Áo bà ba duyên dáng đồng bằng
Nguồn gốc xuất xứ và tên gọi của loại trang phục “đặc sản” này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Hậu Lê vì có nét giống “cái áo đàn ông cổ tròn, cửa ống, tay hẹp" mà sách xưa ghi là cụ Lê Quý Đôn đã quy định thành trang phục cho dân Đàng Trong cuối thế kỷ 18.
Lại có ý kiến áo bà ba chỉ mới xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người Malaysia gốc Hoa cho phù hợp với vóc dáng người Việt. Nếu điều này đúng thì dân Nam Bộ chính là những người giao lưu khu vực sớm nhất.
Tôi không biết ai đúng, nhưng vẫn coi áo bà ba là “đặc sản” của xứ tôi – đồng bằng sông Cửu Long - dù hiện nay phần đông giới trẻ thích mặc quần áo hiphop, model Hàn Quốc, quần jean, áo pull; giới công chức thì mặc trang phục công sở, giới doanh nhân nam mặc veston, sơmi, doanh nhân nữ mặc váy hay đồ tây..., gọi chung là Âu phục.
Dân Nam Bộ nói chung và dân miền Tây nói riêng mặc nhiên coi áo bà ba như thứ trang phục truyền thống, chất chứa “giá trị phi vật thể” tích tụ từ bao đời trên mảnh đất phương Nam. Những năm gần đây, áo bà ba thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở đồng bằng sông Cửu Long và cả Nam Bộ như một sự thừa nhận và cổ xúy cho loại trang phục có sức quyến rũ bền bỉ, vượt qua thử thách của thời gian.
Với tôi, những năm tháng trẻ thơ, nhớ những lần ngơ ngác đi chợ huyện sợ lạc, tay luôn nắm chặt vạt áo bà ba của mẹ – một phụ nữ chân quê đồng bằng. Nhớ các chị tôi vào độ tuổi trăng tròn thường mặc chiếc áo bà ba mượt mà, đầy đặn, làm nhiều anh trai làng phải ngã bệnh tương tư, lén gửi thư tình bằng giấy học trò kẻ hàng đôi để chữ viết được tròn trịa như... con gái mặc áo bà ba.
Áo bà ba không chỉ xuất hiện ngoài phố chợ mà còn có mặt trên ruộng đồng, dưới tán vườn, thấp thoáng qua cây cầu nhỏ...
Cái thứ trang phục “2 phần kín, 1 phần hở" đó vừa giấu, vừa khoe một cách tài tình vẻ đẹp tự nhiên, quyến rũ trong cơ thể của người phụ nữ Nam Bộ. Áo bà ba đã đi vào thơ ca, nhạc, họa cùng với chiếc xuồng ba lá, cái nón lá và chiếc khăn rằn thành biểu tượng của nữ du kích miền Tây.
Áo bà ba cổ điển, được nhiều người mặc từ thập niên 1960 trở về trước, may bằng các loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt; được xẻ ở hai bên hông làm người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai cái túi to. Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái mà cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long thường vận bộ bà ba đen khi đi làm đồng.
Theo các nhà Từ điển học nghiệp dư của Wikipedia, trong 2 thập niên 1960-1970, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến nhờ óc sáng tạo của các nhà tạo mẫu dân gian mang hơi hướng "tân cổ giao duyên" nên vừa phá cách, vừa giữ được nét đặc thù. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình như để khoe "3 số đo" của các cô gái duyên dáng dễ thương.
Người miền Bắc có câu: "Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương", nhớ “áo tứ thân với tóc đuôi gà”. Còn người miền Nam thì mộc mạc hơn, “thương nhớ áo bà ba” như nhớ thương một vùng ký ức tuổi thơ một thời thấp thoáng...
- Theo báo Laodong, ảnh sưu tầm
0 nhận xét: