Ngẩn ngơ giữa bản Phiêng Hào
< Những cô gái ở Phiêng Hào.
Đoạn đường đầu còn khá nhỏ nên ô tô đi sẽ rất chật vật, có lúc bạn phải hò nhau xuống đẩy ô tô qua những quãng nước lổn nhổn đá. Còn nếu chạy xe máy thong thả hay có thể gửi xe đâu đó mà dạo bước, bạn sẽ được thảnh thơi phóng tầm mắt theo những vồng đất thoai thoải nối tiếp nhau nối vào những dải núi cao.
Đi trên con đường đầy nắng và gió, qua những nông trường chè rộng bao la thấp thoáng những mái nhà sàn, cuối cùng chúng tôi đã tới Phiêng Hào, một bản vùng cao của xã Mường Khoa nơi có 100% là dân tộc Lào sinh sống.
Bản Phiêng Hào cách trung tâm huyện mới Tân Yên của tỉnh Lai Châu chưa đầy 10km. Đây là bản văn hóa cấp tỉnh đã được ông nhận nhiều năm nay. Đường vào uốn lượn qua những nương chè xanh mướt, những “rãnh” chè mềm mại như sóng đến xa tít và dòng suối Nậm Mu nước trong vắt.
Đoạn sông Nậm Mu này chỉ dài khoảng 4 cây số, có 3 cái thác, chia xã Mường Khoa với tổng số 17 bản. Ngày xưa chưa có cầu, phà thì dòng sông này được ví như “thuồng luồng ăn người” ở bến Phiêng Hào. Trăm cách vượt sông hồi đó, từ thuyền độc mộc, mảng, lội, bơi đến việc cho người ốm vào túi nylon, thổi hơi, buộc lại dìu qua sông… chết nhiều lắm. Chết nhiều quá thành quen, dân bản bảo khúc sông ấy như con thuồng luồng thành tinh, năm nào cũng phải “ăn” vài người.
Không biết bao nhiêu lần người dân 9 bản hợp sức bắc cầu phao vượt dòng Nậm Mu, nhưng cũng từng ấy lần nước lũ lại phá hỏng. Nậm Mu là dòng sông lớn thứ hai ở Tây Bắc, chỉ thua có sông Đà. Lũ Nậm Mu nhanh chóng mặt, không bao giờ thèm báo trước, chỉ nghe tiếng ào, chưa thấy vệt nước đục mà lũ đã đổ xuống đầu.
Bến Phiêng Hào có cây si cổ thụ rất đẹp làm bao người thèm, rồi một người chồng 11 triệu đồng lên bàn nhà già bản. Hội ý lên xuống, quyết “cho” cây si ấy lấy khoản tiền mua dây cáp bắc qua sông làm phà.
Cuối năm 2010, “bến phà” ở Phiêng Hào ra đời. Phà được ghép bằng 12 cây luồng lớn, tự kéo bằng tay theo đường dây cáp đổi được từ cây si trăm tuổi. Có “con phà”, không phải qua sông bằng thuyền độc mộc, không phải túm nhau mà bơi, thầy giáo, cán bộ đã dám diện đôi giày… “thế này là sướng lắm rồi”.
Lòng tôi ngân nga câu hát về một miền Tây Bắc tươi đẹp, dẫu còn nhiều gian khó. Lòng người ấm lại trước một Phiêng Hào đang nhen nhóm cho ngày mới biết bao hy vọng. Người dân tộc Lào có phong tục tập quán khá giống với người Thái ở vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở lối kiến trúc nhà sàn.
Người Thái có điệu xoè truyền thống thì ở đây các thiếu nữ người Lào lại có những điệu múa nón, múa khăn, khèn Lào… vô cùng độc đáo. Ông Sẳn cho biết, đội văn nghệ của bản có 12 người, ngoài việc hàng ngày của phụ nữ thì các thành viên vẫn thường xuyên luyện tập. Từ khi biết được Phiêng Hào nằm trong dự án du lịch cộng đồng, họ càng say mê hơn.
Một thực tế cho thấy, Phiêng Hào còn khó khăn nhưng chính những khó khăn ấy đã vô tình giúp cho đồng bào nơi đây bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc nhất của người Lào, giúp cho thế hệ trẻ ở bản Phiêng Hào thấy được vai trò của văn hoá truyền thống và gìn giữ văn hoá trong đời sống bản làng.
Là bản dân tộc Lào sinh sống từ nhiều đời nay, giữa không gian thiên nhiên phóng khoáng, tươi đẹp, bà con vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá với những điệu khèn, điệu múa, bài dân ca, các câu chuyện cổ. Bước chân vào bản, người từ phương xa dễ bị cuốn hút không chỉ bởi các bộ trang phục, những tấm thổ cẩm mà còn bởi những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi, những vật dụng lao động sản xuất hàng ngày, những tập tục sinh hoạt và canh tác độc đáo ở nơi đây.
Bên đường, lúc lại gặp một người phụ nữ mải miết đẩy củi vào lò nấu rượu, lúc lại thấy một chị nhẫn nại bên khung cửi dệt lên tấm thổ cẩm sặc sỡ. Những tấm đệm ngồi dày dặn hình vuông, hình tròn được các chị em khâu cắt ngẫu hứng từ những mảnh vải vụn, trông vui mắt đến nỗi mỗi người khách ghé qua nơi đây đều muốn sở hữu một vài chiếc cho riêng mình.
Một nhóm gần chục cô gái đang đi về bản hay từ bản đi ra, qua suối Nậm Mu, bạn nhập cuộc, chụp tặng họ mấy kiểu ảnh. Chỉ một lúc sau, nếu cùng đi vào bản, bạn sẽ xem họ múa, nghe họ hát xen lẫn tiếng khèn xập xòe, xập xòe như tiếng suối miên man chảy.
Các cơ sở lưu trú ở Phiêng Hào không như các bản khác đã có “nghiệp vụ du lịch” chuyên nghiệp, ở đây mang đúng nghĩa “du lịch cộng đồng”, bởi mỗi gia đình là một cơ sở lưu trú. Đối với du khách nước ngoài thì Phiêng Hào thực sự là một điểm đến lý tưởng bởi họ tìm được cuộc sống thật đúng với nghĩa đi du lịch để hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của người dân địa phương.
Con sông Nậm Mu, mùa nước cạn lộ rõ những hòn cuội trắng muốt, tròn xoe cũng là những kỷ vật của Phiêng Hào mà chúng tôi mang theo hành trang về với miền xuôi.
- Tổng hợp
0 nhận xét: