Rừng sinh thái hàng trăm năm tuổi giữa làng

Ai đến làng Lương Nông (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cũng ngạc nhiên khi thấy một cánh rừng rậm rạp bên đồng ruộng và những khu dân cư trên nền cát dọc dài theo bờ biển. Bài học từ cha ông truyền lại đã giúp cư dân Lương Nông giữ được một di sản không dễ có giữa thời biến đổi khí hậu.

Từ thị trấn Thi Phổ trên quốc lộ 1A đi thêm chừng 2km về hướng nam rồi rẽ xuống hướng đông theo đường liên xã Đức Thạnh - Đức Minh chừng 3km là chạm mắt rừng Nà xanh mướt giữa cánh đồng lúa trĩu vàng. Những thân cây cổ thụ: sộp, trâm, vàng trắng, vối.. vỏ xù xì, thân to đường kính mấy gang tay, vươn cao sừng sững.

< Một góc rừng Nà đoạn kề đường liên xã Đức Thạnh.

Rừng Nà rộng hơn 17 ha, vốn là Lâm Cấm của làng Thi Phổ Nhì ngày xưa (nay là xã Đức Thạnh) là rừng thiên nhiên giữa đồng bằng còn sót lại duy nhất ở Quảng Ngãi, chứa trong lòng một hệ sinh thái vô cùng đa dạng: cổ thụ vươn sừng sững với hàng trăm loài động thực vật. Theo cách gọi cổ xưa của người dân địa phương, từ "Nà" có nghĩa là "Ruộng", bởi rừng Nà bao gắn với diện tích đất canh tác xung quanh, có vai trò duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nét đặc biệt của rừng Nà là rừng ngập nước nhưng tồn tại ở vùng đất khô ráo ở ven biển.

< Nhờ rừng Nà tích tụ nguồn nước quanh năm, giữ ẩm cho đồng ruộng nên những cánh đồng lúa ở xã Đức Thạnh luôn bội thu.

Rừng chỉ cách bờ biển Đức Minh chừng 2km về hướng tây, khu rừng nguyên sinh này là loại hình rừng trên cát ẩm với các chủng loại cây cối khá đa dạng. “Các loại rừng ven biển thường có các loài cây dại thấp chồi, mọc từng lùm. Nhưng ở rừng Nà lại là các loài cây cao chồi, thân to, có loài là gỗ quý, dùng làm nhà, đóng đồ nội thất đều tốt. Rừng Nà giữ vai trò như một "tiểu khí hậu", có tác dụng ngăn gió bão mùa đông, mùa hè chặn gió cát từ phía biển thổi vào, hạn chế cát xâm lấn ruộng đồng, cung cấp nước cho vùng ruộng xung quanh.

< Bắt cá ao ở rừng Nà.

Rừng Nà cũng là “bãi cá” của người Lương Nông. Lớp bùn tạo từ mùn lá hàng trăm năm là môi sinh của các loài lươn, lạch, cua, cá sống trong bùn. Những ao, lạch nước trong rừng cũng là nơi sinh trưởng của nhiều loài cá nước ngọt, rùa, ba ba.

Giữa rừng Nà còn lại nhiều hố bom - di tích của những năm tháng chiến tranh khốc liệt nay đã trở thành hồ cá, trữ nước tự nhiên quanh năm tạo ẩm cho các cánh đồng xung quanh. Những năm chiến tranh, nơi đây là căn cứ hoạt động, trú ẩn của cán bộ cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Trong chiến tranh rừng Nà đã cứu sống biết bao nhiêu người dân trong làng, trở thành căn cứ vững chắc nuôi giấu cán bộ. Giờ đây rừng tích nước cung cấp cho đồng lúa vào mùa khô, chắn gió vào mùa bão.

< Ông Phan Văn Tiến với cây trâm to ở rừng Nà.

Vào sâu trong rừng Nà có cảm giác như đang ở phòng lạnh. Giữa thẳm sâu tịch mịch, dưới tán rừng ken kín, mênh mông, tiếng hót của nhiều loài chim như chào mào, cu gáy, chích chòe, bìm bịp vọng đến. “Ở đây còn nhiều loài chim có quanh năm như két, cò, diệc, chúc huê. Còn mấy loài như vịt nước, cúm núm thì mùa đông mới bay về ở.

Để ngăn cấm triệt để việc xâm phạm đất Rừng Nà, từ năm 1995 xã đã giao cho hội cựu chiến binh xã trồng cọc ranh giới bằng trụ ximăng và đắp bờ bao nơi rừng Nà tiếp giáp khu dân cư, cho trồng các loại cây keo, bạch đàn vào diện tích đất mà một số cư dân đã xâm lấn.

Chính quyền xã cũng giao cho các thôn có rừng Nà phải đưa việc bảo vệ rừng Nà vào hương ước thôn văn hóa của mình, ai vi phạm sẽ bị xử phạt thích đáng. Nhưng nói là vậy chứ từ đó đến nay xã vẫn chưa xử lý ai. Cái chính là nhờ ý thức bảo vệ rừng Nà của bà con có tính tự giác, tính truyền thống cao.

Các nhà khoa học ghi nhận rừng Nà là một thắng cảnh đẹp với rừng cây tự nhiên, đầm lầy, gò đồi được bao bọc bởi xóm làng, đồng ruộng và nằm gần bãi biển Đức Minh. Nếu biết bảo tồn, đầu tư khai thác, rừng Nà sẽ trở thành một di tích lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch.

- Tổng hợp từ VnExpress, Tuoitre