Làng gốm Chu Ru

Khi những buôn làng khác ở Tây Nguyên từng bao đời du canh du cư thì người Churu buôn Krănggọ chỉ tụ cư bên suối Đạyòng dưới chân ngọn núi Pnum T`rom Ủ. Đất và nước thượng nguồn giúp những bàn tay tài hoa ở vùng quê này tạo ra một nghề thủ công truyền thống từ ngàn xưa.

Tôi tìm về bon Krăng Gọ, xã Próh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng trong một ngày mưa tầm tã. Đi trong tâm thức trở về với vùng đất tụ cư của bộ tộc Chu Ru chơn chất, hiền lành. Trở về với nghề thủ công truyền thống gắn bó máu thịt hàng ngàn năm cùng dân bon: Nghề gốm.

Mà cái tên Krăng Gọ mặc nhiên đã nói lên đặc tính của làng nghề. "Krăng" là tên ông chủ khai sinh vùng đất, còn "Gọ" trong tiếng bản địa là chỉ nghề làm nồi đất.

Tìm về làng gốm Chu Ru

Krăng Gọ là đây! Làng gốm Chu Ru là đây! Tôi bỗng hồn nhiên như trẻ nhỏ thuở xanh xưa theo mẹ nghịch đất. Tiếc rằng đang là mùa mưa, tôi đành tìm hiểu quy trình làm gốm qua lời kể của các nghệ nhân cao niên.
Vào mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau, cũng là thời điểm nông nhàn, tất cả các gia đình trong bon Krăng Gọ đều nổi lửa đốt gốm để đổi chiêng, ché, thổ cẩm với người Mạ, người K’Hor. Trước đây, vì gốm Chu Ru nổi tiếng khắp vùng nên nhiều thương đoàn người Lào, Campuchia cũng dùng voi chở lúa, ngô, đồ sắt, vòng cườm vượt núi, băng rừng sang Krăng Gọ đổi gốm về dùng.

Trong quy trình làm sản phẩm gốm thì phụ nữ chuyên trách khâu chọn đất tốt ở núi K’Lơl, đàn ông thì gùi đất về bon. Khắp làng trên bon dưới rộn rã tiếng sàng sảy, tiếng đãi đất, phơi đất, tiếng nhào đất và nặn gốm. Suối Đạ Yờng chật ních người đi kín nước. Ngọn lửa nung gốm bập bùng thức suốt đêm. Bên cạnh đó là cái không khí đậm đặc lễ nghi văn hóa và ma thuật.

Kỹ thuật chế tác đồ gốm của đồng bào Chu Ru ở bon Krăng Gọ khá đơn giản, họ không tạo hình sản phẩm bởi bàn xoay mà dựa hoàn toàn vào đôi tay. Ngay cả dụng cụ chế tác cũng hết sức giản đơn: Một chiếc vòng bằng tre hoặc thiếc, gọi là Knu; một miếng Tanạp (gỗ nhỏ); một quả Playcanh (trám rừng); một miếng Suté (vải).

Trước khi đi lấy đất nguyên liệu, bao giờ nghệ nhân Chu Ru cũng phải chuẩn bị lễ vật, gồm: một ché rượu cần; đôi gà, một trống một mái; bốn quả trứng, một đĩa trầu cau để xin phép chủ làng, thần đất. Việc lấy đất chỉ thực hiện khi cảm thấy trong người sạch sẽ, tâm hồn thảnh thơi. Bởi theo quan niệm của họ, nếu không có nghi lễ này các sản phẩm gốm làm ra sẽ xấu hoặc bị nứt vỡ nhiều do thần linh quở trách.

Đất sét sau khi khai thác về được phơi khô, giã nhỏ bằng chày; dùng rổ tre sàng kỹ nhằm loại bỏ tạp chất, chỉ giữ lại phần bột đất mịn. Kế đến, mang bột đất này nhào trộn với nước thật nhuyễn, đến mức dẻo mịn, ủ thêm vài ngày cho đất chín, rồi mới vê thành từng khối dài để nặn gốm. Tiếp theo, nghệ nhân, thường là nữ, sẽ đặt khối đất vừa nhào kỹ lên bàn gỗ cố định hình con chạch lượn tròn, và tạo dáng hoàn toàn bằng tay. Tay trái đỡ bên trong, tay phải cầm Tanạp đập đập bên ngoài sao cho thật cân xứng.

Dùng Knu để làm nhẵn sản phẩm cả bên trong lẫn mặt ngoài. Cuối cùng là việc đánh bóng sản phẩm gốm bằng Suté và Playcanh. Mô típ hoa văn thường là các đường vạch chạy song song, được nghệ nhân dùng đầu thanh tre ấn liên tiếp vào thân gốm, tạo nên những nét chìm sâu đều đặn như một thứ trữ tình nguyên thủy mê man.

Tạo hình xong, đem cốt gốm phơi cho thật khô, chỉnh sửa lại lần cuối, rồi sắp xếp các sản phẩm giữa một khoảng đất trống ngoài trời, chất củi, rơm xung quanh, nổi lửa lên và đốt. Đốt từ chập tối đến quá nửa đêm một chút thì mẻ gốm hoàn tất.

Sản phẩm gốm Chu Ru

Sản phẩm gốm Chu Ru là những vật dụng thông thường như cái Kòngọ dùng để nấu bồ kết cho phụ nữ gội đầu. Gokrớ dùng làm tô ăn cơm, Gọprò để nấu cháo bắp cho vài người ăn, Gọrôồng dùng để nấu cho vài chục người ăn, rồi cái Gọavú để lấy nước, hay như Gọpờnhăunh - cái bếp lò…

Ngắm đồ gốm Chu Ru tôi thầm cảm phục bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của các nghệ nhân thủ công biến đất mẹ hiền hòa thành hầu hết những vật dụng trong nhà, giải quyết nhu cầu thiết yếu trong nền kinh tế tự cung tự cấp. Trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nguyên liệu nọ thay thế nguyên liệu kia, đồ đá đồ đất, đồ đồng đồ sắt, đồ nhôm đồ nhựa rồi inox, thủy tinh cao cấp…

Gốm Chu Ru liệu có được khôi phục?

Làng gốm Chu Ru hôm nay không còn mở mang phát triển nữa và con em Chu Ru kiếm sống bằng những việc khác cũng là phù hợp với thực trạng lịch sử. Nhưng chính vì thế mà đồ gốm Chu Ru càng trở nên quý hiếm như một sản phẩm văn hóa, ghi nhận thời kỳ hoàng kim của làng gốm Chu Ru và sống mãi trong lịch sử ngành gốm Việt Nam.

Tôi đành chia tay làng gốm Chu Ru để trở về Đà Lạt khi ngoài trời vẫn còn mưa nặng hạt, và không khỏi chạnh lòng xen lẫn những âu lo, một thứ âu lo mơ hồ. Đã xa rồi cái thời khắp làng trên bon dưới rộn vang tiếng sàng sảy, tiếng đãi đất, phơi đất, tiếng nhào đất và nặn gốm. Xa rồi những bóng người ra suối kín nước. Xa rồi những ngọn lửa thức cùng dân bon nung gốm suốt đêm.

- Theo Langviet online, internet