Du lịch Long Xuyên

Thành phố Long Xuyên là một thành phố thuộc tỉnh An Giang, đồng thời cũng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Long Xuyên là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh, nằm bên hữu ngạn sông Hậu.

Long Xuyên cách thủ đô Hà Nội 1950 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) 189 km về phía Tây Nam, cách biên giới Campuchia 45 km đường chim bay. Long Xuyên có dân số khoảng 350.000 người (số liệu năm 2007) và diện tích tự nhiên là 106, 87 km, gồm 11 phường và 2 xã. Tây Bắc giáp huyện Châu Thành Đông Bắc giáp huyện Chợ Mới Nam giáp huyện Thốt Nốt (Thành phố Cần Thơ), Tây giáp huyện Thoại Sơn.

Long Xuyên không là trung tâm liên hợp du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ nhưng có những hoạt động đặc thù cá biệt rất hấp dẫn du khách, nhất là người nước ngoài nhờ có sắc thái du lịch miền núi và tham quan cộng đồng dân tộc Chămpa, Khmer cùng với kết hợp hành hương. Một số tours ngắn ngày nhắm vào tham quan sinh hoạt nuôi cá bè, chương trình du lịch xanh, và tham gia lễ hội người Khmer, Chămpa cũng như lễ hội "Vía bà Châu Đốc" ở núi Sam.

Ở Long Xuyên có ba di tích được xếp hạng cấp quốc gia, đó là: Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đình Mỹ Phước và Bắc Đế miếu (tức chùa Ông Bắc).

Cù Lao Ông Hổ và nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Cù lao Ông Hổ do phù sa sông Hậu bồi đắp. Trên cù lao có ngôi nhà gỗ, nơi gìn giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê. Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng cách Trung tâm Thành phố Long Xuyên bởi một nhánh sông Hậu chảy qua. Bằng nhiều phương tiện và con đường thuỳ, bộ khác nhau, chúng ta có thể đến với Cù lao Ông Hổ, nơi đây chúng ta sẽ có dịp thăm lại ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn Đức Thắng và các di vật ngày xưa của Bác.

Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng với lối kiến trúc hình chữ Quốc, nên sàn lót ván, mái lợp ngói ống, ngang 12 mét, dài 13 mét, rộng hơn 150m2.

Không chỉ có thể, đến với cù lao khách còn được nghỉ tại nhà dân (Homestay) dể thưởng thức các loại trái cây, món ăn đặc sản và nghe đàn ca tài tử, làm quen với cuộc sống của người dân Nam Bộ, thăm các bè cá ven bờ cù lao và hiện đang xúc tiến chương trình “Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng”… Nơi đây, quý khách có thể tận hưởng được hương vị cuộc sống của vùng sông nước Nam Bộ.

Đình Mỹ Phước

Đình Mỹ Phước là một ngôi đình khang trang, bề thế và là một di tích kiến trúc nghệ thuật của tỉnh An Giang.

Ngôi đình nằm trong khuôn viên có diện tích 3800m2, xung quanh có tường gạch bao, có một cửa chính và ba cửa phụ bằng gạch và xi măng. Cổng chính xây theo kiểu tam quan, trên có ba chữ "Mỹ Phước (Phúc) Đình", hai bên có hai con lân bằng đất nung tráng men xanh.

Qua cổng tam quan, ở hai bên có hai miếu: miếu Sơn Quân và miếu Hội Đồng. Ngôi đình chính dài 37m, rộng 16,5m (610,5m2), gồm chín gian, có ba cửa chính. Bờ nóc gắn hai con rồng uốn khúc, đuôi xoắn, chầu nậm rượu.


< Chùa Khmer.

Nóc nhà võ ca gắn hai con phượng và bát tiên ở hai bên. Ở giữa có hình bát quái, hai bên có hai con nai. Mặt trước mái đình giữa đắp hình địa cầu, hai bên có hai con cá hóa rồng. Hai đầu đao có hình nhật nguyệt và hình người. Mái lợp ngói âm dương, có ba tầng mười hai mái, được đắp tượng cá hóa rồng, nhật nguyệt, lưỡng long tranh châu, phượng, lân và bát tiên.

Đình là một quần thể gồm nhiều nhà vuông có bốn cột cái, mở rộng ra chung quanh bằng kèo đâm và kèo quyết. Các nhà nối liền theo kiểu trùng thiềm điệp ốc], tạo nên một không gian rộng rãi.

Nội điện có khám thờ thần thành hoàng làng. Bàn thờ Hội đồng được chạm lộng sơn son thiếp vàng. Có hai bộ bao lam chạm trổ hoa lá và bát tiên, sơn son thiếp vàng. Vị thần được thờ là Nguyễn Hữu Cảnh, một vị tướng của Chúa Nguyễn Phúc Chu (1738 - 1795), người có công chiêu dân khai phá vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Ngôi đình có sắc phong từ thời Tự Đức năm thứ 5 (1852). Ngoài ra, đình còn thờ Tả ban, Hữu ban, tiền hiền, hậu hiền, Đông hiến, Tây hiến…Và đặc biệt hơn nhiều ngôi đình khác là nơi đây còn thờ thần Thị, tức ông Nguyễn Văn Võ, người có công lập chợ Long Xuyên.

Chùa Ông Bắc

Di tích chùa Ông Bắc (Quảng Đông Tỉnh Hội quán) tuy không to lớn, nhưng là một di tích kiến trúc chính thống của dân tộc Hoa.

Di tích này nằm trên đường Phạm Hồng Thái, mặt chính hướng ra sông Long Xuyên, cách cầu Duy Tân khoảng 10m, thuộc phường Mỹ Long, T.p Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Chùa đã được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào thánh 6 năm 1987.

Hội quán này được xây dựng cách đây trên 100 năm, khi vùng đất này còn mang tên Đông Xuyên, sau đó thuộc thôn Mỹ Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Kiên, tỉnh An Giang thời Nhà Nguyễn.

Theo những người cao tuổi và căn cứ vào bia ký kể lai lịch chùa, thì ban đầu chùa khá đơn sơ do những người Hoa từ tỉnh Quảng Đông đến lập nghiệp xây dựng để làm nơi hội họp, sinh hoạt.

Nội thất chùa có cấu trúc cảnh phong thủy, thoáng mát, trên đỉnh cao tứ giác có nhiều bức chạm trổ đẹp, hình tam cấp tượng trưng cho ba cõi: Thiên, địa, nhân.

Nhìn chung, chùa đã thể hiện toàn cảnh một mô hình thu nhỏ của các ngôi nhà Quan lại phong kiến Trung Hoa.
Ngoài ra, Long Xuyên còn có công viên Nguyễn Du, quảng trường Hai Bà Trưng, chợ nổi Long Xuyên...được nhiều du khách tìm đến tham quan.

Công viên Nguyễn Du: rộng khoảng 700 m² cận kề bên sông Hậu. Nơi trung tâm khuôn viên là một hồ nước nhân tạo, khiến phong cảnh nơi đây thêm đẹp và thoáng mát.

Chợ nổi Long Xuyên: Là nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản). Ai bán loại nào sẽ treo hàng ("bẹo" hàng) trên cây sào cao để người mua dễ nhận biết. Chợ nổi chỉ hoạt động từ khoảng 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày... Ngoài ra khách còn được thưởng thức những món ăn, nước uống hết sức là bình dị trên chiếc xuồng chèo của những cô gái miệt vườn như: Bánh canh ngọt, lạt, bánh tầm, bánh bò, hủ tiếu, chè đậu đỏ, cà phê…

- Theo Chudu24