Mùa lúa chín trên rẻo cao
Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 9 – 10 dương lịch, khi lúa dần ngả vàng trên những thửa ruộng bậc thang, cũng là lúc dân phượt, dân chơi ảnh... ngược đường lên vùng cao phía bắc, tới những nơi heo hút, tận cùng, như Tú Lệ, Mù Căng Chải, Than Uyên, Sa Pa, Tả Giàng Phình, Ý Tý, Hoàng Su Phì...
Mùa lúa chín cũng là lúc các cán bộ Phòng Nông nghiệp Ý Tý, Mù Căng Chải... bận rộn hơn bình thường. Bởi thỉnh thoảng lại có những cú điện thoại của những người chả hề quen biết dưới xuôi gọi lên, hỏi thăm xem lúa đã chín chưa.
Đây cũng là lúc các diễn đàn du lịch, chụp ảnh... xôn xao với những thông tin về lúa chín, về mùa gặt, chỉ dẫn đường đi, địa điểm ăn nghỉ, tìm bạn đồng hành... theo những cung đường lúa chín.
Những điểm hội ngộ quen thuộc của dân “săn” lúa chín nối nhau thành một tuyến nối dài các thửa ruộng bậc thang, các cánh đồng, thung lũng lúa nổi tiếng, từ Tú Lệ, Mù Căng Chải (Yên Bái) vòng qua Than Uyên, Sa Pa, ngược lên Tả Giàng Phình, Ý Tý (Lào Cai) hoặc vượt núi sang Quản Bạ, Hoàng Su Phì (Hà Giang)... Hầu như các tỉnh vùng cao phía bắc và tây bắc đều có ruộng bậc thang.
Lúa trồng mỗi năm chỉ một vụ, lại gieo không đều, nên chín cũng không đều. Lúa ở Sa Pa, Quản Bạ thường chín sớm hơn các vùng khác, rồi tới mùa gặt ở Mù Căng Chải kéo dài cả tháng, muộn nhất là mùa lúa ở Hoàng Su Phì. Thế nên có những kẻ mê lúa chín đến mức cứ cuối tuần là lại lang thang trên những con đèo vắt ngang những dãy núi kỳ vĩ. Tuần này ở Sa Pa – Mù Căng Chải, tuần sau lại Sa Pa – Ý Tý, rồi tuần sau nữa là Hoàng Su Phì..., chỉ để được chiêm ngưỡng bằng hết những thảm lúa vàng trải khắp các triền núi cao ngút ngàn.
Tôi cũng vậy, mỗi mùa lúa chín, tôi tốn thêm không ít tiền điện thoại, hỏi han khắp nơi, chỉ để rình cho được lúc lúa chín đẹp nhất. Gần như năm nào cũng đi, cùng một cung đường, cùng một nơi dừng chân, thậm chí cùng một góc chụp ảnh, vậy mà vẫn không thấy chán. Cứ mỗi lần đang băng băng đổ đèo, thoáng thấy hương lúa mới vấn vít trong gió, lại thấy náo nức, rộn ràng, lại hối hả giục nhau chạy xe thật nhanh. Rồi khi con đường đèo đang hun hút giữa hai dãy núi cao sừng sững bỗng rộng mở thênh thang, trải dài một biển lúa vàng dập dờn như cánh sóng, lại thấy vỡ òa sung sướng, tựa như lần đầu tiên được chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ vĩ này.
Lần nào chúng tôi cũng mê mải ngắm nhìn và tự hỏi nhau, sao trong cùng một thung lũng mà sườn núi bên này lúa vẫn còn xanh, sườn núi bên kia lúa đã chín vàng óng ả. Có những lúc mơ màng nghĩ đến cảnh mình được đứng giữa đồng lúa trải dài như tấm thảm mịn màng giữa thung lũng bao la. Có những lúc cả nhóm bỏ xe lại ven đường, trèo xuống thửa ruộng gần nhất, để cùng gặt lúa, đập lúa trong tiếng nói cười ríu rít hoà cùng niềm vui được mùa của các chàng trai, cô gái người Thái, người Mông.
Khi những cung đường đã trở nên quen thuộc, những người tò mò và liều lĩnh nhất lại mở ra những cung đường mới, ở sâu khuất sau những dãy núi cao ngất tận mây trời, tìm đến những cánh đồng, những bậc thang lúa cách trở, hẻo lánh hơn, nhưng cũng đẹp hơn, hoang sơ hơn. Những cái tên xa lạ như Lìm Mông, Chế Tạo (Yên Bái), Mường Chiến (Sơn La), Dền Thàng, Ngải Thầu (Bát Xát, Lào Cai)... là những cung đường thử thách tay lái và là niềm mơ ước của những kẻ mê đắm cảnh mùa vàng miền sơn cước.
Đã bao lần, tôi cùng những người bạn đồng hành dừng chân trên đèo Khau Phạ, vừa nhâm nhi ly càphê thơm mùi... lúa chín mà cả lũ vừa hì hục nổi lửa tự pha giữa đỉnh đèo, vừa mơ màng nhìn xuống thung lũng vàng óng ả giữa bốn bề núi cao sừng sững. Cũng đã bao lần về nhà xem lại những bức ảnh giống hệt nhau, tôi tự bảo mình: Thôi, không đi nữa. Nhưng rồi, mỗi mùa lúa chín, tôi lại muốn được ngắm nhìn mê mải theo những bậc thang vàng bắc lên tận trời xanh, lại được uống ly càphê quyện hương lúa giữa đỉnh đèo lồng lộng gió và nắng. Thế nên năm nay, tôi lại đi, lại lên rẻo cao Tây Bắc mùa lúa chín.
- Theo báo Laodong, ảnh internet
0 nhận xét: