Dinh thự cổ giữa cao nguyên đá
< Dinh thự Vương Chí Sình.
Sau bữa trưa ồn ào, đầy ắp tiếng nói cười bên những bát rượu ngô sóng sánh và những nếp váy thổ cẩm rực rỡ sắc màu ở chợ Sà Phìn, chúng tôi bước theo con đường lát đá tảng giữa hai hàng sa mộc cổ thụ cao vút dẫn đến dinh thự nhà họ Vương.
< Cổng vào tiền đình.
Chỉ đến khi bước qua cánh cổng ngoài đơn sơ cạnh bức tường đá hộc dày dặn, chắc chắn, ngước mắt nhìn lên ngôi nhà cổ uy nghi, bề thế với mái ngói cong vút và khu mộ cổ dưới bóng hàng sa mộc, tiếng nói cười huyên náo mới lặng dần. Thập thò mãi bên cánh cổng gỗ đóng hờ, rồi chúng tôi vào bên trong khu dinh thự nhờ đi theo một cô bé xinh xắn, là cháu gái của người đang giữ chìa khóa khu nhà này, cũng là cháu chắt của hai đời chủ nhân khu dinh thự - những ông “vua” người Mông cực Bắc Vương Chính Đức và Vương Chí Sình.
< Mặt tiền đình giữa.
Qua cánh cổng, đứng trong bóng tối lờ mờ của khu nhà, ánh mắt chúng tôi đã bị hút theo một dãy cửa thẳng tắp xuyên suốt các dãy nhà ngang, ngăn cách nhau bằng những khoảng sân vuông vắn lát đá. Khu dinh thự xây theo 3 lớp cao dần vào trong gồm tiền dinh, trung dinh và hạ dinh, với 4 nhà ngang và 6 nhà dọc xây 2 tầng, gồm 64 buồng.
Nghe nói dinh thự cổ bao bọc giữa bốn bề núi đá này được xây cất ròng rã 8 năm, rộng hơn 1.000m2. Ngày ấy, cụ Vương Chính Đức mời thầy địa lý đi hết vùng núi non Hà Giang, cuối cùng dừng lại ở khu đất nổi lên như hình mai rùa ở thung lũng Sà Phìn thuộc địa bàn huyện Đồng Văn này.
< Mộ Vua Mèo Vương Chí Sình (Được Hồ Chí Minh đổi thành Vương Chí Thành)
8 năm trời, những người thợ tài hoa từ vùng Vân Nam (Trung Quốc) cùng với những tốp thợ người Mông giỏi nhất đã tạc đá, xây nhà, tạo nên một khu dinh thự bề thế, uy nghi, kết hợp hài hòa đường nét kiến trúc nhà Thanh với văn hóa người Mông bản địa.
Dấu ấn đặc trưng của văn hoá Mông thể hiện ngay ở bờ tường đá vòng tròn quanh khu nhà. Hơi khác với những bờ rào đá xếp chồng lên nhau quen thuộc khắp vùng cao nguyên đá, bức tường dinh thự này được xây chắc chắn, dày đến gần nửa mét, tạo thành khuôn viên riêng biệt đầy vẻ bề thế cho khu dinh thự. Bên trong bờ tường đá là những khu nhà trình tường, lợp ngói âm dương, với những khung cửa gỗ, lan can, hàng cột chạm trổ tinh xảo.
< Bàn thờ Vương Chính Đức.
Dãy cửa thẳng tắp của các khu nhà ngang có sức cuốn hút lạ kỳ, lôi kéo bước chân chúng tôi đi một đường thẳng tắp xuyên dọc khu nhà. Cảm giác thật thích, cứ bước hơn chục bước trong khu tiền dinh tôi tối, vừa đủ thấy sờ sợ, rón rén là đã ra đến khoảng sân trời lát đá ngập tràn ánh nắng. Lại mạnh mẽ, tự tin bước lên vài bậc tam cấp, đi tiếp vào trung dinh lờ mờ ánh sáng hắt qua những ô cửa chạm trổ tinh xảo, đến khi bước chân vừa thấy rụt rè, lại đã ra đến khoảng sân rộng nối với hậu dinh. Cứ thế, những bước chân vừa tò mò, vừa hồi hộp đi hết chiều dọc dài đến gần 50m của khu dinh thự, tới tận 2 lô cốt xây đá xanh ở góc trong cùng.
< Khu mộ xây cất theo lối cổ nằm ngay phía ngoài bờ tường đá, cạnh đường vào dinh thự.
Khi đã quen dần với vẻ tôi tối đầy bí hiểm của khu nhà, chúng tôi bắt đầu rẽ ngang rẽ tắt, tỏa vào các dãy nhà ngang, nhà dọc. Tôi cứ tha thẩn đi dọc các dãy hành lang, định bụng đếm xem khu nhà này có đủ 64 phòng hay không. Nhưng khi leo lên tầng 2, tôi ngay lập tức bị hút hồn bởi những khung cửa sổ và những mái nhà lợp ngói hình chữ thọ chạy dọc các hàng hiên.
Quên mất việc đếm phòng, tôi chiếm giữ một khung cửa sổ, mê mải chụp ảnh những mái ngói ngang dọc xếp chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp ở bốn góc khu nhà. Rồi những khung cửa sổ tối đen xung quanh dần xuất hiện những bóng áo đỏ, áo xanh cùng những vuông khăn Mông rực rỡ sắc màu của những người bạn đồng hành.
< Những khung cửa sổ và dãy mái ngói rêu phong xếp lớp trong dinh thự.
Lâu lâu, bóng áo đỏ bên khung cửa này lại thì thầm với bóng áo xanh ở khung cửa bên cạnh, rồi nói với qua khoảng sân rộng, tới tận bóng áo vàng ở dãy nhà đối diện. Tiếng nói cười lại ríu rít bên những mái ngói đã lên màu rêu mốc.
Phía dưới sân, những người bạn tôi cũng chọn cho mình một góc yêu thích trong khu dinh thự cổ. Đứa ngồi dựa lưng vào hàng cột gỗ lớn ngoài hiên, đứa đung đưa buông thõng hai chân bên thềm nhà lấp lóa nắng chiều, lơ đãng dõi theo đôi má đỏ hồng lấp ló ẩn hiện trên những khung cửa sổ tầng hai và tiếng cười lanh lảnh của mấy cô bé, cậu bé người Mông bay dọc dãy mái ngói rêu phong. Tiếng cười trong trẻo ấy vượt ra khỏi những mái ngói của khu dinh thự cổ, vượt qua hàng sa mộc cao vút, vượt cả những triền núi cao ngất tận lưng chừng trời, theo chúng tôi mãi trong suốt hành trình trên miền cao nguyên đá.
- Theo báo Laodong, Viendong
0 nhận xét: