Phiêu giữa tầng trời

Chiếc AN-2 lượn trên không. Và một… hai… ba… theo tiếng đếm của hàng trăm người cổ vũ bên dưới, bốn chiếc dù trắng toát bung ra giữa nền trời xanh, xếp thành một hàng thẳng tắp. 

Chững hai phút những người thực hiện cuộc nhảy từ độ cao 500 m đã tiếp đất an toàn, gương mặt ai cũng đỏ au tỏ ra hưng phấn lạ thường…

Cú nhảy đầu tiên

Đúng 6g sáng ngày 9-7, chúng tôi có mặt tại sân bay Hòa Lạc, nơi các học viên khóa V của CLB Hàng không phía Bắc (Ban Giáo dục Quốc phòng, Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân) sẽ thực hiện bài nhảy dù tốt nghiệp của mình. Họ khá trẻ, đa phần đã đi làm, một số là sinh viên và đều có điểm chung là thích tìm đến các trò chơi có cảm giác mạnh để thử thách bản thân mình.

< Lên máy bay nào!

Sau khi tập hợp, điểm danh các học viên trẻ lần lượt phải trải qua bài kiểm tra về huyết áp và nhịp tim. “Đây là phần bắt buộc, ai vượt qua được mới được ban huấn luyện cho phép lên máy bay thực hiện bài tốt nghiệp. Huyết áp bất thường, sức khỏe yếu sẽ rất nguy hiểm khi nhảy dù”, anh Lê Hồng Quang, một trong những thành viên kỳ cựu của CLB Hàng không phía Bắc giải thích cho chúng tôi.

Sân bay quân sự Hòa Lạc là một bãi cỏ dầy rộng mênh mông bị chia làm đôi bởi đường băng bê tông thẳng tắp, vây quanh là rừng keo xanh um. Tiếng động cơ ù ù từ phía đường băng vang lên. Một chiếc AN-2 có sức chở tầm 20 người đang chậm rãi tiến dần trên đường băng.

Chiếc máy bay dễ đến vài chục năm tuổi, nhưng được các chuyên gia trong ban chỉ huy cuộc nhảy dù nhấn mạnh có độ an toàn rất cao vì AN-2 có chết máy trên không thì vẫn lượn được để hạ cánh một cách êm ái. Ngay lập tức 9 bạn trẻ trong tốp nhảy đầu tiên vào vị trí chuẩn bị dù. Ai cũng tỏ ra háo hức, hưng phấn lạ thường. Những cái xiết tay thật chặt chúc cho lần nhảy đầu tiên thành công diễn ra ngay bên đường băng.

< Phiêu giữa chín tầng mây.

Có mặt trong tốp, cậu sinh viên trường Học viện Báo chí tuyên truyền Phí Tuấn Minh, SN 1991, thi thoảng lại quay lại ra dấu với người nhà đi theo cổ vũ bằng nắm tay giơ cao, chắc nịch với ý nói mình đã sẵn sàng…
Sau khi lượn một vòng để thả chiếc dù mồi đo hướng gió ngay trên tâm bãi nhảy, chiếc AN-2 lượn tiếp một vòng nữa. Và một… hai… ba… theo tiếng đếm của hàng trăm người cổ vũ bên dưới, bốn chiếc dù trắng toát bung ra giữa nền trời xanh, xếp thành một hàng thẳng tắp ngay phía sau đuôi máy bay. Dù to bằng nắm tay, còn người thì bé xíu như hột đỗ. Càng rơi tốc độ bốn chiếc dù như càng mau hơn.

Từ phía mặt đất tiếng loa hiệu lệnh các vận động viên xử lý trên không vang lên không ngừng: “số 3 kéo dây trái, số 2 kéo dây phải”. Chưa đầy 2 phút từ lúc rời máy bay ở độ cao 500 m, các học viên đã tiếp đất an toàn. “Sốc và phê quá, em muốn nhảy thêm lần nữa…”, Minh vừa nói với tôi vừa thở hổn hển, gương mặt cậu máu dồn lên đỏ au như vừa trải qua một cuộc chiến đầy căng thẳng.

“Thật tuyệt vời. Chỉ mấy phút thôi mà em đã trải qua bao nhiêu trạng thái cảm xúc, từ sợ hãi đến tận cùng đến sung sướng lâng lâng khi chiến thắng được nỗi sợ trong chính mình. Và bây giờ em chỉ muốn chạy ào vào khoe với mọi người”, Minh chia sẻ và kể lại quá trình thực hiện cú nhảy khá hoàn hảo của mình:

“Lúc thò đầu ra cửa máy bay, em thấy nhà cửa, đồng ruộng sâu nhỏ xíu sâu hun hút dưới chân. Cảm giác sợ bỗng nhiên ào về trong đầu. Rồi em thấy mình rơi, và hẫng một cái khi dù bung ra căng tròn. Rồi thấy mình trôi lềnh bềnh trong không trung với niềm hưng phấn khó tả”.

Chơi để vượt qua chính mình

Không may mắn như Minh, cú nhảy dù đầu tiên trong đời của Thùy Anh, cô sinh viên xinh xắn của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội lại rơi trúng hồ thả vịt nằm sát sân bay. “Bị uống một hụm nước vịt và người thì ướt sũng, có lẽ đây là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời em”, cô gái vừa quệt gương mặt ướt đẫm nước hồ vừa nói.

< Hoàn thành cú nhảy hiếm có trong đời.

Thùy Anh nằm trong tốp nhảy thứ 3. Đáng lẽ cô sẽ nhảy ở lượt hai, nhưng do những người trong tốp ngồi nhầm vị trí thành ra Thùy Anh lại trở thành người nhảy ở lượt đầu. Và lúc rời cửa máy bay do gió to cô đã bị thổi chúi đầu xuống, chân mắc phải dây dù, khiến dù dây dù xoắn lại và rơi với tốc độ nhanh hơn.

Đang rơi với tốc độ nhanh hơn các dù mở bình thường khác, cô nhìn lên thấy dây dù xoắn lại và ý thức được mình đang gặp phải tình huống xấu trong bài học lý thuyết. Nếu không xử lý được trong trường hợp này người nhảy bắt buộc phải mở dù phụ đeo trước bụng để được an toàn.

Thùy Anh đã bình tĩnh thực hiện những thao tác xử lý tình huống xấu này như đã được học. Lúc xử lý xong thì cô chỉ còn cách mặt đất 100 m, phía dưới là hồ thả vịt. Không kịp thời gian để lái dù sang vị trí an toàn khác nữa nên cô chọn phương án rơi xuống hồ.

“Lúc đó em không sợ vì biết bơi. Mặt khác, đây cũng là một trong những tình huống bọn em đã được học để xử lý. Khi vừa tiếp nước, em lập tức thoát ly dù, bơi vào bờ”, Thùy Anh kể lại. Giống Thùy Anh, những thành viên khác nhảy cùng lượt với cô cũng có hai người gặp “vận đen” gió to nên rơi vào rừng cây. Và họ đều có những biện pháp xử lý như đã được học để tiếp đất an toàn.
Chia sẻ về cách làm sao giữ được bình tĩnh để xử lý tình huông xấu đó, Thùy Anh cho hay những người thích, đam mê và tìm đến môn chơi dù như cô đều là những bạn trẻ thích cảm giác mạnh.

“Giới trẻ thích chơi thể thao mạo hiểm vì được trải nghiệm cái mới, đồng thời thông qua đó họ khám phá được bản thân mình, khẳng định được mình khi chiến thắng được những thử thách. Nhảy dù cũng hấp dẫn em như vậy. Tuy nhiên khi chơi môn này em đã tìm hiểu, học và được đào tạo một cách rất kỹ về luật chơi cũng như các kỹ năng để chơi được nó. Nhờ đó em bình tĩnh, tự tin xử lý các tình huống xấu”, Thùy Anh chia sẻ.

Không chỉ riêng Thùy Anh, nhiều bạn trẻ khác tham gia môn chơi dù tự do tại CLB Hàng không phía Bắc cho biết từ khi học chơi dù ngoài việc thỏa mãn đam mê, họ đã học được cách chiến thắng nỗi sợ của bản thân, trở lên dũng cảm hơn tự tin hơn trong những tình huống của cuộc sống.

Thượng tá Nguyễn Duy Hải, chủ nhiệm CLB Hàng không phía Bắc cho biết: Bộ môn thể thao nhảy dù đã được phổ biến rộng rãi trong xã hội cách đây 30 năm. Trong gần 20 năm tồn tại và phát triển, CLBHK đã kết hợp với Cung Thể thao thanh niên, Cung Thiếu nhi, Cung Hữu nghị, Đại học Bách khoa, Thành Đoàn Hà Nội để tuyển sinh và huấn luyện VĐV.

Từ đó tới nay, CLB đã tuyển sinh và huấn luyện được 15 khóa học nhảy dù với hàng vạn hội viên, tổ chức hàng chục giải đấu và những đợt nhảy dù chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước.
Chính Thượng tá Hải và nhiều người đang công tác trong lĩnh vực hàng không dân sự và không quân đã trưởng thành từ phong trào đó (Thượng tá Hải là học viên khóa I, lớp nhảy dù tại Cung thiếu nhi).

Vào năm 1999 khi hai quân chủng PK và KQ hợp nhất thì biên chế hoạt động của CLB không còn; nhưng các hoạt động của CLBHK vẫn được duy trì dưới sự bảo trợ của Ban Giáo dục quốc phòng (Bộ Tham mưu PK- KQ).

Đến năm 2004, Bộ Quốc phòng cho phép thành lập CLB Hàng không phía Bắc (với các bộ môn:
Nhảy dù, Máy bay mô hình và Bay máy bay siêu nhẹ) với mục đích thu hút giới trẻ vào một sân chơi lành mạnh, vừa thỏa mãn đam mê của giới trẻ đồng thời thông qua đó tìm kiếm, bồi dưỡng các tài năng về hàng không, không quân cho đất nước, giáo dục cho giới trẻ thêm hiểu và tự hào về truyền thống của lực lượng phòng không - không quân Việt Nam. Phần lớn kính phí hoạt động của CLB đều lấy từ ngân sách quốc phòng.

Nữ nhi 'phượt' chín tầng mây

Khi khoác dù, lên máy bay và nhảy… họ mạnh mẽ, nhanh nhẹn như lính dù chuyên nghiệp. Với các nữ học viên nhảy dù của CLB Hàng không phía Bắc (Quân chủng Phòng không- Không quân), môn chơi này không chỉ mang đến niềm vui mà còn giúp họ tự tin, dũng cảm hơn trong cuộc sống.


< Tiếp đất thành công.

Chiếc máy bay AN-2 từ từ tiến sát đường băng. Tiếng động cơ ù ù rung cả mặt đất. Gió từ cánh quạt táp hơi nóng khiến gương mặt của các nữ học viên nhảy dù càng thêm hồng hào.

Nguyễn Thu Hương, học viên nhảy dù khóa 5 của CLB, nhanh nhẹn vấn lại mái tóc, khoác dù lên vai và đội lại chiếc mũ bảo hiểm. Cô và các bạn đang chuẩn bị thực hiện cú nhảy dù đầu tiên trong đời từ độ cao 500m. Lao mình ra giữa không trung từ độ cao ấy là thử thách lớn. Tuy nhiên, điều lạ là không có cô gái nào vướng chút lo âu, khuôn mặt lộ vẻ phấn khích, tự tin khi bước lên máy bay.

Chở 9 học viên nhảy dù, chiếc AN - 2 đảo một vòng trên không và từng chiếc dù trắng bung ra theo tiếng hô vang dội của hàng trăm người cổ vũ dưới mặt đất. Từ trên không trung các vận động viên đồng loạt điều khiển dù hướng tâm rơi theo tiếng loa của bộ phận chỉ đạo nhảy dù. Chỉ chừng 3 phút, những chiếc dù mang theo các cô gái lần lượt tiếp đất.


< Phấn khích, tự tin trước khi nhảy.

“Thật phấn khích, nếu nhảy lần sau mình sẽ tập trung ngắm khung cảnh phía dưới nhiều hơn”, Thu Hương nói, rồi cùng các bạn ra thu dù về nơi tập kết. Những người nhảy lần đầu đều khoác dù Iundo do Nga sản xuất. Loại dù này không hỗ trợ nhiều tính năng lái vì thế dây điều khiển thường căng cứng, khó kéo. Điều này những tưởng khiến các cô gái gặp khó khăn, nhưng ngược lại họ xử lý tình huống nhanh gọn và chính xác.

Vũ Diệu Linh, học viên nhảy dù khóa 5 của CLB có một cú nhảy khá hoàn hảo, tiếp đất gần tâm mặc dù gió lớn. Diệu Linh đang làm việc cho một ngân hàng tại Hà Nội. Diệu Linh cho biết nhảy dù giúp cô giữ được cân bằng trong cuộc sống sau những căng thẳng và áp lực công việc. Lúc đầu Linh giấu gia đình đi học nhảy dù, nhưng sau mẹ nghi ngờ vì thấy cô giặt bộ đồng phục của CLB nhảy dù phía Bắc.

< Kiểm tra sức khỏe trước khi lên máy bay.

“Mẹ tỏ ra khá lo lắng, nhưng sau khi tình cờ xem một chương trình về môn thể thao nhảy dù trên tivi mẹ lại ủng hộ mình vì thấy nó cũng an toàn. Đêm qua, mẹ còn giục mình ngủ sớm, chuẩn bị sức khỏe cho lần nhảy dù đáng nhớ này”, Linh nói.

Một trong những cô gái được cánh mày râu tại CLB hàng không phía Bắc nể phục nhất là Thùy Dương, nhân viên tổng đài 1080, học viên nhảy dù khóa 4 của CLB. Cuối tháng 6, khi vừa tiếp đất sau cú nhảy thứ 5, cô nhanh chóng cởi bỏ chiếc dù, phăng phăng chạy vào bãi khoác lên vai chiếc dù khác để kịp lên máy bay thực hiện cú nhảy tiếp theo. Nhìn cô gái tóc dài chấm lưng thực hiện hai cú nhảy liên hoàn một cách thành thạo, những phi công chuyên nghiệp phụ trách đều tròn mắt.

< Tiếp đất thành công, nhưng hai tay tê cứng.

Chia sẻ về những trở ngại của nữ giới khi nhảy dù, Dương kể về lần đầu khi đến nộp hồ sơ xin học nhảy dù tại CLB ở số 360 - phố Bùi Xương Trạch (Hà Nội): “Với nữ giới, nhảy dù có đôi chút trở ngại như tập luyện rất vất vả, bộ dù khá nặng, cả dù chính dù phụ khoảng 20 kg; phần lớn các hoạt động tập luyện đều diễn ra ngoài trời nên da dễ bị bắt nắng…”. Tuy nhiên, theo Dương, hầu hết bạn nữ có đam mê và đã đến với môn nhảy dù, những trở ngại trên không là gì cả. Ngoài nhảy dù, Dương còn đam mê phượt.

Dương nổi tiếng trong giới trẻ thích phượt với nick name Alex Thùy Dương. Dương thích phượt tới Hà Giang, nơi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, con người thú vị, rượu ngon, món ăn hấp dẫn... “Với em, nhảy dù cũng giống như phượt, nhảy một lần là mê. Mỗi lần được lên trời giống như được đi gặp người mình yêu vậy, được bầu trời ôm ấp trong lòng, được thả mình vào không gian”, Đam mê của Thuỳ Dương khiến nhiều học viên nam phải nghiêng mình và làm cả thơ để tặng cô.

Từ năm 2007 đến nay, CLB hàng không phía Bắc đã đào tạo 5 khóa vận động viên (VĐV) nhảy dù với số lượng lên đến gần 100 vận động viên. Riêng năm 2011, VĐV nhảy dù khóa V có 27 người (16 nữ, 11 nam) từ 18 đến 35 tuổi thuộc các thành phần như: sinh viên, kỹ sư, doanh nhân…

Sau khi lớp nhảy dù của CLB Hàng không phía Bắc chính thức chiêu sinh đã có khá nhiều học viên nữ giới. Tính riêng khóa 5 (năm 2011), có tới 16 bạn nữ trong tổng số 27 học viên. “Họ học tập cần mẫn và nhảy siêu không kém nam”, Thiếu tá Đỗ Văn Ơn, người trực tiếp huấn luyện học viên, nhận xét về các nữ học trò.

Trong lễ tốt nghiệp các VĐV nhảy dù ở độ cao 500 m bằng dù Iundo do Nga sản xuất. Ngay sau lễ tốt nghiệp, các VĐV đã được cấp giấy chứng nhận và tiếp tục đào tạo với loại dù có tính năng cao hơn để trở thành nguồn VĐV nhảy dù thể thao và phục vụ Giáo dục quốc phòng.

Du lich, GO! Theo báo Tienphong, internet