Vọng cảnh trên đỉnh Tà Cú
Xưa kia đây là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur với nhiệt độ trung bình nơi đây từ 18 đến 22°C.
Địa danh Tà Cú không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là âm ngữ địa phương của vùng đất Chiêm Thành xưa đặt tên cho ngọn núi khá cao và đẹp này. Tà Cú có quần thể đa dạng với nhiều loài động vật quý hiếm: gà tiền mặt đỏ, gà lội hồng tía, trĩ sao... và muôn vàn kỳ hoa, dị thảo: nhất điểm hồng, thạch lan, hồ điệp...
Rừng xanh chập chùng, những dòng suối trong vắt, róc rách chảy ra từ triền núi, khí hậu mát mẻ quanh năm... tất cả hòa quyện vào nhau, đem đến cảm giác thư thái, tĩnh tâm.
Sẽ bình yên hơn khi du khách chợt nghe tiếng chuông chùa ngân vang từ Cổ tự Linh Sơn Trường Thọ.
Gắn liền với núi rừng Tà Cú, ngôi chùa được Tổ sư Trần Hữu Đức lập nên vào cuối thế kỷ 18.
Trên bước đường hành đạo, Tổ sư Trần Hữu Đức đã chọn Tà Cú làm nơi dừng chân, dựng một thảo am nhỏ để tu hành và bốc thuốc trị bệnh cho người dân trong vùng.
Tương truyền, vào thời vua Tự Đức (1880), Tổ sư Trần Hữu Đức đã giúp Hoàng thái hậu Từ Dũ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo mà các danh y trong triều đều bó tay.
Cảm phục y đức của tổ sư, vua Tự Đức đã sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi tổ sư sáng lập và tu tịnh.
Du khách khi đến với núi Tà Cú còn có dịp chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật độc đáo “Đức Phật nhập Niết Bàn” với chiều dài 49m, cao gần 7m.
Tượng được xây dựng vào năm 1962, với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, mắt nhìn ra biển.
Vào những ngày trời quang, từ chùa Tà Cú du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn toàn cảnh biển trời, những vườn thanh long bạt ngàn, những dải cát trắng trải dài, xa xa là Hòn Bà với truyền thuyết bà Chúa Ngọc linh thiêng và thêm thị xã La Gi với cảng biển lớn nhất Bình Thuận...
Ngày trước, chỉ có một lối mòn duy nhất đã có từ xưa để khách bộ hành tham quan núi rừng Tà Cú nhưng giờ đây đã có hệ thống cáp treo hiện đại giúp người tham quan lên đỉnh dễ dàng hơn.
Nếu leo núi theo kiểu trekking: muốn lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm thì du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45°.
Còn muốn nhẹ nhàng, du khách có thể ngồi 10 phút trong cabin "bay" theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, lướt trên những tán rừng xanh để tận hưởng cảm giác bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Lên đỉnh Tà Cú, điều thú vị hơn hết là chúng ta có được cảm giác hòa mình với thiên nhiên núi rừng, nhìn ngắm rừng nguyên sinh bao la từ trên cao, cảnh vật như rộng mở trước mắt.
Càng lên cao, khí trời càng mát mẻ thông thoáng. Vừa ngắm nhìn những cánh chim bay lượn qua rừng cây, nhìn xuống chân đồi và cảnh rừng núi trùng trùng điệp điệp bên dưới với mây trắng vây phủ, sẽ có cảm tưởng ta đang vào xứ thần tiên.
- Tổng hợp
0 nhận xét: