên dưới thác Voi.
Bác Năm kể chúng tôi nghe một câu chuyện đáng nhớ nhất kể từ khi trót theo cái nghiệp rong ruổi đường trường có khi kéo dài cả tháng. Rằng có một bà cụ người Pháp bị khuyết tật ở chân 72 tuổi, đã qua Việt Nam 14 lần và lần nào cũng nhờ bác chở đi thăm thú những phong cảnh thiên nhiên khắp đất nước Việt Nam. Giờ tuổi cao sức yếu mới ngăn được chân bà...
Chúng tôi rời Nam Ban trong sự luyến tiếc và hi vọng một ngày gần nhất sẽ lại đến nơi đây, lại được hít thở khí trời trên cung đường hoang sơ và hùng vĩ. “Chuyến đi thật tuyệt vời. Nhất định chúng tôi sẽ giới thiệu thật nhiều bạn bè tới đây”, Izzy chia sẻ.
Tạm biệt nhé Nam Ban.
- Theo Dulich Tuoitre
0 nhận xét: