Đá Dựng với chuỗi hang động kỳ bí
Núi Đá Dựng có tên chữ là Châu Nham Sơn, tên cổ là núi Bạch Tháp. Đây là một thắng cảnh đẹp, còn mang nét hoang sơ, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, cách biên giới Việt Nam - Campuchia chừng bốn cây số. Trong sách Hà Tiên thập vịnh, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đã miêu tả núi Đá Dựng qua bài vịnh có tựa đề Châu Nham lạc lộ (Cò về núi Ngọc) như sau:
Bóng ngọc mây đâm phủ núi non
Bay la bay lả trắng hoàng hôn
Góc trời thế trận giăng cây cỏ
Đóa ngọc hoa rơi khắp bãi cồn.
Theo truyền thuyết dân gian, thuở đất Hà Tiên còn hoang sơ, cư dân Phù Nam đã từng tập trung ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng, nhưng do nhiều nguyên nhân, các của nả trên dần bị thất lạc theo thời gian.
Khi Mạc Cửu đến khai mở đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ XVII, thấy thỉnh thoảng nông dân nhặt được ngọc quý tại Đá Dựng nên ông gọi là núi Châu Nham, nghĩa là “núi ngọc”.
Châu Nham Sơn là một tác phẩm kỳ vĩ của thiên nhiên đã ban tặng cho đất Hà Tiên, với vẻ đẹp tuyệt vời, những hang động thâm u bí ẩn cùng những huyền thoại và truyền thuyết có từ thuở xa xưa. Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua thời gian dài, trong lòng núi có rất nhiều hang động. Núi ở đây không cao, chừng trên dưới 100m nhưng có cả thảy hơn 14 hang động lớn nhỏ.
Từ thị xã Hà Tiên, đi khoảng sáu cây số theo quốc lộ 80 về hướng cửa khẩu Xà Xía thì đến Thạch Động. Ở đó có một con đường rẽ phải, đi chừng hai cây số nữa là đến Đá Dựng. Đá Dựng vẫn còn hoang dã với những cụm núi non xen kẽ đầm lầy, đồng cỏ năn và rừng cây bụi. Sách xưa còn gọi nơi đây là Điểu Đình (sân chim) vì có một số lượng lớn cò trắng sống ở đây.
Sau khi mua vé 2.000 đồng/người, với sơ đồ hướng dẫn, du khách có thể bắt đầu cuộc hành trình du khảo quanh co men theo sườn núi, thâm nhập vào các ngóc ngách, hang động để khám phá những điều hấp dẫn. Đường đi giáp các hang động của Đá Dựng dài gần 1.300 mét.
Mỗi hang động mang một nét bí ẩn, lạ lùng. Hang Thần Kim Quy có khối đá dẹp hình con rùa. Hang Dơi có thạch nhũ hình bầu hồ lô. Ở động Bồng Lai, không khí luôn trong lành, ngước lên trên thấy mây bay vùn vụt như sát trên đầu.
Trong hang Bồng Lai còn có hình bàn tay Phật in ở vách đá. Ở động Khổ Qua, thật thú vị khi ngắm những thạch nhũ có hình như trái khổ qua khổng lồ. Ở động Sám Hối, có một tượng đá to như hình một nhà sư đang cúi đầu vào vách đá trầm tư.
Vào hang Cổng Trời có cảm giác lạnh ngắt và hơi khó thở vì càng đi sâu, hang càng nhỏ, có chỗ phải nghiêng mình lách qua vách đá tối, như đi sâu xuống lòng đất âm u, nhưng cuối cùng hang ăn dần lên cao và bất ngờ thông ra bên ngoài đầy ánh sáng. Có những hang ăn liền với nhau tạo thành những “mê cung” với rất nhiều thạch nhũ muôn hình vạn trạng.
Đá Dựng như một tòa lâu đài đá vĩ đại, kiên cố với hàng trăm vọng pháo đài, hàng ngàn gác chuông thiên tạo. Các hang động nổi tiếng là hang Bà Chúa Xứ, hang Trống Ngực (khi vỗ tay vào ngực thì vách hang dội lại thanh âm giống như tiếng trống). Ở hang Lầu Chuông có nhiều thạch nhũ mà khi gõ vào sẽ tạo nên những tiếng ngân nga trong vắt như tiếng chuông. Ngoài ra, còn rất nhiều nhũ đá, tượng đá mang vô số những hình thù kỳ lạ.
Có một hang động tên là Cội Hàng Da ở sườn Đá Dựng. Dân gian cho rằng, đây chính là nơi sinh sống xưa kia của Thạch Sanh. Ở trước cửa động có nhiều phiến đá ghép mí, chồng khít lại với nhau tạo thành một mái vòm tự nhiên. Tương truyền rằng một buổi sáng xa xưa, từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn chim đại bàng, cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng.
Núi Đá Dựng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Cùng với “Hà Tiên thập cảnh”, đây là nơi ghi lại nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử mang dấu ấn thuở tiền nhân ta khai mở đất phương Nam, gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất nên thơ này.
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, ảnh internet
0 nhận xét: