Ký sự một chuyến “Leo nhầm núi”
Chúng tôi chỉ là dân nghiệp dư, đa phần là nhân viên văn phòng quanh năm suốt tháng ngồi trong máy lạnh, một ngày đi bộ không quá 2km. Do đó để tạo niềm vui và rèn luyện thể lực, chúng tôi thường họp mặt lại, chọn một ngọn núi nào đó để chinh phục. Khởi xướng vụ leo trèo lần này là anh Đức, một người khá thâm niên trong những chuyến đi thế này. Nhóm đi đợt này đa phần là những người đã có kha khá kinh nghiệm chinh chiến, đã từng chinh phục các loại núi bà, từ bà Đen, bà Rá, đến Tà Cú, Fansipan, có người còn đã từng lên đến Base Camp của Everest.
Đợt này chúng tôi chọn một ngọn núi thuộc huyện Xuân Lộc: núi Chứa Chan. Đây là một chuyến đi ngắn dự định gói gọn trong ngày, nếu không có gì trục trặc thì xuất phát từ sáng sớm và đến khoảng 3h là có thể xuống núi.
Trước khi đi mọi người cũng đã khảo sát kha khá về ngọn núi này. Đây là ngọn núi cao thứ 2 khu vực Nam Bộ với chiều cao 837m.
Xem trong bản đồ địa hình Topo thì chúng tôi xác định hướng dễ leo nhất là hướng 4h-5h. Sau khi thống nhất và gút lại danh sách thì cuối cùng cũng đến ngày lên đường.
Đúng 7h sáng chúng tôi xuất phát từ cơm tấm Kiều Giang, trực chỉ hướng quốc lộ 1. Lần này chúng tôi đi trên 3 xe, tất cả đều là xe sedan, do đường từ ngoài quốc lộ vào chân núi khá tốt nên không cần đến xe 2 cầu.
Chúng tôi đến Dầu Giây thì dừng lại để đợi một số thành viên đi sau. Sau khi hội quân đủ thì tiếp tục xuất phát hướng về phía Xuân Lộc. Qua thị trấn Xuân Lộc thì ngọn núi bắt đầu hiện ra sừng sững.
Nói chung là nhìn cũng kinh lắm nên không ai dám coi thường. Đến đây thì bắt đầu xảy ra vấn đề – mà lúc đó không ai nhận ra đó là vấn đề chết người.
Đó là do chúng tôi đã quá tin vào sự dẫn đường của hệ thống GPS nên cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo sự dẫn đường của nó.
Chính xác hơn là GPS không có lỗi, lỗi là do nguồn bản đồ chúng tôi sử dụng không chính xác. Đến khoảng 9h thì đoàn vào đến chân núi. Gửi xe vào một nhà dân, chuẩn bị đồ đạc và bắt đầu cuộc hành trình.
Các con dốc khá đứng và rút đi sức lực của mọi người rất nhanh. Tuy nhiên do đã có kinh nghiệm nên mọi người vượt qua không mấy khó khăn. Về phần tôi, trông bề ngoài có vẻ thư sinh yếu đuối nhưng lại luôn thuộc nhóm đi đầu, có lẽ là nhờ nhẹ cân nên việc leo trèo có phần dễ dàng hơn những người to xác khác chăng?
(Hình ảnh từ đoạn này trở đi khá ít vì lý do là leo đã muốn bốc khói lỗ tai, nhấc chân còn vất vã nên chẳng có tâm trí đâu mà chụp nhiều được)
Sau một vài lần dừng chân nghỉ giải lao thì nhóm đầu đến được lưng chừng núi. Chúng tôi quyết định dừng lại chờ 2 nhóm đi sau. Nhóm đi sau có anh Giang lên đến bảo rằng có hỏi dân địa phương và được bảo là đường này không thể lên được đỉnh cao nhất.
Nếu quyết đi thì mất khoảng 1 ngày rưỡi mới đến nơi, và dẫu anh Giang có gợi ý thuê họ dẫn đường nhưng họ từ chối vì bảo rằng đường rất khó đi và nếu đi thì phải vòng xuống đất và đi theo một hướng khác, mất khoảng 5-6 tiếng mới đến được đỉnh. Sau khi bàn bạc, do tin tưởng vào sự khảo sát trước, mọi người quyết đi tiếp, lỡ có không đến được nơi thì đi đến khi nào hết đường mòn thì quay lại.
Thế là tiếp tục cuộc hành trình, sau một lúc đến khoảng 11h30 thì chúng tôi đến được một con suối. Rõ ràng, nếu có suối thì có nghĩa là chắc chắn có điểm cao hơn. Lại hỏi một người dân ở đó và cũng được trả lời rằng đường này đi không đến được đỉnh. Mọi người bắt đầu hơi thất vọng, chủ yếu là vì tiếc công sức chuẩn bị mà không đạt được mục đích nên có phần buồn.
Tuy nhiên mọi người vẫn quyết định tiếp tục đi, lúc này đường đi bắt đầu không còn rõ, đặc biệt là do lá khô rụng nhiều cộng với dốc nên rất dễ trượt. Thêm một điều bất lợi nữa là do nghĩ địa hình khu vực này đa phần là đá, nên tôi chọn một đôi giày có khả năng bám vào các mặt đá nhám, tuy nhiên cũng điều này lại cực dở trong việc bám các địa hình đất cát và lá khô thế này. Do đó tôi phải rất cẩn thận nếu không sẽ rất dễ trượt chân, mà trượt xuống thì…
Tôi được phân công đi đầu mở đường. Sau khi băng qua con dốc đứng đầy lá khô đó thì chúng tôi đến một trảng rộng. Từ đây có thể phóng tầm mắt thấy đỉnh núi, tuy nhiên đỉnh núi đang cách chúng tôi một thung lũng sâu bên dưới. Đi một vòng khảo sát thì kết quả là… không có đường đi tiếp nữa. Hướng duy nhất có thể tiếp tục là băng xuống thung lũng và lội ngược lên triền núi bên kia để tiến lên đỉnh. Vấn đề là đường xuống thung lũng không có, hoàn toàn mịt mù cây cỏ và… vực.
Mọi người bắt đầu có ý kiến rút lui, vì nếu quyết định băng vào những khu vực rậm rạp kia sẽ quá nguy hiểm, mà lại không chắc là sau khi sang được triền núi bên kia có thể tiếp tục đi tiếp lên đỉnh hay không. Do đó hầu hết mọi người đều nhất trí ngồi nghỉ một chút và quay về. Trong đoàn chỉ còn tôi, anh Đức và anh Kiên liên tục kêu gọi mọi người thử đi tiếp xuống thung lũng, nhưng vô hiệu. Ba chúng tôi quyết tâm đi tiếp. Anh Giang dẫn đầu nhóm còn lại ở lại nghỉ ngơi và quay về.
Chúng tôi băng xuống thung lũng, địa hình rất hiểm trở, tôi phải câu mình vào hai bên những vách đá để từ từ trượt xuống, lúc này đôi giày lại phát huy tác dụng khá tốt. Xuống đến đáy thung lũng là một ngọn suối khác.
Tôi nhin qua và thấy thấp thoáng bên kia có đường có thể tiếp tục đi. Thế là ba anh em quyết tâm đi, lúc này điều chúng tôi lo nhất là… rắn. Vì đường quá rậm rạp, những khu rừng thế này là môi trường quá lý tưởng cho rắn. Tôi bẻ một cành cây dài, vừa đi vừa đập đập phía trước, về căn bản thì rắn sợ người, nghe tiếng động nó sẽ bỏ chạy, hoặc nếu nó có dữ tợn thì mình cũng thấy nó trước. Ông Đức đi phía sau cứ nói: “Nó đang ngủ mày để nó ngủ đi, đập nó thức thì sao?” anh Đức là người có thể đùa trong mọi trường hợp, đi với anh ấy được cái là cười suốt.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng men lên được triền núi bên kia. Lúc này độ dốc lớn dần, chúng tôi gần như phải bò để đi lên. Một lúc sau thì chúng tôi lên được một trảng trống, ở đây độ cao cũng khá cao rồi, và đến lúc này chúng tôi mới nhận ra một điều phủ phàng là: trước mặt chúng tôi là một vách dựng đứng, cộng thêm chân vách thì cây cối vô cùng rậm rạp. Việc vượt qua vách núi này là vô phương. Đây là góc khuất không thể thấy từ bên triền bên kia, nên điều này dẫn đến nhận định sai lầm của chúng tôi. Không còn cách nào khác, sau một hồi cố gắng tìm một con đường khác mà không thành công, chúng tôi đành quyết định xuống núi.
Lúc này có hai lựa chọn, một là quay lại đường cũ, hai là chọn một con đường khác. Do lúc đi đường cũ chúng tôi băng rừng, nên dẫu đã có đánh dấu nhưng việc tìm lại được đường cũ cũng không đơn giản. Thêm nữa là quãng đường đi lại đường cũ quá xa và sẽ rất tốn sức, và khi nãy đổ xuống thung lũng có một số đoạn chúng tôi chỉ có thể xuống được mà rất khó quay lên. Do đó 3 anh em quyết định nghỉ ngơi một chút và sẽ chọn một con đường khác. Trong lúc nghỉ ngơi anh Đức đi vòng sang mặt bên kia và thấy đây là điểm giao nhau giữa 2 vách núi, phóng tầm mắt ra xa bên dưới thì có thấy một vài nóc nhà, xa hơn nữa là chân núi. Chúng tôi quyết định chọn đường này để xuống núi.
Đường xuống núi rừng không rậm và không quá dốc, tuy nhiên mặt dốc lại tiếp tục là đất, do đó rất dễ trượt với đôi giày của tôi. Chúng tôi đi được một đoạn khá lâu thì bỗng phát hiện một đường mòn, đi men theo lối mòn đó một lúc thì ra đến được một khu vực quen quen, đi thêm một lúc thì chúng tôi phát hiện là đã quay lại được đường cũ, và ở đoạn này thì chúng tôi đã tiết kiệm được một đoạn rất nhiều.
Đi thêm một đoạn chúng tôi dừng lại nghỉ. Tại đây bất ngờ chúng tôi liên lạc được với nhóm còn lại và được biết họ cách đỉnh… 50m. Trời hỡi, vậy là mọi người tiếp tục đi và đang tiến về đỉnh. Sau đó thì mọi người báo là sẽ xuống núi bằng một đường khác và cho vị trí, do vậy 3 chúng tôi sẽ xuống núi lấy xe qua vị trí kia và đón mọi người.
Đến lúc này chúng tôi vẫn còn bán tín bán nghi là nhóm kia đang giỡn. Trời lúc này bắt đầu kéo mây đen và đổ mưa to. Chúng tôi thầm lo cho mọi người, đặc biệt là ở nhóm bên kia có 2 người nữ. Đến khoảng 3h thì chúng tôi quay lại được chân núi, lấy xe và chạy thẳng ra điểm đã hẹn. Điểm hẹn cách điểm chúng tôi đang đứng khoảng 6-7km.
Sau một lúc mò mẫm thì chúng tôi cũng đến được điểm hẹn. Gần đó là một ngôi miếu, bên cạnh có một cây mận trĩu quả. Nhìn xung quanh chẳng thấy ai để xin, chúng tôi hái đại. Ngồi ăn và đợi nhóm kia. Đến khoảng 4h30 thì từ xa thấy thấp thoáng bóng người, gần hơn nữa thì phát hiện ra đó là anh Tùng. Haha… thế là cuối cùng cũng gặp lại nhau.
Sau một lúc chờ đợi thì nhóm kia cũng xuống đủ người, một chị trong đoàn có vẽ rất đừ và có dấu hiệu lã người. Đưa mọi người ra ngoài vào một quán nước, sau đó 3 chúng tôi lấy chìa khóa và quay lại điểm cũ để lấy 2 chiếc xe còn lại ra. Ngồi uống nước, nghe mọi người kể lại mới biết là nhóm kia đang chuẩn bị quay về thì được một người đi làm rẫy dẫn đường đi theo một hướng khác, tuy đường vòng hơn nhưng lại dễ đi, và cuối cùng họ lên được đến đỉnh. Từ đỉnh họ được những người bộ đội chỉ đường xuống núi. Cuối cùng thì cái nhóm hăng hái nhất bọn tôi lại là nhóm không lên được đến đỉnh. Nhất định 3 chúng tôi sẽ quay lại một ngày gần đây để thanh toán ngọn núi này.
Sau đó nói chuyện với người chủ quán chúng tôi mới biết là ngọn núi mà chúng tôi bắt đầu ban sáng không phải là núi Chứa Chan, mà là núi Gia Lào. Một ngọn núi thấp hơn nhưng không có đường sang núi Chứa Chan, và ngay cả những người dân ở đó cũng không ai đi đường đó để lên đỉnh núi Chứa Chan. Thế là cả nhóm cười òa khi phát hiện ra mình đã… leo nhầm núi. Một chuyện chắc vô tiền khoáng hậu từ trước tới nay. Đầu đuôi cũng là do bị cái GPS lừa.
Có sự nhầm lẫn này là do núi Gia Lào và Chứa Chan nằm cạnh nhau, GPS đã “tài lanh” tính đường cho xe hơi vào đến nơi, mà với tính toán này của GPS thì chỉ có Gia Lào. Thật ra khi chúng tôi đến chân núi đã thấy hơi là lạ, vì khi ở xa thấy ngọn núi khá cao, đến nơi lại thấp lè tè (ngọn Gia Lào chỉ cao khoảng 500m), nhưng do đi gần chân núi nên Gia Lào đã che mất ngọn Chứa Chan. Cộng thêm là xung quanh đó chẳng có núi nào khác, nên chúng tôi cứ đinh ninh là mình lên Chứa Chan trong khi lại đang ở Gia Lào.
Thật ra ngọn núi Chứa Chan này nếu đi đúng đường, từ đúng chân núi lên đến đỉnh chỉ khoảng 2 đến 3 tiếng là đến nơi, ở trên đỉnh khoảng nửa tiếng, sau đó cộng khoảng 1,5 tiếng xuống núi, tổng cộng 4-5 tiếng là có thể lên và xuống nếu đi liên tục. Nhưng do chúng tôi chọn một hướng đi quá khắc nghiệt nên tổng thời gian mất gần 8-9 tiếng trên núi.
Dẫu sao thì mục tiêu hôm nay của chúng tôi cũng đã thành công, chúng tôi có một chuyến đi vui, đầy ắp tiếng cười và một kết quả đáng nhớ: “Đi leo núi nhưng leo… nhầm núi”.
Theo Apo's blog Ngochieu, ảnh bổ xung từ internet
0 nhận xét: