Mờ ảo khói lam chiều
Từ TP Vinh, nhóm phượt gồm 8 sinh viên và 3 chuyên gia đi bụi trên 6 chiếc xe Min thay nhau cầm lái. Phải mất 6 tiếng để vượt qua chặng đường dài ngoằn ngoèo uốn lượn qua những dãy núi đá rêu phong để đặt chân đến đất Kỳ Sơn, Nghệ An.
Sau đêm mưa, con đường độc đạo dài 70km từ thị trấn Mường Xén vào Keng Đu trở nên gian khổ hơn bao giờ hết. Một bên là núi cao, bên kia là vực sâu, giữa lòng đường trơn trượt, có những quãng sình lầy ngập ngang bánh xe. Chúng tôi bắt gặp một nhóm người “vần” xe máy vào Keng Đu. Một người không thể tự dắt xe qua lầy, họ lại phải hợp tác, người trước, kẻ sau đẩy từng chiếc một qua.
< Lội suối vào xã Keng Đu.
Một sinh viên tính nhẩm: “Từ Vinh vào Kỳ Sơn đúng bằng thời gian từ Vinh ra Hà Nội”. Mệt mỏi nhưng ai cũng vui vì đất trời Kỳ Sơn xa xôi mà đẹp mê hồn.
Từ trên các dãy núi nhìn xuống cả một vùng bạt ngàn ruộng bậc thang, thưa thớt những mái nhà lợp cọ nấp bên sườn đồi vẻ e thẹn.
< Những ngày mùa đông, giáo viên phải cho các em nghỉ học đốt lửa sưởi ấm.
Từ dưới thung lũng nhìn lên, bạn sẽ thấy 4 mặt là các dãy núi tầng tầng lớp lớp mờ ảo trong khói lam chiều. Tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng các loài hoang dã trong rừng với đủ mọi âm thanh vọng lại tạo cho người nghe một chút nhớ nhà, cảm giác lâng lâng khó tả hòa cùng tiếng gió rừng vi vu.
Từ trung tâm thị trấn Kỳ Sơn, bạn sẽ phải để lại những con “ngựa chiến” để cuốc bộ đến các bản làng xa xôi nhất. Bạn sẽ phải dựng trại ngủ rừng, bắt cá dưới suối, tìm rau dại để ăn.
< Học sinh xã biên giới Keng Đu phải vượt hơn 10 km đèo dốc để tới lớp.
Sáng hôm sau, chúng tôi đã đến với xã Keng Đu nằm sát đất Lào. Xã Keng Đu được xếp vào hạng nghèo nhất nước. Xã có 10 bản với số dân thưa thớt. Từ nhà nọ đến nhà kia cách nhau cả một quả đồi. Lại còn các bản trong xã thì càng tít tắp, có những nơi phải đi bộ gần 10 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xã.
Ở Keng Đu ngập tràn rượu. Uống rượu thay nước. Nếu bạn không uống được rượu thì cũng phải cố bởi người dân nơi đây chỉ mời rượu khi nhà có khách. Nhóm sinh viên tình nguyện sốc khi thấy các ông già bà lão uống rượu bằng bát.
< Sáng sớm, người dân Keng Đu lấy nước ở các bể được dẫn từ đỉnh Huổi Chót về.
Sau một ngày dạy chữ, dọn đồi và nương rẫy chúng tôi cùng những người dân bản ngồi lại trong ngôi nhà sàn. Vài món ăn dân dã của rừng cùng rượu và thuốc lào. Tất cả hòa quyện vào hạnh phúc khi nhóm “phượt” cảm nhận được sự chân thật, hiếu khách của người Kỳ Sơn. Người dân bản như vui hơn khi cả năm mới có vài vị khách ghé qua.
Bạn sẽ được lội suối băng rừng để thăm từng nhà trong các bản làng ở Keng Đu. Tất cả đều hoang sơ. Từ ngôi nhà đến thức ăn, nước uống. Nhưng bạn sẽ được gặp những người nổi tiếng của Keng Đu. Đơn giản như một thầy cúng với những câu chuyện phép thuật. Một thợ săn với những chuyến đi mạo hiểm. Hay giản dị hơn khi được tâm sự với những cô gái bản xinh đẹp.
< Gùi thay thế cặp sách.
Và cuối cùng bạn chỉ cần nhớ một điều, hãy sống với người dân Keng Đu bằng tấm lòng chân thật nhất. Đổi lại bạn sẽ thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa từ những chuyến đi.
---
Xã Keng Đu, nơi địa bàn đồn đóng quân là xã nghèo nhất, xa nhất, đường đi lại khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Với 10 bản gồm người Thái và Khơ Mú sinh sống, trong đó người Khơ Mú là chủ yếu với 9 bản và 3504 nhân khẩu, người Thái với 1 bản và 145 nhân khẩu.
Việc đi lại giữa các bản rất khó khăn, có những bản nằm sát biên giới như Keng Đu, Kèo Kơn, Khe Ling, chưa có đường xe máy, muốn đi đến trung tâm xã cũng phải mất chừng 4 đến 5 tiếng đồng hồ đi bộ.
- Theo ANTĐ, Nghean24, Dantrí...
0 nhận xét: