Theo dấu chân A Phủ (P2)
Được coi là nguyên mẫu duy nhất còn sống đến hôm nay, 'cán bộ A Châu' Đinh Tôn là sợi dây đưa tôi trở về Hồng Ngài cách đây 60 năm.
Trước khi đến Bắc Yên, tôi đã được biết đến ông Đinh Văn Tôn, người được coi là nguyên mẫu duy nhất còn sống đến nay của truyện Vợ chồng A Phủ. Ông Đinh Tôn nguyên là người dân tộc Mường, gốc ở châu Phù Yên, Sơn La cũ. Năm 1950, ông được tăng cường lên Bắc Yên xây dựng cơ sở, vận động bà con người Mông ở đây theo Đảng đánh Pháp.
Năm 1951, nhà văn Tô Hoài lên Bắc Yên thực địa sáng tác. Ông 'lân la' ở với người dân tộc mỗi lần vài tháng. Cũng chính thời gian này Tô Hoài làm bạn với thống lý Hồng Ngài khi đó là Mùa Chống Lầu - như Tô Hoài chia sẻ: "Làm bạn với ông Chống Lầu rất vui, mỗi lần đến nhà ông lại được ăn uống".
< Ông Đinh Văn Tôn và vợ.
Cũng trong những dịp này, Tô Hoài gặp ông Đinh Văn Tôn, người đã cung cấp cho ông nhiều thông tin về đời sống của đồng bào Mông, câu chuyện về vợ chồng Lầu A Phử - A Mỷ, thống lý Mùa Chờ La, bố của ông Mùa Chống Lầu. Bản thân ông Đinh Văn Tôn cũng được nhà văn Tô Hoài đưa vào tác phẩm thành 'cán bộ A Châu'.
Không bỏ lỡ một phút, vừa đến huyện Bắc Yên, tôi tìm ngay đến nhà ông Đinh Văn Tôn khi trời đã tối. Ông có vẻ là người khá 'nổi tiếng' ở Bắc Yên. Khi hỏi thăm đường đến nhà ông, những người Mông chỉ đường cho tôi đều thêm cụm từ 'lão thành cách mạng Đinh Tôn' và gần như người nào cũng biết ông.
< Ông Đinh Tôn bên ảnh người con trai đã mất.
Ông Tôn năm nay 85 tuổi, vẫn minh mẫn nhanh nhẹn. Ông có 7 người con nhưng người con thứ đã qua đời. Các con ông đều đã trưởng thành, hai người làm trong ngành công an.
Vợ đầu của ông cũng đã mất, hiện ông ở cùng người vợ thứ hai, lại là em gái của người vợ thứ nhất. Hai cụ già sống trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang tại xã Hồng Ngài, Bắc Yên.
Theo dòng hồi tưởng của ông Đinh Tôn, câu chuyện của tôi không chỉ dừng lại ở 'vợ chồng A Phủ' nữa, mà gần như bức tranh một thời gian lịch sử người Mông ở Bắc Yên được tái hiện.
Cha con 'thống lý xấu - thống lý tốt' ở Hồng Ngài
"Từ năm 1950 tôi làm công tác dân vận trên này, với tinh thần chung phụ trách công tác ở vùng cao tôi có nghiên cứu tình hình lịch sử của người Mèo khu 99, trên cơ sở đó cũng nắm được một số lịch sử của người Mèo khu vực này, và một số tình hình như trong câu chuyện A Phủ đó. Năm 1951 anh Tô Hoài lên, anh Tô Hoài hỏi thì nắm được đến đâu tôi trả lời như vậy.
Câu chuyện này kể ra thì thật là dài, vì liên quan đến cả những thời kì trước đó nữa. Đó là từ thời bố của ông Mùa Chống Lầu là Mùa Chờ La, thời bọn thống lý thống phán đàn áp bóc lột nhân dân, bố của ông Lầu có họ hàng với thống lý Pá Tra ở Mù Cang Chải, nó hãm hiếp, đánh đập, cướp bóc ... đúng là như vậy, là anh em người Mèo kể lại.
Thời ông Mùa Chờ La độc ác như thế, nhưng đến ông thống lý Mùa Chống Lầu, các đồng chí ta lên lại thuyết phục được ông ấy đi theo Cách mạng, giúp đỡ ta gây cơ sở, và vận động tất cả người Mèo vùng 99 và vùng Kim Bon theo giúp Cách mạng.
Tức là bố ông thống lý Lầu thì độc ác nhưng bản thân ông thống lý thì lại đi theo ta. Thế nên nhà văn Tô Hoài cũng không nói ông Mùa Chờ La mà nói thống lý Pá Tra (thực tế thống lý Pá Tra ở Mù Cang Chải, là họ hàng với vợ ông Mùa Chờ La).
Bởi vì nếu lấy tên ông Mùa Chờ La làm tên nhân vật luôn thì ảnh hưởng đến ông Mùa Chống Lầu. Khi đó ông Lầu đang là ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc khu Thái - Mèo, còn tôi là ủy viên Hội đồng nhân dân khu.
Tức là nguyên mẫu của nhân vật thống lý Pá Tra là ông Mùa Chờ La, chỉ thay cái tên là thống lý Pá Tra thôi, còn nội dung thì vẫn như vậy.
A Phủ thì chết lâu rồi. Tên thật của ông ta là Lầu A Phử, vợ là A Mỷ, khi vào tác phẩm của Tô Hoài thì chệch đi một chút là A Phủ và A Mỵ. Nguyên mẫu các nhân vật A Phủ, A Sử, Mỵ, tên thật của họ cũng là như vậy, nhưng giấu cái họ đi.
Ngay cả tôi, ban đầu anh Tô Hoài cũng lấy tên tôi là Đinh Tôn vào truyện, nhưng tôi nói rằng như vậy cũng không hay, vì cần phải gắn liền vào đồng bào dân tộc, cần phải tôn lên cái người dân tộc họ làm nên lịch sử.
< Học sinh trường PTCS Tà Sùa.
Vì thế, ngay cả các nhân vật A Phủ, A Sử cũng không lấy họ nào cả. Người Mèo có 12 họ, thì các nhân vật cũng không lấy họ nào cả, mà cứ lấy họ A vào đấy thôi. A là cái tên đệm chung. Bây giờ hỏi A Phủ, A Sử, A Châu ra hỏi họ gì thì không ai biết cả. Nhưng nghe cái tên đó biết A Châu dân tộc Mông là được rồi.
Lầu A Phử và A Mỷ trước đều ở đợ cho nhà ông Mùa Chờ La - Mùa Chống Lầu, nhưng sau A Phử theo cách mạng. Sau giải phóng Lầu A Phử làm chủ tịch 4 xã vùng cao, trước giải phóng Hồng Ngài thuộc xã Tường Phù, nhưng sau giải phóng thì Hồng Ngài trực thuộc xã Thượng Bàn.
Trong truyện thì A Phủ với Mỵ trốn khỏi nhà thống lý và đưa nhau đến Phiềng Sa (địa danh thực tế là Phìa Sa). Còn A Phử và Mỷ thật thì sau khi rời nhà thống lý họ đưa nhau đến sống ở bản Lung Tang cũng ở Hồng Ngài, nhưng cách khá xa bản của Thống lý. Con cháu của A Phủ và Mỵ thì tôi đoán cũng mất cả rồi.
Bản thân tôi là A Châu, lúc đó phạm vi phụ trách là bí thư cả vùng Hồng Ngài, còn Phiềng Sa thì phía bên kia sông. Lúc bấy giờ kinh phí không có nên du kích ở bản nào thì ở bản đó, khi đi phục kích, đánh du kích ... thì mới tập hợp nhau lại"
Hành trình ‘bò tứ chi’ và bất ngờ ở bản Lung Tang
Khi kết thúc chuyến đi Sơn La, về Hà Nội phỏng vấn nhà văn Tô Hoài, tôi ‘cắc cớ’ vặn vẹo ông: “Cháu đã đi từ Tà Sùa sang Hồng Ngài, khoảng cách chừng gần 30km đi xe máy. Vậy mà bác lại cho nhân vật A Sử trong một ngày từ Hồng Ngài sang Tà Sùa tán gái, đánh nhau rồi bắt A Phủ về, trong khi thời đó chưa có đường…” Nhà văn 88 tuổi cười khà khà nói vì ông thích tên những địa danh đó, nghe vừa lạ vừa huyền bí.
Trước khi đến Bắc Yên, tôi có tham khảo thông tin ở các đồng nghiệp tại Đài truyền hình Sơn La, họ nói những năm về trước nếu về Tà Sùa - Hồng Ngài tác nghiệp là cả một thách thức. Chưa tính chuyện phải vác máy móc, riêng đi người không trèo lên đến Tà Sùa theo con đường trèo núi kiểu 'mũi người này chạm mông người kia'. Người Mông đi hết một ngày đường, còn người ngoại đạo nỗ lực lắm cũng phải 3 ngày mới tới đích. Tà Sùa giờ có đường rải nhựa đi lên, nhưng Hồng Ngài vẫn đường đất đi ì ạch như vậy.
Đấy là trời nắng đẹp trong nhiều ngày, còn nếu có một cơn mưa chỉ trong 5 phút thì chỉ có nước... vác xe máy lên vai, hoặc gửi lại bản, rồi bò mấy chục cây về, vì đường xấu, dốc trơn trượt, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực. Mưa thì không thể đi nổi.
Những thông tin 'khủng bố' đó cũng khiến tôi có phần nao núng, dù tinh thần đã được lên dây cót khá cẩn thận từ Hà Nội.
Mac - Angghen trên đỉnh Tà Sùa
< Anh Lầu A Lia (trái), con trai ông Lầu A Phử và bà A Mỷ.
Theo sự chỉ dẫn của ông Đinh Tôn, tôi tìm đến mảnh đất Tà Sùa quê hương của A Phủ trước. Nhìn từ trung tâm huyện Bắc Yên, đỉnh Tà Sùa có thể thấy trong tầm mắt. Nhưng để lên tới đỉnh cao nhất phải đi xe máy 15 cây số.
Dọc đường đi, tôi gặp rất nhiều người Mông, dù họ tỏ ra khá thân thiện, luôn nở nụ cười khi tôi tiếp xúc, nhưng chỉ có những người đàn ông nói được tiếng phổ thông. Phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là người già hầu như không nói, trẻ em đã đi học cái chữ, nhưng chúng vẫn có vẻ 'không thích' nói tiếng Kinh lắm.
Tôi đành phải học mấy câu chào đơn giản để làm quen với họ. Theo ông Mùa Xuân Giao, Chủ tịch Huyện Bắc Yên cho biết, dân số ở Bắc Yên có 80% là người Mông. Do đường đi lại thuận tiện, đời sống người dân ở Tà Sùa khá ổn định với 4 mặt hàng kinh tế chính: ngô, lúa, táo mèo và chè, trong đó chè Tà Sùa và táo Sơn Tra rất nổi tiếng.
Dọc hai bên đường, những gia đình người Mông có các tiện nghi như tủ lạnh, ti vi, xe máy khá nhiều. Những cặp vợ chồng trẻ, quần áo sặc sỡ đi xe máy với những gùi ngô to đằng sau lên xuống chợ trung tâm Bắc Yên khá dễ dàng. Dọc đường tôi gặp cảnh khá ngộ với một em bé cheo leo trong gùi trên lưng mẹ. Xe của họ đi nhanh quá khiến tôi không kịp chụp ảnh.
Trường PTCS Tà Sùa nằm trên đỉnh cao nhất của xã, ở độ cao 1800m. Trường này có 100% học sinh là người Mông. Tôi vào thăm một lớp học đúng lúc các em đang học tiết: Học thuyết Mac - Angghen. Nhìn những cô bé mặc váy xòe sặc sỡ, những cậu bé đeo túi thổ cẩm xanh đỏ phát biểu về học thuyết Mac với giọng phổ thông hơi lơ lớ, nghe ngồ ngộ.
Chuyến đi Tà Sùa của tôi kết thúc rất nhẹ nhàng trong buổi sáng. Đứng nhìn sang dãy núi có hai chóp nhọn bên Hồng Ngài, tôi nghĩ thầm mấy ông đồng nghiệp Sơn La khéo hù dọa, vẽ ngáo ộp cho tôi, nhưng tôi hý hửng quá sớm...
Bản Lung Tang
< Khỏa thân bảo vệ môi trường. Ảnh Hoàng Hường
Dẫn đường cho tôi là Hờ A Tú, một thanh niên người Mông ở Tà Sùa. Anh trai Tú cũng làm việc ở trường tiểu học Tà Sùa. Như nhiều người Mông tôi gặp, anh em Tú hiền lành, ít nói, tận tâm với công việc.
Trái ngược với Tà Sùa, ngay từ đoạn đầu đường rẽ vào Hồng Ngài đã làm tôi choáng váng với cảnh đá lở lởm chởm dọc đường, cả nửa quả núi bị xẻ vạt. Con đuong lúc thì toàn đá, lúc thì bùn lầy lội. Suốt 10km từ trung tâm huyện Bắc Yên vào đến thị xã Hồng Ngài đều như vậy, chiếc xe Win cứ nhảy lên như muốn hất tôi rơi xuống.
Nhưng đó mới là chặng đầu tiên. Đến thị xã Hồng Ngài, chúng tôi hỏi thăm vào bản Lung Tang, người dân chỉ hướng đi, nhưng hỏi đường đi bao xa, họ nói cũng chẳng biết. Bản thân người dẫn đường của tôi Hờ A Tú là cán bộ huyện Bắc Yên cũng chưa vào bản Lung Tang bao giờ.
Đi qua Hồng Ngài, đường khó đi hơn rất nhiều. Tú hỏi đường rồi quay sang bảo tôi: "Còn xa lắm chị ạ". Mặt cậu hoang mang. Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ và phấn chấn động viên Tú: "Cứ đi là sẽ đến e ạ, dọc đường có bao nhiêu người, họ đi được mình cũng đi được".
Thực tế là tôi cũng hoang mang không kém, nhưng công việc, cùng những cảnh kỳ thù bên đường cuốn hút tôi. Hơn một lần, Tú lo lắng bảo quay về, tôi vẫn là người động viên. Hai bàn tay Tú đỏ, phồng rộp lên vì cầm lái chiếc xe Win.
< Với những con dốc thẳng đứng thế này, chỉ cần cơn mưa trong 5 phút là xe máy... khóc.
Rất nhiều đoạn dốc, dù tôi đã nhảy xuống đi bộ, một mình Tú vẫn vất vả với chiếc xe máy. Có đoạn dốc đứng trơn tuột, xe của Tú cứ quay tít tại chỗ, chệnh choạng. Tôi đi sau chỉ cách khoảng 1m nhưng cố đi lên đẩy xe cho Tú mà không được. Kết quả là tôi ngã bụp xuống, rồi bò lên đỉnh dốc theo đúng nghĩa.
Điều làm tôi nhớ nhất không phải là cảnh vất vả đó, mà chính là thái độ của những người Mông ở đây. Chúng tôi liên tục gặp họ dọc đường đi, cả thanh niên lẫn người già, đàn ông đàn bà, nhưng tuyệt nhiên không có ai nhìn ngó trêu chọc "em ơi, em à" như tôi thường bị/được cư xử ở Hà Nội hay nhiều nơi khác.
Họ chỉ im lặng làm công việc. Ở những đoạn đường khó, đèo dốc, họ lặng lẽ theo dõi chúng tôi. Nếu thấy chúng tôi không đi được, họ chạy ra đẩy xe giúp. Có một gia đình cứ đi bên cạnh khi tôi phải cuốc bộ. Cô con gái chừng 8 tuổi im lặng đi cách tôi vài thước. Cứ một đoạn thấy tôi tụt lại, cô bé lại đứng lại có ý chờ, thấy tôi đi được rồi cô bé mới theo gia đình đi tiếp, cứ như thế một đoạn đường dài.
< Họ chỉ im lặng đồng hành cùng tôi.
Càng đi càng thấy xa, mỗi lần dừng lại hỏi đường, độ hoang mang của tôi và Tú lại càng tăng lên. Người Mông không tính quãng đường bằng km, họ cứ chỉ 'đi qua quả núi'. Từ dãy này sang dãy khác chừng trên 10 quả núi như thế.
Nhìn con đường như sợi chỉ vắt vẻo qua đỉnh núi mờ xa mà lòng như lửa đốt. Tôi cũng suýt đầu hàng và bảo Tú quay về. Trời sắp ngả về chiều. Tú thi thoảng lại lắc bình xăng kiểm tra, như thể thách thức lòng dũng cảm của tôi.
Có lúc lội suối, có đoạn chúng tôi lại đi trên đỉnh núi trên một con đường bé tý, sơ xảy một chút là có rơi thẳng xuống sông Đà từ độ cao 1.800m.
Nhưng bù lại, cảnh tượng hai bên đường khiến tôi tưởng mình đang đi du lịch ở nơi nào thật lạ, xung quanh bồng bềnh mây trắng.
Một lần, Tú quay sang hỏi: "Vào Lung Tang gặp ai mà chị chịu khó thế". Tôi bảo: "Chị cũng chẳng biết có ai ở đó, chỉ hy vọng có con cháu ông Lầu A Phử". Tú lắc đầu.
'Nàng A Mỵ'
Cuối cùng chúng tôi cũng đến bản Lung Tang lúc 3h chiều. Tôi chỉ có 1 tiếng để tìm ra và phỏng vấn 'con cháu Lầu A Phử', và bắt buộc phải quay về lúc 4h, nếu không muốn trời tối.
Thật may, vừa hỏi một người, chúng tôi đã tìm được ngay nhà anh Lầu A Lia, con trai thứ 4 của ông Lầu A Phử và bà A Mỷ. Tôi mừng đến luýnh quýnh, nói ríu cả lưỡi.
Sau mấy câu hỏi thăm, anh Lia cho biết mẹ anh, bà A Mỷ vẫn còn sống, tôi kêu toáng lên vì bất ngờ và mừng rỡ, đến nỗi về ngồi xem lại băng ghi hình và phì cười. Một phần thưởng bất ngờ cho sự vất vả của tôi.
Bà A Mỷ (tên thật là Mùa Thị Ia (ia) năm nay đã trên dưới 100 tuổi, bản thân bà cũng không nhớ chính xác. Bà còn khoẻ, đẹp lão, đang đứng bên cối xay ngô như tôi vẫn hình dung về 'nàng A Mỵ'.
Nhưng có điều đau khổ nhất là sau bao vất vả, tìm được người rồi tôi lại không thể phỏng vấn hoặc hỏi chuyện được nhiều. Bà Mỷ chỉ nói được thứ tiếng Mông cổ, ngay Hờ A Tú cũng không hiểu được hết, khâu phiên dịch gần như thất bại.
Tôi chỉ còn biết ghi âm toàn bộ, về nhờ cậy những người Mông lớn tuổi chuyển ngữ giúp, nhưng thông tin không được nhiều.
< Con dâu và các cháu của bà Mỷ.
Bà Mỷ nói ông Lầu A Phử và bà là những người nghèo khổ đến ở làm thuê cho thống lý Mùa Chống Lầu, được giác ngộ đi làm cách mạng cùng với cán bộ (tức ông Đinh Văn Tôn). Sau này giải phóng họ lấy nhau rồi A Phử đi công tác ở xã còn A Mỷ ở nhà nuôi con
Ông Lầu A Phử đi tham gia công tác còn bà A Mỷ ở nhà một mình nuôi con, làm nương rẫy, khi các con lớn rồi lần lượt lấy vợ cho 4 con trai. Con trai út tên là Dia thì đi học công tác xa.
Vợ chồng sống với nhau được mấy chục nămg thì ông A Phử mắc bệnh đau bụng chữa mãi không khỏi. Ông nghỉ công tác ở nhà dưỡng bệnh. Gia đình cúng ma chữa thuốc mãi cũng không được. Ông Phử tìm đến thuốc phiện để trị những cơn đau, sau này thành nghiện.
Lúc sắp chết ông gọi con trai út về ở cùng mấy ngày rồi dặn dò vợ 'đừng đi bước nữa', và thay ông dựng vợ gả chồng cho những đứa con còn lại rồi ông mất. (cách đây khoảng 20 năm. Như Lầu A Lia kể: bố chết từ khi 2 anh có 2 con còn bé, giờ chúng đã có vợ chồng, con - PV)
Tạm biệt 'nàng A Mỵ' chúng tôi hối hả trở về. Con đường lúc đi xa là thể, mà lúc về chỉ trong thoáng chốc. Mệt, nhưng quá vui, dù có chút tiếc nuối vì tôi có quá ít thời gian với 'A Mỵ'.
Nếu có thể, nhất định tôi sẽ quay lại, hy vọng 'nàng A Mỵ' vẫn sống khoẻ mạnh đến lúc đó.
Phần 1
- Theo TuanVietnam, internet
Xem phim Theo dấu chân A Phủ
0 nhận xét: