Lênh đênh trên những dòng sông Đông Bắc
^ Dòng Nho Quế uốn lượn quanh các vách núi dựng đứng của đèo Mã Pí Lèng.
Đầu năm 2008 khi cửa đập thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) đóng lại, mực nước khu vực lòng hồ dâng lên giúp thông suốt tuyến đường nối huyện Bắc Mê (Hà Giang) với Na Hang theo sông Gâm và nối với hồ Ba Bể qua sông Năng. Hà Giang - Tuyên Quang - Bắc Kạn đang được kéo lại gần.
< Một ngôi chùa trầm mặc giữa lòng sông.
Bỏ lại sau lưng Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang với điểm cực bắc Lũng Cú, phiên chợ Đồng Văn đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao như trăm năm về trước, đèo Mã Pí Lèng được ví hiểm trở bậc nhất vùng núi biên viễn phía Bắc chúng tôi lên thuyền cao tốc, xuôi dòng sông Gâm hướng tới Nhà máy thủy điện Tuyên Quang trong một buổi sáng đầy sương mùa và giá lạnh.. Sông Gâm với chiều dài non 300km là phụ lưu của sông Lô, xuất phát từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy đến Cao Bằng rồi nới rộng ra sau khi nhận thêm nước từ sông Nho Quế ở Lũng Cú (Hà Giang). Nó tiếp tục chảy quanh co như dải lụa qua Bắc Mê và hợp lưu với sông Năng đổ vào lòng hồ.
Dòng sông, thác ghềnh, hang động
< Đảo đá trên sông Gâm, phong cảnh kỳ thú không kém vịnh Hạ Long.
Thuyền rời bến chừng mươi phút, trước mặt chúng tôi dòng sông bỗng mở rộng mênh mông giữa đôi bờ là những dãy núi đá vôi gối lên nhau trùng điệp. Thuyền lúc lướt qua đại ngàn xanh thẳm, lúc phải tránh đám cây khô rậm rạp trên mặt nước, dấu vết cho biết một thời nơi đây từng là rừng.
< Sông Năng xâm thực lòng núi đá vôi Lũng Nham suốt hàng triệu năm, tạo ra động Puôn có chiều dài 300m, trần động có chỗ cao đến 50m với nhiều chòm nhũ đá ngoạn mục.
Người ta kể: khắp sông ngòi phía Bắc nối tiếng năm loại cá quý hiếm được ví là “ngũ quý hà thủy” gồm Anh Vũ, cá Chiên, Dầm xanh, cá Lăng, cá Bông thì hầu hết đều có mặt, sinh sản ở sông Gâm. Song ngày nay vì môi trường thay đổi và bị ngư dân khai thác ráo riết, thậm chí bằng mìn, hay xiết điện ngay còn trứng nước nên chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Riêng loại cá Anh Vũ, tương truyền xưa kia chỉ dành tiến Vua tuy vẫn tồn tại nhờ sống trong hang sâu, hốc đá dưới đáy sông nhưng số lượng chẵng còn là bao.
Sau khoảng hai giờ, thuyền cập bến Na Hang đối mặt dãy núi Pác Tạ cao nhất trong quần thể 99 ngọn núi bao quanh lòng hồ, hình dáng tựa con voi phục bên cửa sông. Cách đó không xa là khu vực đập tràn và Nhà máy thủy điện Tuyên Quang lớn thứ nhì miền Bắc sau thủy điện Hòa Bình.
Băng ngang núi Pác Tạ, sang phía tả ngạn sông Gâm, thuyền bắt đầu ngược dòng sông Năng giữa những vách đá cao ngất. Sông càng lúc càng quanh co theo các vạt rừng hoặc lượn vòng các đảo đá vôi. Dưới tán cổ thụ nghiêng mình sát mặt sông là vài con thuyền bé tẻo teo gác chèo, thả câu, gợi nhớ những vần thơ trong bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến.
< Sông Gâm trong một buổi sáng đầy sương mù.
Bỗng nhiên xuất hiện trước mặt nhiều thân cây khô nữa chìm nữa nổi khắp mặt sông, đồng thời là lúc thuyền tấp vào bến đò Tà Kèn thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể. Kế tiếp là là vượt dốc thăm bản làng của người Tày, Nùng, Dao và thác Đầu Đẳng. Theo cô Lộc Thị Thu Huyền - Hướng dẫn viên Vườn Quốc Gia, thác Đầu Đẳng cao 53m, dài gần 2km, đổ nước sông Năng xuống hẻm núi theo dạng thắt cổ chai.
< Thăm thác Đầu Đẳng.
Thác được kiến tạo cách đây 11.000 năm sau một trận động đất lớn, khiến vô số đá tảng từ vách núi rơi xuống làm sập trần các hang động suốt chiều dài hàng chục kilômet, lộ ra dòng sông ngầm. Một mặt đá lấp đầy đáy sông tạo nên con đập chắn nước tự nhiên, hình thành hồ Ba Bể.
Nhưng đoạn sông đó chưa phải là nơi đẹp nhất.
Sau khi tách khỏi thượng nguồn sông Gâm ở Pắc Miếu (Bảo Lâm, Cao Bằng), sông Năng chảy về hướng Nam qua Chợ Rã (Bắc Kạn) rồi xâm thực lòng núi đá vôi Lũng Nham suốt hàng triệu năm, tạo ra động Puông huyền ảo lung linh có chiều dài 300m, trần động có chỗ cao đến 50m với nhiều chòm nhũ đá ngoạn mục và là hang của đàn dơi hàng chục ngàn con.
Bức tranh cảnh đẹp Hồ Ba Bể
< Lênh đênh giữa Ba Bể.
Chúng tôi thăm Ba Bể khi mặt trời nghiêng hẳn về phía Tây, bóng núi đã lan dần lên bản làng bên sông, dưới gềnh đá dĩa ven hồ từng đàn thủy cầm đang lao xao ngụp lặn tìm mồi, chợt nghe động , tức khắc chúng bay loáng thoáng trên mặt nước vài ba mét rồi tiếp tục xà xuống hồn nhiên bơi lội như trêu chọc những vị khách phương xa mãi dõi mắt nhìn theo.
< Hoàng hôn trên hồ Ba Bể.
Giữa trời nước bao la, trên mặt hồ đã được công nhận là Vườn Di sản ASEAN vào năm 2004, ai nấy như nín thở để chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mặc khổng lồ, xa xa là những núi đá vôi lô nhô, ẩn hiện sau làn sương trắng, những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, gần hơn là những hàng cây mọc trong đá nghiêng xuống mặt hồ, thoang thoảng hương thảo mộc.
Bất giác, từ trong màn sương xuất hiện con thuyền độc mộc với cô gái Tày trong bộ trang phục màu chàm đang khua nhẹ mái chèo đưa khách ngược xuôi trên lòng hồ. Hình ảnh ấy càng làm thăng hoa cảnh sắc Ba Bể.
< Những gốc cây còn sót lại của khu rừng nguyên sinh bị dòng sông vùi lấp
Quá trình vận động kiến tạo, thiên nhiên khá hào phóng khi ban tặng cho Vườn Quốc gia Ba Bể nhiều danh thắng kết hợp giữa vẻ đẹp nên thơ, hữu tình sông hồ với sự ngoạn mục, hùng vỹ của rừng nguyên sinh trên những dãy núi đá vôi cáctơ cổ, ( một dạng đá vôi bị xâm thực thành hang động ) … đặc biệt là hệ thống 20 sơn động, trong đó có động Hua Mạ (tiếng Tày là “đầu ngựa”) đẹp nhất, huyền ảo nhất, cách hồ Ba Bể 6km, mới được các nhà thám hiểm địa chất phát hiện cách đây không lâu.
< Du khách vào hồ Ba Bể.
Trong khi phần lớn hang động thường nằm dưới chân núi, Hua Mạ lại ở lưng chừng núi - cao 350m so với mặt biển - nên còn được người bản địa gọi là động Treo. Hua Mạ gắn liền với một truyền thuyết của người Tày: xưa kia dân địa phương hay thả đầu và đuôi ngựa xuống sông để làm lễ vật hiến tế thần linh.
So với đường bộ đi cùng qua các điểm, tuyến đường thủy sông Gâm - sông Năng sẽ rút ngắn hành trình ít nhất 250km và nhờ nó mà giao thông, sự hợp tác phát triển du lịch giữa bốn tỉnh Hà Giang - Bắc Kạn - Cao Bằng - Tuyên Quang sẽ thuận tiện hơn, chưa kể du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh quan thật quyến rũ, kỳ thú.
Theo TTCT
0 nhận xét: