Sông Hiếu uốn lượn giữa mây ngàn
Với hàng ngàn khe suối chi lưu góp nước tạo nên vẻ kỳ vĩ vừa thơ mộng vừa hoang sơ của con sông huyền thoại. Chảy từ bắc Trường Sơn qua Nậm Quàng, Nậm Giải (Quế Phong ) đến Bãi Kè, Bãi Tập, Dinh Thượng, Dinh Hạ (Quỳ Hợp - Nghệ An) nơi 600 năm trước đại quân Lê Lợi đã đồn trú luyện quân để làm nên những chiến thắng lẫy lừng “Bồ Đằng sấm vang chớp giật ; Trà Lân trúc chẻ tro bay ”.
Tuy chiều dài khá khiêm tốn, (chưa đầy 300 km) nhưng sông Hiếu có tầng tầng lớp lớp phù sa, tạo nên những thung lủng màu mỡ, cây cối bốn mùa tốt tươi trổ hoa kết trái… Sông Hiếu tưới nhuần cho hàng vạn ha rừng có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu, lát, hoa, chò chỉ…và nhiều loài động vật quý hiếm như: hỗ báo, hươu, nai voi, vượn…
< Xuôi bè trên Sông Hiếu.
Bởi thế mà năm 1901 người Pháp đã bỏ ra hàng triệu franc cho công cuộc thăm dò khảo sát, lập bản đồ tài nguyên vùng tây bắc Nghệ An. Gồm 22 loại khoáng sản quý như: vàng hồng ngọc thạch anh…và khoảng bảy triệu mét khối đá Mác Ma xít ( đá trắng). Hàng trăm nghìn tấn quặng thiếc và hàng triệu mét khối gỗ các loại.
Năm 1921 thực dân Pháp mở con đường 48 từ Yên Lý đi Quỳ Châu nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản dọc hai bờ sông Hiếu…
… Một thời gian dài con người đã có cách ứng xử không đúng với rừng xanh. Chặt phá rừng trỉa lúa trồng ngô, để được một tấn lúa có khi phải đốt cháy cả một ha rừng. Chặt một cây gỗ thì kéo theo hai, ba chục cây khác gãy đỗ dập nát…Cái cảnh “Gỗ theo xe đi mãi / Gỗ cánh bè lầm lũi về xuôi.” Cứ kéo dài triền miên năm này qua năm khác, đến lúc rừng chỉ còn là lùm cây hoang dại, hay từng chòm lau lách xác xơ. Nhiều nơi rừng bị xẩy trắng, cạo trọc lóc như ông bình vôi. Không còn khả năng tích thuỷ, điều hoà lượng nước trong lòng đất. Dòng sông chảy chậm lại, nguy cơ hạn hán kéo dài. Hoa màu héo hắt, cây lúa thiếu nước khô khát không trổ bông…
< Một khúc Sông Hiếu.
Từ khi có dự án 327, rồi các cuộc vận động phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng, dự án 661. Thực hiện chương trình trồng 5 triệu ha rừng của nhà nước, kế hoạch cải tạo 3000 ha rừng nghèo kiệt ở trạng thái A1, B1, C1 thành rừng có giá trị kinh tế cao của huyện Quỳ Hợp đã thực sự đi vào lòng dân. Trồng rừng đã trở thành nghị quyết của đảng bộ các cấp. Chủ trương giao đất giao rừng là một động thái tích cực làm cho con người yêu rừng quý đất hơn. Khi rừng đã có chủ thì sẽ được chăm sóc bảo vệ chu đáo hơn. Một phong trào trồng rừng được phát động rộng khắp trong toàn dân, người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng. Trồng rừng không còn là công tác phong trào, được chăng hay chớ, mà trồng rừng đã trở thành nghề lao động chính có thu nhập cao.
Người dân đã ý thức được phát triển rừng chính là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Tạo thêm việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, nhất là bà con ở vùng sâu vùng xa sống ven rừng, đã nhiều năm gắn bó với rừng. Đồng thời tăng nguồn thu nhập to lớn của ngành lâm nghiệp.
Trong những năm qua, Quỳ Hợp đã trồng mới được gần 1.500 rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Chăm sóc bảo vệ rừng tự nhiên trên 50.000ha, nâng độ che phủ của rừng lên 66% vào cuối năm 2010.
< Đôi bờ Sông Hiếu.
Thành công của dự án trồng rừng Quỳ Hợp đã tạo được nguồn nguyên liệu to lớn thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản phát triển đúng hướng. Từ việc khai thác bừa bãi trái phép gỗ rừng tự nhiên đã chuyển sang khai thác vận chuyện chế biến tiêu thụ keo, bạch đàn …. Mỗi năm ước tính đến hàng trăm nghìn m3. Các dự án, kế hoạch trồng rừng đã làm thay đổi nhận thức của đại bộ phận người dân về phát triển kinh tế lâm nghiệp, kích thích một lực lượng lớn gồm nhiều thành phần tích cực trồng rừng. Nhiều lâm tặc khét tiếng một thời đã trở thành những chủ rừng làm ăn có hiệu quả.
Hai bờ sông Hiếu trở lại màu xanh tươi mới, lung linh. Keo lai vốn có lá dày, cành xếp đều thành tầng lớp. Lá keo chỉ rụng lẻ tẻ, chứ không như bàng, phượng vĩ hoặc một số loài cây khác trơ cành xương xẩu khi mùa thay lá. Bởi thế nên rừng keo mướt xanh cả bốn mùa. Ai có tinh tường lắm, mới thấy mùa xuân keo xanh mơn mởn, mùa hạ xanh non tơ, sang thu đông keo có màu xanh già cứng hơn… Đi dưới vòm lá dày đặc ta không chỉ cảm nhận được sự dịu mát trong lành, mà còn nghe cả tiếng xôn xao của mầm non cựa mình vươn lên đón nắng. Trong sự sinh sôi phát triển của những rừng keo ngút ngàn xanh thẳm có cả tiếng ầm ì hối hả của từng đoàn xe chở đầy cây keo đã bóc vỏ, cưa bằng chằn chặn nối đuôi nhau về nhà máy.
< Trên công trường Thuỷ lợi, thuỷ điện Bản Mồng.
Khi tôi viết bài này thì đoạn đi qua xóm Trọng Cánh, xã Yên Hợp cách đường 48 chừng 1.500m về phía bờ sông, một công trường đang hối hả thi công. Từng đoàn xe máy đào, máy xúc hoạt động suốt ngày đêm. Rồi đây khi công trình thuỷ lợi, thuỷ điện Bản Mồng đưa vào sử dụng. Với một đập Bê tông trọng lực ngăn dòng sông Hiếu, có cao trình +78,9 mét, dài 340 mét, bề rộng chân đập 11 mét (Đập phụ dẩn dòng dài 164 mét). Tạo thành một hồ nước mênh mông, có diện tích 2586ha, chứa hàng trăm triệu mét khối nước, tưới cho 26.527ha, ruộng cấy và hoa màu của các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn…
Đã có trên ngàn năm tuổi trải bao thăng trầm biến dổi, bên lở bên bồi, nhưng sông Hiếu vẫn giữ nguyên dáng hình dòng chảy của thời hoang sơ. Hàng chục ngàn ha keo là bức thảm thực vật, không chỉ che chắn lũ lụt, bão tố, mà màu xanh của đôi bờ sông Hiếu như có sự giao hoà cộng cảm gửi gắm cho nhau những nỗi niềm xao xuyến rộn ràng của cuộc bứt phá mưu sinh.
< Hoàng hôn trên Sông Hiếu.
Khi đôi bờ sông Hiếu sáng ngời ánh điện, người dân nơi đây sẻ được sống cảnh bồng lai trần thế, sơn thuỷ hữu tình. Được chứng kiến nhiều lễ hội của các dân tộc Thái, Thổ, Kinh, Khơ Mú…của các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn…Bên cạnh những trò chơi truyền thống dân gian mang tính hoài cổ, còn có nhiều trò chơi hiện đại như đua thuyền, lướt ván , bắn pháo hoa trên bờ hồ. Bản Mồng sẻ là khu du lịch sinh thái đủ sức quyến rũ, mời gọi du khách về thăm…
- Theo Yume, internet
0 nhận xét: