Ngược Tây Bắc, thưởng thức rau ban
< Những quẩy búp ban còn xanh mơn mởn, nguyên mùi ngai ngái đặc trưng.
Rau ban là món “đưa cơm” truyền thống bao đời của đồng bào Thái vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở Điện Biên.
Ấy là những búp ban mới chỉ có đôi lá, người Thái hái từ những cây ban trên đồi cao, mang về rửa sạch rồi cho vào vại muối như muối dưa cải ở miền xuôi. Búp ban muối, ăn với cá sông Nậm Rốm kho thì ngon không gì sánh được.
Chỉ qua đèo Pha Đin, mùa này hai bên đường đều có những người phụ nữ tần tảo đứng bên gùi búp ban xanh. Nhưng, muốn gì thì muốn, phải lên đến thành phố Điện Biên Phủ, bước chân vào chợ Mường Thanh, hòa vào những cánh khăn piêu, thấp thoáng trong dáng điệu áo váy của phụ nữ Thái mới cảm nhận được một “mùa xuân của búp ban” ở nơi này.
Những quẩy búp ban còn xanh mơn mởn, nguyên mùi ngai ngái đặc trưng. Rau của loài hoa đẹp, lại được người con gái Thái nhẹ nhàng gói lại, rồi đưa cho khách thì cái cảm giác mới nghĩ đến đã thấy là món ngon. Đi cả ngày thăm thú di tích lịch sử, bám theo nhịp sống trầm trầm ở cánh đồng Mường Thanh cũng đã làm du khách uể oải phần nào.
Ấy thế mà mâm cơm tối dọn ra, không thịt cá, giò chả thịnh soạn nhưng vẫn tiêu tan dần cái cảm giác ban chiều. Đó là khi thưởng thức món canh ban xanh biếc, dậy mùi ngai ngái. Ăn hết rồi lại vẫn muốn ăn thêm… Chưa đi hết được vùng đất Tây Bắc bao la, nhưng nơi cần đến của vùng lịch sử Điện Biên Phủ thì cũng đã gom đầy trong ảnh. Trở về xuôi, khó mà bỏ qua được những búp ban non, nếu là người đã thưởng thức. Vậy thì ghé qua chợ Mường Thanh mua cho không còn chỗ nhồi trong ba lô mới chịu ra về.
Hoa ban là một trong những sản vật của núi rừng Tây Bắc. Cũng giống như búp ban, hoa ban cũng là thức ăn của đồng bào Thái ở Tây Bắc. Hơn thế, hình ảnh cánh ban trắng đã đi vào đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con đồng bào Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân, với những trò chơi thú vị hái hoa ban và hát giao duyên. “Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi. Mỗi mùa ban lộc nảy thêm trẻ ra”. Câu ca của đồng bào Thái không chỉ lắng đọng về sức sống của loài cây ấy, mà còn như mời gọi bạn ngược đường đến với Tây Bắc, dù chỉ một lần cũng đủ để nhận ra.
- Theo Quang Phạm ANTĐ, internet
0 nhận xét: