Phượt bằng xe đạp, tại sao không?
Dù cưỡi trên mình những chú "ngựa sắt" thô sơ, nhưng những "tay cương" giữ ngựa vẫn luôn muốn tìm đến những trải nghiệm thú vị bằng những hành trình trên những cung đường đầy thử thách và hứa hẹn không ít những gian nan.
Nếu bạn là người thích được chinh phục nhưng mới lần đầu đến với thú phượt bằng xe đạp địa hình, bạn có thể chọn cho mình những cung đường trải nhựa, đôi khi là những đoạn đường không hoàn toàn bằng phẳng nhưng vẫn có thể dễ dàng đạp xe, mục đích chính là để thưởng thức phong cảnh, hoặc tìm hiểu đời sống văn hoá của địa phương.
Bạn có thể đến với những hành trình như Hà Nội – Sơn Tây – Tản Đà, Hà Nội – Mai Châu – Kim Bôi, hay Hà Nội – Vĩnh Yên – Tuyên Quang – Đại Từ - Thái Nguyên…
Còn nếu bạn đã là những tay lái tương đối chuyên nghiệp thì hãy chọn cho mình những đoạn đường có đá dăm lồi lõm như đến với hành trình Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa. Hành trình chinh phục tới những miền đất mới của Tổ quốc vẫn luôn thu hút và hấp dẫn những dân phượt chuyên nghiệp như những cái tên: Hàm Lợn, Thung Nai, Hồ Núi Cốc, đèo Hải Vân…
Những trục trặc những tai nạn trên đường đi với những con ngựa sắt có thể dở chứng bất cứ lúc nào cũng sẽ là điều bạn cần lưu ý.
Trên đường đi có thể bạn sẽ gặp phải những tình huống rất thường nhưng rất cần bạn phải thực sự bình tĩnh. Đôi khi là những trục trặc kỹ thuật như mòn thắng, bể lốp, cong vành…vì vậy trong hành trang cá nhân nhất định bạn phải trang bị những thứ thô sơ để sẵn sàng thao tác công việc của một bác sửa xe chuyên nghiệp.
Đặc biệt những rắc rối từ sức khỏe cũng là một điều bạn cần đặc biệt chú ý. Đạp xe cần sử dụng rất nhiều sức nên đôi khi bạn rất dễ bị chuôt rút, say nắng hoặc có thể dễ dàng bị đuối sức nếu cố quá mà không có sự điều chỉnh nhịp nhàng với cả đoàn trong hành trình.
Thêm một lưu ý đặc biệt là bạn có thể dễ dàng bị lạc đường nếu mải mê bám theo những điều thú vị bất chợt bạn khám phá được, hay chỉ đơn giản là quên đường về khách sạn cùng cả đoàn.
Những lúc như thế chỉ cần thấp thoáng bóng dáng một thành viên bạn cũng cần “áp sát” và đừng bao giờ quên điện thoại di động.
Thú phượt xe đạp của giới trẻ
Giới trẻ thích du lịch bụi đã quen với những cung "phượt" đường dài bằng xe máy, và giờ đây "phượt" bằng xe đạp cũng dần trở nên phổ biến. Những trải nghiệm mới mẻ khi vi vu trên chú "ngựa sắt" khiến dân "phượt" ngất ngây.
Tình yêu với xe đạp
"Phượt bằng xe đạp nghe cũng lạ, vì chẳng ai điên điên mà vác con ngựa sắt kọt kẹt với ước mơ chu du và khám phá cả. Nhưng mình lại thích điều đó, phượt một cách nhẹ nhàng và gọn gàng, đạp xe, ngắm cảnh, thích thì dừng lại, tấp đại xe vào lề và tha hồ bấm máy, song nhảy lên xe và lao vút đi, nhẹ nhàng", đó là lý do tại sao bạn trẻ nickname kt_anghia chọn xe đạp làm bạn đồng hành cho những chuyến lang thang, khám phá của mình.
Thích lang thang, thích khám phá, thích mạo hiểm, thích những chuyến đi bụi bặm...là những điểm chung của anh em nhà "phượt". Với những chuyến "phượt" đường dài, xe máy được cho là phương tiện phổ biến và tiện lợi nhất. Thế nhưng, có những bạn trẻ lại thích "ê mông", vi vu trên những con "ngựa sắt" bởi cảm giác mới mẻ mà nó mang lại.
Hiếu Trung, một tay "phượt" xe đạp kỳ cựu chia sẻ chuyến "phượt" đầu tiên bằng xe đạp của Trung là năm học lớp 9, Trung cùng bạn đạp xe từ Hà Nội đến Bình Đà để mua pháo. Sau đó Trung đam mê xe đạp và bắt đầu tự đi các cung đường ngắn: Hà Nội - Hoà Bình, Hà Nội - Sơn Tây – Đá Chông – Ao Vua, Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Hồ Núi Cốc,….
Trung kể: "Thời sinh viên, mình thường đi bằng xe cuốc, không có chắn bùn và mọi lịch trình đều tự tổ chức, đa số là đi một mình với các chuyến đi 1 – 2 ngày. Lúc đó không có phương tiện gì, chưa được bố mẹ sắm xe maý cho và nếu muốn đi du lịch rẻ tiền khắp Việt nam như các cụ nhà mình hồi đó, chỉ có mỗi cách đi xe đạp"
"Mỗi năm mình đi 7 - 10 chuyến trong vòng 2 ngày với cung đường mỗi đoạn chừng 150 – 180km. Các điểm đến thường là: Ba Vì, Tam Đảo, Kim Bôi, Quan Sơn…Cũng có những lúc nổi hứng bất chợt, tổ chức đạp xe ban đêm ngắm Hà Nội hay đi vòng vòng ruộng quê", Trung nói thêm.
Xe đạp lấy "cơm thay xăng", đạp xe du lịch, vừa tiết kiệm, vừa rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Hoàng Dương, thành viên CLB Hành Trình Xanh - chuyên tổ chức những chuyến đạp xe xuyên Việt vì môi trường, cho biết điểm khác biệt giữa đi xe đạp với đi bằng xe máy, đó là phải dùng ý chí, sức khoẻ của cá nhân kết hợp với tinh thần đồng đội. Người dẫn đầu đoàn thường là người khỏe nhất, đi trước để cản gió.
"Đi xe đạp chầm chậm để cảm nhận được mọi thứ xung quanh, cảm nhận thời gian trôi qua...Với tình trạng xăng tăng giá như thế này, đi xe đạp vừa lãng mạn vừa bảo vệ môi trường, tập thể dục luôn thể mà còn tiết kiệm được chi phí", Dương bày tỏ.
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm
Niềm đam mê của những người chơi xe, đam mê du lịch của dân "ê mông" là không bao giờ cạn. Mỗi chuyến đi, mỗi điểm dừng chân lại cho các bạn những trải nghiệm mới mẻ.
Xe máy thường chú trọng tới cự ly, khoảng cách, điểm đến. Còn xe đạp chủ yếu chọn các cung đường nông thôn để trải nghiệm. Hiếu Trung chia sẻ: "Trong thời buổi cơm áo gạo tiền cuộc sống luôn tấp nập bận bịu như thế này, khi ta lượn lờ đạp xe ngắm phố, sẽ thấy cuộc sống thật khác lạ. Cảm giác là lạ khi qua những quãng gồ ghề ở nông thôn, được chinh phục những con dốc trong ngày hè nắng gắt, được cảm thấy mình tự vượt qua chính mình khi lên đỉnh dốc và tà tà thư giãn ngủ dưới gốc cây…".
Trung còn nhớ, chuyến đi gian nan nhất của đoàn là chuyến xe đạp chinh phục Tam Đảo trong đêm. "Đó là chuyến đi đáng nhớ và cho mình nhiều cảm xúc nhất. Xuất phát từ 3h chiều, 7h tối tới chân núi. Trời mưa và rét. 12h đêm cả nhóm tập kết trên đỉnh tại thị trấn trong tình trạng tơi tả, vừa đạp, vừa xách, vừa dắt xe, vừa bò", Trung kể.
Còn với Hoàng Dương, "phượt" xe đạp càng có ý nghĩa hơn khi mỗi chuyến đi của bạn gắn liền với những chuyến đi tình nguyện. Những chuyến đi đến với trại trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn giúp Dương hiểu hơn về cuộc sống, biết cảm thông với những số phận bất hạnh.
Dương chia sẻ: "Mình đã đạp xe đến nhiều vùng đất, mỗi vùng đất mỗi con người mỗi kỷ niệm nhưng đều thấm đậm tình người, tình bạn. Kết nối trái tim, chia sẻ nỗi đau, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường là những gì mà mình và các thành viên trong CLB muốn làm cùng với chiếc xe đạp".
Về vấn đề an toàn cho mỗi chuyến đi, Dương cho biết, trước mỗi chuyến đi nhóm thường cử người đi tiền trạm, lên kế hoạch lịch trình cụ thể. Các thành viên của đoàn được hướng dẫn những kĩ năng cơ bản nhất khi đi trên đường, nhất là duy chuyển theo đội hình, tuân thủ kỉ luật đi đường và luật an toàn giao thông. Khi đi đường sẽ có 1 đội an ninh từ 5 - 7 bạn đi hàng ngoài để nhắc nhở các bạn đi theo hàng lối, tuân thủ quy định và duy trì khoảng cách an toàn với các phương tiện đi bên cạnh.
- Vietnamnet
0 nhận xét: