5 kỷ lục về đường Trường Sơn huyền thoại
Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh xưa và nay là một kết hợp tuyệt vời lịch sử chói lọi của cuộc đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, kéo những bản làng xa xôi gần lại với đồng bằng và phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống vùng sâu, vùng xa.
Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã công bố 5 kỷ lục thuộc về đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.
- Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, con đường có độ cao, cao nhất và độ dài, dài nhất
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh nằm trên dãy Trường Sơn, dãy núi dài qua lãnh thổ ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng tại Việt Nam, đỉnh núi cao nhất là 2.178 m.
Những con đường trên dãy Trường Sơn được khai phá vào các thời vua như Lê Đại Hành (thế kỷ 10), Quang Trung (thế kỷ 18), Hàm Nghi (cuối thế kỷ 19)... Nhưng đặc biệt nhất là thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ tháng 2/1942 đến đầu năm 1945, đường Trường Sơn được mở nhiều ở phía Bắc và các tỉnh miền Trung như: Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam Quảng Ngãi...
Cuối năm 1947, đường được mở thêm ở Ninh Thuận, Bình Thuận - Miền Đông Nam Bộ. Trước ngày mở chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1975, đường Trường Sơn có 6 trục dọc, với tổng chiều dài 7.710km, 5.980km đường ngang và 5.020km đường vòng tránh. Như vậy, tổng cộng đường Trường Sơn có độ dài 18.710km.
Đến năm 1973, đường vận tải Trường Sơn chính thức được đổi tên là đường Hồ Chí Minh.
- Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, nơi có nhiệt độ thấp nhất, lượng mưa nhiều nhất, độ bốc hơi ít nhất
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh ở độ cao 1.000m - 1.800m mang tính chất khí hậu “á nhiệt đới điển hình”. Ở đây nhiệt độ trung bình dưới 13 độ C, tháng lạnh nhất 3 - 6 độ C, tháng nóng nhất cũng chỉ 14 độ C. Lượng mưa hàng năm khoảng 2.500mm và lượng bốc hơi không quá 500mm. Đường Hồ Chí Minh quanh năm có mây mù che phủ, do đó mặt đường đất luôn luôn ẩm ướt, trơn trượt rất khó khăn cho di chuyển bằng xe hoặc đi bộ khi leo và tuột dốc.
Hàng năm, mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 (dương lịch). Trời mưa như trút nước, tới 300 - 400mm/ngày. Tháng 7 thường có lũ lớn làm tắc nghẽn giao thông, đến cuối tháng 9 mới ngớt mưa, hết lũ. Và đầu tháng 11 chuyển sang mùa khô kéo dài hơn 6 tháng.
- Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, con đường “có một không hai” được báo chí, văn, thơ, âm nhạc trong và ngoài nước nói đến nhiều nhất
Có 105 chính khách gồm các nhà văn, sử gia, giáo sư, tiến sĩ khoa học, luật gia, tiến sĩ xã hội học, nhà báo, nhân chủng học… phương Tây đã nói nhiều về con đường “mòn Hồ Chí Minh” (đường Trường Sơn).
Các nhà xuất bản lớn trên thế giới đã phát hành hàng trăm tác phẩm nói về cuộc chiến tranh Việt Nam với con đường “mòn” huyền thoại, rất nhiều tờ báo, tạp chí lớn ở phương Tây đã đăng tải những thiên phóng sự nói về hoạt động ngăn chặn con đường “mòn” ở Việt Nam của Mỹ bị thất bại. Sự tàn phá vô cùng khốc liệt nhưng tất cả đều vô vọng trước sức bền bỉ lạ lùng của nó.
Tại Việt Nam, trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt xảy ra ở đường Trường Sơn, hàng ngàn bài báo, bài thơ, truyện ngắn, truyện dài... hàng chục ca khúc nổi tiếng viết về con đường này để ca ngợi sức chiến đấu kiên cường, bền bỉ… quyết giành thắng lợi của quân và dân Việt Nam.
- Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, con đường giữ vai trò chiến lược trọng yếu nhất trong cuộc kháng chiến cứu nước
Là một công trường lao động vĩ đại, một chiến trường tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất với vũ khí hiện đại nhất; Hoàn thành 3 nhiệm vụ chiến lược, góp phần có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước; Vận dụng nghệ thuật quân sự Việt Nam phát động mọi lực lượng trên tuyến đều là lực lượng chiến đấu chống địch; Đã có trên 4 vạn công binh, TNXP… đào đắp trên 28 triệu m3 đất đai kiến thiết một hệ thống cầu đường gần 20.000km đường ô tô, 500km đường sông, 1.400km đường ống xăng dầu… như trận đồ bát quái xuyên rừng núi.
Từ đó, chi viện 1,3 triệu tấn vũ khí, vật chất thiết yếu, đưa trên 2 triệu lượt người chi viện cho Miền Nam. Đặc biệt, lực lượng cán bộ chỉ huy, kỹ thuật các ngành làm nòng cốt xây dựng lực lượng. Cơ động 3 quân đoàn chủ lực, 5 sư đoàn, gồm lực lượng binh khí kỹ thuật: xe tăng, pháo binh hạng nặng, tên lửa, xe máy công trình… Là căn cứ chiến lược trực tiếp của 3 chiến trường Miền Nam, đông bắc Campuchia, Hạ Lào với chiều dài trên 1.000km, chiều rộng 100km gồm 21 tỉnh của 3 nước.
- Con đường “thực hiện” mệnh lệnh thần tốc, táo bạo nhất để giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến cứu nước.
Nhận rõ đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch của cách mạng Việt Nam, đối phương tập trung đánh phá ngăn chặn quyết liệt, tập trung 70% lực lượng phương tiện vũ khí kỹ thuật hiện đại. Nơi đây đã có 111.135 trận không kích, kể cả B 52, 1.263 cuộc hành quân bằng các loại chiến tranh công nghệ cao như điện tử, tự động hóa, hóa học, vi trùng với các loại vũ khí như bom lade, cây nhiệt đới, bom từ trường, máy phát hiện mục tiêu khuếch đại ánh sáng mờ, tia hồng ngoại.
Nêu cao tư tưởng cách mạng tiến công, Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống gần hai vạn tên địch, bắn rơi 2.458 máy bay các loại; Bảo đảm giao thông thông suốt, làm thất bại thủ đoạn ngăn chặn của địch. Với khẩu hiệu chiến đấu: Nhằm thẳng quân thù, bắn, quay nòng pháo theo bánh xe lăn; Máu có thể đổ, đường không tắc; Còn người, còn xe, còn hàng; Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Hồ Chí Minh, như Đại tường Võ Nguyên Giáp nhận định, đã bảo đảm cho đại quân cả bộ binh và binh khí kỹ thuật nặng, bí mật bất ngờ từ Bắc tiến vào Nam, tạo ưu thế đột biến của đòn chiến lược quyết định.
- Tổng hợp từ Tuoitre, Datviet, VTC và nhiều nguồn khác
0 nhận xét: