4 món 'quên sầu' ở Cà Mau

Cà Mau là tỉnh cực nam của Tổ quốc, là vùng đất mới - vùng đất gắn với quá trình khẩn hoang của người Việt. Vùng đất này đã góp nên nhiều món ăn ngon cho nền ẩm thực Việt Nam.

Trong số các món ngon của đất Cà Mau, cháo trăn sông Trẹm, cá lóc nước trui, ba khía Rạch Gốc, lẩu mắm U Minh mới đây đã được xếp vào danh sách những món đặc sản Việt Nam.

Cháo trăn sông Trẹm

Nhiều người khẳng định, về Miệt Thứ mà chưa ăn cháo trăn thì chưa thấy hết cái đã, cái hương vị thời khẩn hoang của vùng bán đảo Cà Mau.

Thịt trăn vàng lựng, chặt miếng vuông xen lẫn mấy thớt mỡ trăn bóng ngần mới trông đã phát thèm. Diu khách chỉ cắn một cái đã nghe sừn sựt rồi vị béo, ngọt, là lạ đến tê đầu lưỡi. Phần bao bên ngoài miếng thịt giòn giòn, ngon nhất mà hình như không phải da.  Phần làm cho nồi cháo thơm nhất có lẽ là mỡ trăn, thấy vậy mà không béo.


Cháo trăn sông Trẹm thường ăn kèm với rau rừng đặc biệt là loại dây leo đọt trại và nước mắm biển Kiên Giang thì rất tuyệt. Có thể nấu kèm đậu xanh cùng với cháo trăn ăn cũng có tác dụng giải nhiệt và tẩm bổ rất tốt.

Cá lóc nướng trui Cà Mau

Là món ăn dân dã, dễ làm và đặc trưng cho miền đồng nước Nam Bộ Việt nhưng cá lóc nướng trui lại có một hương vị vô cùng độc đáo.

Cá khi vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, dùng que tre xuyên cá từ đầu đến đuôi rồi vùi cá vào đống rơm khô, châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.

Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me, cuốn với bánh tráng, rau thơm các loại ăn thì rất tuyệt.

Ba khía Rạch Gốc

Ba khía Rạch Gốc có nhiều nhất là vào thời điểm khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không muối lạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.

Ba khía muối cho vừa ăn, bẻ ngoe, càng ra rồi trộn chung với tỏi, ớt băm nhỏ. Sau đó, nặn thêm chanh vào tạo vị chua cho bùi rồi thưởng thức. Còn cái mai của ba khía thì bỏ cơm nóng vào, trộn đều với gạch son, ăn rất đặc biệt. Vị mặn, ngọn, chua, cay hòa với mùi thơm của tỏi và thịt của ba khía chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách.

Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ; Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách.

Lẩu mắm U Minh

Lẩu mắm (mắm kho cho vào lẩu) là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người Nam bộ nói chung và U Minh nói riêng.

Để có một lẩu mắm ngon, mùi thơm đặc trưng phải lựa từng con cá sặc bướm. Sau đó là khâu làm sạch vảy, ruột, rửa sạch, đem phơi cho cá ráo mặt, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt để giữ cho con nắm không nổi lên bề mặt.

Lẩu mắm phải ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi... Ngoài ra còn có đọt choại, loại rau rừng chỉ có ở rừng tràm U Minh. Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc... cùng “lên lửa” với nước cốt mắm sặc thơm lừng. Cũng không thể thiếu bát ốc lác sôi sùng sục dưới đáy nồi lẩu.

- Theo Datviet