Độc đáo 3 ‘Linh Ứng tự’ ở Đà Nẵng
Linh Ứng Non Nước
Chùa tọa lạc ở xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, trong khu vực Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam - Đà Nẵng), cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 13km. Đây cũng là một ngôi chùa cổ và lớn ở Ngũ Hành Sơn.
Vào đời Vua Minh Mạng, chùa được đổi tên là chùa Ứng Chơn do ngài Quang Chánh trụ trì. Đến đời Vua Thành Thái, chùa mang tên Linh Ứng. Chùa được trùng tu nhiều lần. Gần đây nhất năm 1993, thượng tọa Thích Thiện Nguyện đã tổ chức trùng tu, sửa chữa chánh điện, xây đài Quan Thế Âm, đắp tượng đức Phật Thích ca cao 10m.
< Chùa Linh Ứng Non Nước là ngôi chùa cổ và lớn nhất Ngũ Hành Sơn.
Sau chùa có động Tàng Chơn, rộng 7m, dài 10m. Dưới chân núi là làng nghề điêu khắc đá truyền thống nổi tiếng. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Hiện, trong chùa còn lưu giữ 2 hiện vật quý hiếm: hai biển vàng - một biển đề "Ngự chế ưng chơn tự Minh Mạng lục niên" (phong Quốc tự năm Minh Mạng thứ 6) và một biển đề "Cải Tử" nghĩa là đổi lại thành Linh Ứng tự dưới triều Thành Thái thứ 3.
Linh Ứng Bà Nà
Ngôi chùa Linh Ứng thứ hai nằm trên đỉnh Bà Nà thuộc khu du lịch sinh thái Bà Nà với độ cao gần 1.500m - nơi được ví như Đà Lạt của miền Trung. Được khánh thành vào đầu năm 2004, ngôi chùa này có một bức tượng Đức Bổn Sư uy nghi, cao 27m, ngang gối 14m, thiền định trên đài sen cao 6m, là pho tượng Phật lớn nhất nước ta hiện nay. Từ thành phố Đà Nẵng, vào những ngày nắng đẹp, có thể nhìn thấy bức tượng trắng nổi bật trên nền xanh của khu du lịch nổi tiếng Bà Nà - Núi Chúa.
< Ngôi chùa Linh Ứng thứ hai nằm trên đỉnh Bà Nà thuộc khu du lịch sinh thái Bà Nà với độ cao gần 1.500m - nơi được ví như Đà Lạt của miền Trung.
Mặc dù mới được xây dựng năm 2004, song kiến trúc chùa vẫn giữ được những nét cổ kính với cả khoảng sân rộng được lót bằng đá. Phía trước chùa có một cây thông rất đặc biệt với 03 loại lá khác nhau.
Đặc biệt, chùa có một bức tượng Đức Bổn Sư uy nghi, cao 27m màu trắng. Từ thành phố Đà Nẵng, vào những ngày nắng ráo, có thể nhìn thấy bức tượng trắng toát này nổi bật trên cái nền xanh của khu du lịch nổi tiếng Bà Nà - Núi Chúa.
Linh Ứng Bãi Bụt
< Chùa Linh Ứng bãi bụt nổi tiếng bởi kiến trúc đẹp và bức tượng Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt tọa lạc trên một ngọn đồi, mang hình con rùa hướng ra biển cả, lưng tựa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với bao chim thú. Chùa khánh thành năm 2004 và được xem là một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 21 và là nơi hội tụ của linh khí đất trời và lòng người.
Chùa còn gắn với một giai thoại giàu màu sắc tâm linh đó là vào thời vua Minh Mạng, dân chài ven biển nơi đây đã phát hiện một tượng Phật trên bãi cát bằng bèn lập am thờ tự. Và rồi, Ngài Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn xuất hiện cứu người vượt vòng trầm luân, kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn, từ đó nơi đây có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian.
Sau 6 năm xây dựng, đến nay chùa Linh Ững Bãi Bụt đã sừng sững trên núi Sơn Trà như minh chứng cho sự kết hợp giữa Đạo pháp và Dân tộc, làm nên một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 21.
Chùa Linh Ứng - Bãi Bụt hiện được xem là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng cả về quy mô cũng như kiến trúc nghệ thuật. Ngôi chùa mang một phong cách hiện đại kết hợp với tính truyền thống vốn có của chùa chiền Việt Nam, với mái ngói uốn cong có hình rồng, những trụ cột vững chắc được bao quanh bởi những con rồng uốn lượn rất tinh xảo.
Điện chính có sức chứa lớn, là nơi trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Chính giữa là tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mô Ni, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, và bên trái là Tam Tạng Phật, bốn vị Thần Long Hộ Pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp theo một quy luật, bảo vệ cho chính điện.
Đặc biệt, tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt có tượng Phật Quan Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam (cao 67m, đường kính tòa sen 35m, tương đương tòa nhà 30 tầng). Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa...
Theo Datviet, internet
0 nhận xét: