Lên núi Bài thơ ngắm Vịnh
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo kẻ khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Đế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Đông đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn dựng Nước này".
< Vịnh Hạ Long nhìn từ núi Bài Thơ.
Đây là lời dịch từ bài thơ viết bằng chữ Hán của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách phía nam núi Bài Thơ, vào mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468) nhân dịp ngài tuần du đến vùng An Bang (Quảng Ninh bây giờ). Sau vua Thánh Tông, có nhiều tao nhân mặc khách qua lại và cũng đề thơ vào núi.
Một bài thơ của An Đô Vương Trịnh Cương viết năm 1729, họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông; rồi Tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Cẩn viết một bài (1910), anh em quan Án sát Vũ Tuân và Vũ Đại mỗi người hai bài, vợ Vũ Đại là bà Đào Thị Thoa có một bài thơ viết bằng quốc ngữ.
Ngoài ra, trên vách núi còn hai bài thơ nữa, viết vào khoảng những năm 40 của thế kỷ 20. Lời tựa và nội dung của các bài thơ chủ yếu về cảnh đẹp thiên nhiên, hào khí thời Trần, thịnh trị thời Lê…
Núi Bài Thơ cao gần 200m, nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, là một trong những núi cao nhất vùng biển Cửa Lục. Ba mặt của núi giáp với khu dân cư, phía tây và phía nam nằm sát với Vịnh Hạ Long. Núi trước đây có tên là Truyền Đăng (dân gian quen gọi là núi Rọi Đèn). Xuất xứ của tên gọi này là do trước đây, những người lính gác tiền tiêu trên đỉnh núi mỗi khi có báo động thì đốt lửa báo tin và vào buổi tối thì thắp những ngọn đèn như ngọn hải đăng báo hiệu... Và có lẽ từ sau khi vua Lê Thánh Tông để lại bài thơ trên vách núi thì núi mới được đổi tên là núi Đề Thơ, sau đó là núi Bài Thơ cho đến ngày hôm nay.
< Đỉnh núi Bài Thơ.
Từ xa nhìn lại, núi trông như một ngọn tháp 3 tầng hùng vĩ, điểm tựa cho cả thành phố Hạ Long. Không những mang vẻ đẹp của tạo hóa, núi Bài Thơ còn mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử, ghi trong mình những dấu son của quân và dân thành phố Hạ Long trong thời kỳ đấu tranh hào hùng của toàn dân tộc.
Lòng núi có nhiều hang đá, đã từng là nơi tập kết của Tự vệ Hồng Gai, nơi làm việc của nhiều đơn vị, trong đó có Bưu điện Quảng Ninh, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dưới chân núi, ở phía bắc có chùa Long Tiên, ngôi chùa lớn nhất thành phố Hạ Long và đền Đức Ông, thờ Đông Hải Đại vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở phía tây. Những di tích này cùng với núi Bài Thơ, tạo nên một cụm di tích văn hóa quan trọng và hấp dẫn của thành phố Hạ Long.
Thử một lần theo con đường nhỏ leo lên đỉnh núi, chắc hẳn các bạn sẽ không khỏi choáng ngợp khi trước mắt hiện ra cả một không gian rộng lớn, bao quát toàn bộ khu vực phía nam của thành phố Hạ Long và một vùng vịnh màu xanh ngút tầm mắt…
Không khí trên cao thoáng đãng và mát mẻ, chỉ cần có thêm một chiếc máy ảnh nữa là bạn đã có cả một chuyến du lịch khám phá thú vị…
- Theo báo Quảng Ninh, ảnh sưu tầm
0 nhận xét: