Đảo Sơn Ca – Mùa biển lặng

Sơn Ca là một trong những hòn đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, nổi tiếng là hòn đảo có nhiều cây trái xum xuê và đàn chim sơn ca sinh trưởng tự nhiên đông đến hàng nghìn con. Đó cũng là điều hấp dẫn để chúng tôi vượt qua mọi sóng gió, đến khám phá hòn đảo thân thương vào một ngày đầu xuân 2010.

Hòn đảo mang tên loài chim

Ai đã đặt tên cho đảo là Sơn Ca? Đây là câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi hỏi Trung tá Lê Đình Hải, Đảo trưởng đảo Sơn Ca. Anh Hải cười, xởi lởi: “Tôi chưa biết đích xác tên đảo được gọi từ bao giờ, nhưng chắc chắn nó được gọi bởi đây là hòn đảo có nhiều chim sơn ca nhất trên quần đảo Trường Sa. Ít nhất thì cái tên Sơn Ca cũng được gọi từ thời Pháp thuộc, sau khi thực dân Pháp bảo hộ triều đình nhà Nguyễn và chiếm quyền quản lý đảo. Tên đảo Sơn Ca xuất hiện trong các bản đồ của người Pháp từ hồi đó”.

< Đảo Sơn Ca.

Sơn Ca là đảo nổi nhưng lại không có mạch nước lợ như một số đảo nổi khác trên quần đảo Trường Sa. Điều kì lạ là dù không có mạch nước lợ song cây cối trên đảo lại xanh tốt bậc nhất quần đảo. Không chỉ những cây tự nhiên như phong ba, bão táp, bàng quả vuông mà cả những cây do bộ đội trồng cũng xanh tốt đến kỳ lạ. Anh Hải dẫn chúng tôi đến thăm một cây bưởi da xanh, cao hơn chục mét và cho biết: “Mấy năm về trước, Bộ CHQS tỉnh Bến Tre gửi tặng đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, mỗi đảo một cây bưởi. Sau khi trồng, cấy bưởi ở đảo Nam Yết bị gió muối táp mạnh, rất còi cọc còn cây bưởi ở Sơn Ca lớn nhanh vùn vụt, lớn nhanh hơn cả những cây cùng lứa trồng trong đất liền”.

< Con đường ven bờ đảo.

Sở dĩ cây cối ở Sơn Ca xanh tốt là nhờ đảo có bề mặt bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô, được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim. Cũng chính vì lẽ đó mà trên đảo có nhiều loài cây cỏ mềm và rau muống biển mọc tự nhiên. Đây chính là nguyên nhân giải thích cho việc chim sơn ca sinh trưởng dễ dàng trên đảo vì sơn ca vốn thuộc họ chim sẻ, sống trên mặt đất nhiều hơn trên cành cây. Những bụi cỏ mềm chỉ có duy nhất ở đảo Sơn Ca là lý do níu chân loài chim này ở lại với đảo, phát triển thành đàn mà “đối tượng dân cư” đông đúc nhất của đảo.

Thương lắm, đảo chim


< Sơn Ca có cây bàng như ở Hà Nội nhưng lá lại đỏ giữa mùa hè.

Trước khi ra đảo, tôi đã ghé thăm nhà riêng của Đảo trưởng Lê Đình Hải bởi chị Phan Thị Thanh, vợ anh, nhờ tôi chuyển cho anh ít quà của đất liền. “Anh Hải thích nghe chim hót lắm” - chị Thanh cho tôi biết sở thích của anh như vậy. Tôi cứ nghĩ, có người đảo trưởng yêu chim như vậy, chắc là chim trên đảo sẽ rất phát triển…

Vậy mà, tiếng chim sơn ca trên đảo giờ đây thưa vắng quá. Ra đến đảo vào lúc 10 giờ trưa (theo dân gian, đây là lúc tiếng chim sơn ca lảnh lót, phiêu du nhất), tôi cứ lang thang mê mải đi tìm tiếng chim mà mãi không gặp.

< Cây mù u xòe tán rộng tại Công viên Thanh niên trên đảo Sơn Ca.

Anh Hải tìm mãi, mới chỉ cho tôi thấy một đôi chim đang ríu rít tìm mồi bên vạt muống biển. “Đảo bây giờ ít chim lắm. Sự giận dữ của thiên nhiên khiến thời tiết ngày càng chống lại khả năng sinh tồn của chim. Hơn nữa, từ thời quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng những năm 1970, chim đã bị săn bắt dữ dội nên từ chỗ là thành phần đa số, nay chúng thành thiểu số trên đảo” – anh Hải đượm buồn.

Rồi anh Hải cho tôi xem cuốn lịch sử về hòn đảo. Thời Pháp thuộc, sự chiếm đóng của con người đã bắt đầu ảnh hưởng đến loài chim. Năm 1974, tiếng súng xâm lược của ngoại bang vang lên trên quần đảo Hoàng Sa buộc ngụy quyền Sài Gòn phải tăng cường quân số đồn trú trên quần đảo Trường Sa. Súng ống tăng thì chim sẽ giảm. Những đàn chim hoặc bị săn bắt làm thịt, hoặc bay đi và rơi xuống đại dương, bị sóng biển, gió muối, bom đạn tiêu diệt dần…

< Bia chủ quyền với hàng cờ chào mừng của Hải quân.

Ngày 25-4-1975, cán bộ, chiến sĩ Đội 1, Đoàn đặc công Hải quân M26 và Phân đội B71 đặc công (Quân khu 5), bí mật đổ bộ lên giải phóng đảo đã bắt sống toàn bộ lực lượng ngụy quân. Thiếu úy Đỗ Viết Cường, người chỉ huy lực lượng giải phóng đã lập tức cử chiến sĩ ta đi tuần tra, kiểm tra toàn diện hòn đảo mà không gặp bóng chim nào. Không lâu sau đó, với nỗ lực của biết bao cán bộ, chiến sĩ hải quân, màu xanh tươi tốt đã trở lại, loài chim sơn ca cũng trở lại nhưng rất ít, rất hiếm.

Bù lại sự hụt hẫng vì tiếng sơn ca thưa thớt, giờ đây, đảo Sơn Ca đã có nhiều hơn những loài chim biển. Ở lớp cọc rào bảo vệ hòn đảo, nổi lên rất nhiều tổ chim hải âu. Ở trên đảo, tôi đã gặp nhiều tiếng chim sâu, chim chích. Rau xanh ở Sơn Ca cũng rất nổi tiếng. Đây là hòn đảo trồng được nhiều rau bậc nhất Trường Sa, trung bình đạt 20kg/người/tháng. Rau xanh vốn là của quý, nhưng không còn là của hiếm nữa. Và điều đặc biệt hơn, Trung tá Lê Đình Hải cho biết, nhiều loại gia súc, gia cầm được bộ đội đem ra nuôi trên đảo rất phát triển.

Ở quần đảo Trường Sa có câu tục ngữ “Chó Sơn Ca, gà Song Tử” là để chỉ sự phát triển đông đúc của đàn chó ở đây. Hiện nay, bộ đội Sơn Ca không chỉ nuôi được chó mà nuôi cả gà, ngan, ngỗng, lợn… Khách ra thăm đảo, thế nào đảo cũng mổ lợn, hoặc mổ gà đãi khách. Gà, lợn sống trên đảo thường rất khỏe, không dịch bệnh, thịt thơm ngon hơn ở đất liền.

Tháng 3, mùa sơn ca cất tiếng hót. Giọng hót chim sơn ca không loài chim nào có thể “qua mặt” được. Đó là những tiếng hót dài, âm thanh thánh thót và âm điệu du dương thay đổi liên tục như tiếng suối reo, thác đổ... Tháng 3 cũng là tháng trời yên, biển lặng, người ta có thể dễ dàng vượt biển đến với Trường Sa, đến với Sơn Ca, để nghe được tiếng chim hót, để yêu thương một hòn đảo trúc san hô “độc nhất vô nhị” của Tổ quốc Việt Nam hùng vĩ, thơ mộng.

- Theo QĐND, ảnh internet