Mỗi phút ở Trường Sa Đông…

Trường Sa Đông là một đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, nằm giữa hai đảo Đá Tây và Đá Đông nên còn gọi là Đá Giữa. Cách đảo Trường Sa Lớn chừng 60 hải lý về phía đông bắc. Tọa độ 8 độ 55’ vĩ độ bắc và 112 độ 21’ kinh độ đông.

Mưa luôn là niềm vui bất tận của những người lính trên quần đảo Trường Sa, bởi thế trận đấu bóng chuyền giao hữu giữa đội tuyển chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Đông và đội tuyển đại biểu thanh niên trên chuyến tàu “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” đang vào những phút gay cấn để phân định thắng bại thì cơn mưa biển ào ào trút xuống.

< Chiến sĩ Hải quân kéo xuồng của đoàn công tác lên thăm đảo Trường Sa Đông.

Các cầu thủ “đội đất liền” có vẻ bị ngợp bởi cơn mưa lớn, nhưng đội tuyển của các chàng lính đảo dường như phấn khích hơn trong màn mưa mịt mù trắng xóa. Ít ra cũng được tắm một trận nước ngọt thỏa thích.

Cái điều rất giản dị mỗi ngày ở đất liền thì ở đảo luôn là niềm mơ ước. Như một bữa rau luộc chẳng hạn. Đảo chìm đảo nổi nào ở Trường Sa cũng trồng rau, rau rất xanh, rất tốt nhưng chỉ dám nấu canh, nếu “chơi” một bữa rau luộc thì “hao rau lắm, xa xỉ lắm”…

Đảo Trường Sa Đông - đấy cũng là đêm duy nhất các thành viên của đoàn hành trình tuổi trẻ ra với Trường Sa được ngủ lại trên đảo, còn tất cả các đêm khác đều ngủ trên con tàu HQ 957. Đảo nhỏ bỗng nhiên đón một đoàn khách gần cả trăm người, anh em chiến sĩ nhường hết giường chiếu cho khách, tất cả ra ngủ ở công sự. Khách cũng không ngủ yên bởi cảm động và áy náy.

Tinh mơ đã thấy nhiều người thức giấc ra ngồi đón bình minh trên bờ kè quanh đảo. Mỗi phút, mỗi giây trên hành trình ra với Trường Sa này thật quý, ai cũng căng hết “ăngten” của mình để cảm nhận.

Những nấm mộ ở Trường Sa Đông…

Chiều hôm trước, khi đoàn công tác vừa cập thuyền, ngay bến vào là nấm mộ của ba liệt sĩ hải quân đã hi sinh tại đảo, nằm gối đầu lên những ngọn sóng biển Đông. Tôi đã giật mình bởi một liên tưởng rất lạ khi thấy ba nấm mộ nằm kề nhau ngay hàng thẳng lối như đội hình một tổ chiến đấu “tam tam” ngay sát vị trí cầu cảng. Có cảm giác như ngay cả khi hi sinh, những liệt sĩ Trường Sa vẫn tiếp tục sát cánh cùng với đồng đội mình làm nhiệm vụ canh gác, gìn giữ bảo vệ chủ quyền lãnh hải, bảo vệ đảo xa.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ diễn ra trang nghiêm và cảm động. Rất nhiều người không kìm được nước mắt. Biết bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống trên quần đảo bão tố này suốt mấy chục năm qua để vun bồi cho cột mốc chủ quyền Tổ quốc.

Trong buổi bình minh ở Trường Sa Đông, chúng tôi ra ngồi bên những nấm mộ liệt sĩ trước khi xuống thuyền rời đảo, đọc kỹ những dòng chữ trên tấm bia bằng đá hoa cương đen và chợt giật mình. Mỗi sự hi sinh là một câu chuyện cảm động và bất ngờ ẩn giấu sau từng nét chữ trên tấm bia.

Tôi cúi xuống tấm bia đầu tiên: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hi sinh 14-4-2001, quê quán Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa”. Một dòng chữ như bao dòng chữ vẫn thường khắc trên bia, nhưng tôi ngờ ngợ có điều gì đó lạ lắm. Và chợt òa vỡ trong tôi những nghẹn ngào. Thì ra liệt sĩ Thi đã ngã xuống đúng vào đêm trước sinh nhật của anh! Thi sinh ngày 15-4 và hi sinh ngày 14-4. Có lẽ nếu hôm đó anh không ngã xuống thì đêm sinh nhật tuổi 26 của Thi sẽ ngập tràn yêu thương cùng đồng đội anh trên đảo.

Những ngày ở Trường Sa chúng tôi đã gặp nhiều người lính với một câu hỏi thật giản dị: “Cảm xúc của anh nếu một ngày kia rời đảo về lại đất liền?”. Tất cả đều rất chân thành nói rằng đó chính là nỗi nhớ tình đồng đội. Nếu ở đất liền thương nhau một thì ra đảo thương nhau gấp mười!

Đại úy Vũ Văn Phúc trên đảo Trường Sa Đông cũng kể rằng khi anh còn đóng quân ở đảo Sinh Tồn, có lần một chiến sĩ viêm ruột thừa phải mổ.Tất cả anh em đều đứng quanh phòng theo dõi ca mổ, không ai yên lòng ngồi ăn, đợi khi ca mổ kết thúc an toàn mới nhớ đến chuyện đi ăn cơm. Hay như thiếu úy  Trần Văn Bốn mà mấy hôm sau chúng tôi gặp ở đảo Tiên Nữ, năm nay Bốn 31 tuổi, ra Trường Sa từ năm 1999, có 10 tuổi quân ở Trường Sa, nếm trải bao nhiêu sóng gió vậy mà khi nói về Trường Sa, Bốn bảo anh nhớ nhất là trận ốm đầu tiên khi ra đảo Đá Nam, người giặt giúp áo quần, người lo nấu cháo, người chăm thuốc men…Tình cảm ấy khiến anh bền lòng với 10 năm bám trụ hết Đá Nam sang Đá Lớn, từ Thuyền Chài về Tiên Nữ…

Hiểu những tình cảm của lính đảo như thế để rồi nhận ra rằng sự ngã xuống của liệt sĩ Thi vào đêm trước sinh nhật của mình sẽ đau xót biết bao trong lòng đồng đội. Thi là nhân viên báo vụ của đảo, anh hi sinh khi lao ra cứu xuồng và dòng biển xoáy đã cuốn anh đi. Sau này về đất liền tôi nghe một nhà báo đàn anh ra Trường Sa Đông trong chuyến trước kể rằng khi anh lên đảo, có hai anh lính cùng quê Thanh Hóa với liệt sĩ Thi đã nhờ anh chụp chi tiết nấm mộ người đồng hương và dặn anh về đất liền nhớ gửi ảnh cho gia đình của Thi. Bởi không chỉ riêng Thi mà cả những đồng đội nằm cạnh anh, chưa ai có thân nhân từ đất liền ra đến đây để thăm viếng, chỉ những người lính trên đảo quanh năm chăm lo hương khói cho đồng đội mình.

Nằm kề Thi là liệt sĩ Vương Viết Mão, quê ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Cũng sinh năm 1975 như Thi, nhưng ngày liệt sĩ Mão hi sinh cũng là một ngày đặc biệt: 17-1-2004, nhằm 26 Tết Quý Mùi! Nghĩa là khi đất liền đang rộn ràng niềm vui đón xuân, những gia đình náo nức dịp sum vầy đoàn tụ, thì ở đảo xa này một người lính trẻ đã ngã xuống ngay trước thềm xuân. Và với ân tình đồng đội thiêng liêng rất riêng của người lính đảo, cái tết năm ấy ở Trường Sa Đông thật ngậm ngùi. Cả hai liệt sĩ Thi và Mão đều sinh năm 1975, dù vậy hai anh là những “liệt sĩ lớn tuổi” ở Trường Sa Đông bởi nấm mộ ngoài cùng trên đảo là của một chiến sĩ quê TP.HCM: Quách Hoàng Lâm, sinh tháng 9-1984, ở phường 16, quận 11, hi sinh tháng 8-2006 khi chưa tròn 22 tuổi…

Cột mốc chủ quyền đặc biệt

Suốt hải trình hơn 1.200 hải lý trên biển Đông, chúng tôi đã đi qua nhiều vùng biển, biết thêm nhiều câu chuyện về lòng quả cảm của người lính, có những người đã lấy thân mình làm nên những “cột mốc chủ quyền sống” trên những đảo chìm  giữa mênh mông trùng khơi, để hôm nay có những cột mốc chủ quyền dựng lên cho bất cứ ai từ đất liền ra quần đảo Trường Sa đều muốn đứng cạnh một cột mốc như thế, chụp một tấm hình với tất cả tình cảm thiêng liêng và tự hào: Tổ quốc ta xa tận chốn này và ta đã từng đến đó!


< Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Đông và chiếc mỏ neo trên thân cột cho biết rất nhiều đất đã được vun bồi cho đảo cao hơn.

Khác với những cột mốc đã được xây dựng bề thế mà chúng tôi từng gặp như ở đảo Trường Sa Lớn, trên đảo Trường Sa Đông, cột mốc chủ quyền của đảo được xây giản dị, sơn màu xanh nước biển với những dòng chữ đề tên quốc gia, tên đảo và các chỉ số tọa độ: 8 độ 55’ bắc và 112 độ 21’ đông. Nhìn xuống chân cột mốc chợt bất ngờ nhận ra cái mỏ neo biểu trưng của hải quân đắp nổi dưới chân cột chỉ còn nhô lên một phần nhỏ, còn thân và mỏ neo đã chìm sâu dưới đất. Nghĩa là đã có hàng ngàn  khối đất được mang ra đắp lên cho đảo cao dần lên, đất dày lên cho cây cối thêm xanh, thêm bóng mát cho chim về làm tổ. Để có ngần ấy đất như vậy hẳn là đã bền bỉ lắm, trường kỳ lắm.

Đọc lại khởi thủy của những hòn đảo trên quần đảo Trường Sa, ấn tượng đầu tiên với lính những năm đầu ra đây là đá san hô bỏng rát dưới nắng, không một bóng cây xanh và cơ man chim biển vỗ cánh ào ào, trứng chim nằm ngổn ngang trên đảo. Và từng ngày từng ngày, bền bỉ như những chú ong thợ xây tổ, trên những đảo đá san hô giữa mênh mông đại dương. Vét chút mùn mục nát có được của một khúc gỗ nào đó trôi dạt về đây từ trăm năm trước, đào từng hốc nhỏ và gieo xuống những mầm xanh, nâng niu chăm bẳm từng ngày để rồi sau mấy chục năm màu xanh cây lá đã biến những hòn đảo đá thành những tín hiệu xanh tin cậy của Tổ quốc, thành điểm tựa cho bà con ngư dân ra khơi biết tìm vào khi gặp dông tố bão bùng, hết dầu, hết nước ngọt…

Trường Sa Đông chỉ là một hòn đảo nhỏ trong rất nhiều đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo bão tố này nhưng không hiểu sao nhiều người có ấn tượng sâu sắc. Không chỉ vì tình cảm của mỗi người lính đã dành cho đoàn trong mười mấy giờ trên đảo. Không chỉ là hình ảnh tận tụy của các y bác sĩ trạm xá trên đảo nhiều lần cứu mạng bà con ngư dân gặp hoạn nạn trên biển khơi...Tình cảm thân thương ấy có thể bắt đầu từ hình ảnh nấm mộ những người lính, dù hi sinh vẫn nằm bên chân sóng như muốn cùng đồng đội tiếp tục gìn giữ cõi bờ Tổ quốc.

Cũng có thể hình ảnh cái mỏ neo trên cột mốc chủ quyền bị khuất chìm dưới đất đã thầm kể với mọi người câu chuyện đầy khái quát và biểu tượng về sự bền lòng để biến hòn đảo san hô ngập tràn sắc xanh bóng mát.

Cũng có thể vì đêm liên hoan giao lưu văn nghệ ở Trường Sa Đông rất hồn nhiên, mọi người đã cùng hát vang “Trường Sa Đông nhớ Trường Sơn Tây”, một câu hát thôi mà đồng vọng bao nhiêu yêu thương, như nối dài truyền thuyết ngàn xưa rằng thuở ấy Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh được một trăm con, rồi chia nhau theo mẹ lên rừng theo cha xuống bể làm thành nước Việt hôm nay!

- Theo Tuoitre, internet