Tò he Xuân La

Trong số các đồ chơi dân gian, cùng với đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân... tò he có sức sống lâu bền..
Xưa xưa lắm, có cụ già làng bảo khoảng hơn 300 năm trước, có sách ghi là những năm 80 của Thế kỷ 20, nhưng đi tìm những trang về làng nghề truyến thống để biết, để hiểu thì chưa bắt gặp. Có lẽ đơn giản thôi, từ xưa và nhất là đến bây giờ làm sao tò he có thể sản xuất hàng loạt, có thể bày bán khắp nơi, bán quanh năm nuôi sống con người, nuôi sống làng nghề truyền thống lâu đời - làng Xuân La, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Tò he là một nghề độc đáo. Ban đầu, người ta chỉ nặn những con chim, con cò mang bán. Rồi dần dần những con vật gần gũi trong đời sống nông thôn như gà, lợn, cá, chó mèo, trâu bò... những hình tượng trong các truyện cổ tích như Thạch Sanh, Tấm Cám, hoàng tử công chúa, mãng xà, đại bàng... được sáng tạo.

Các nhân vật trong các tích cổ Trung Quốc cũng được du nhập dưới đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nông dân. Nào là Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi. Nào bộ tam đa, tứ quý...

Lịch sử đổi thay, xã hội phát triển, hình tượng tò he nhiều lên, mới lên. Tò he có chú lính, có anh bộ đội, anh giải phóng quân. Tò he có giáo mác, có súng ống, có kèn đồng. Bây giờ lên phố tò he có Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, có Đôremon, có Thủy thủ Mặt trăng, có Siêu nhân, Người nhện.

Hình thì phải có động, phải có tiếng. Gắn thêm một kèn ống sậy, khi thổi lên hình tượng kêu tò... he.  Âm thanh nhỏ thôi, ngắt quãng theo nhịp thở. Chắc thế mà gọi chệch choạc đi thành tò he.

Một loại vật phẩm nữa cũng mang màu sắc, nhịp thở của tò he, đó là các mâm bồng, mâm ngũ quả như nải chuối, quả hồng quả bưởi, chùm ba quả cau, đĩa xôi, nắm oản... xưa dành cho bà, cho cô đi lễ. Vừa đẹp màu, vừa thơm mùi đường bột, cúng rồi lại có thể ăn.

Người dân làng Xuân La mang tò he đến khắp các làng quê Việt Nam trong những ngày lễ tết, hội hè. Hàng năm, khi nông nhàn, với hành trang gọn nhẹ, chỉ vài cân bột xay sẵn, người nặn tò he len lỏi khắp ngõ xóm, xuất hiện nơi đầu chợ, góc đình. Gạo tẻ 1 cân, gạo nếp 1 lạng đem ngâm, rồi xay hoặc giã thành bột, rồi luộc hoặc đồ chín, rồi để nguội, sau đó nhuộm màu. Nghe trình tự có vẻ như giản đơn, dễ dàng vậy mà phải có kinh nghiệm thuần thục. Ví như tỷ lệ hai loại gạo phải tăng giảm tùy theo thời tiết để bột dẻo, bền lâu. Ví như khi nhuộm màu phải quấy từ từ, lửa phải nhỏ đều cho chín tới. Có như vậy màu khó phai, diệt khuẩn để nhiều ngày khó thiu khó mốc.

Tò he đẹp kiểu dáng, tươi màu sắc. Màu chiết ra từ cỏ cây hoa lá nên ăn được - chơi mà ăn được. Rơm rạ đốt, nhọ nồi, rồi mực tàu cho màu đen. Hoa hiên, quả dành dành, quả gấc, thân gỗ vang cho màu đỏ. Màu xanh có lá riềng. Màu chàm có lá chàm. Màu vàng có củ nghệ, hoa hoè... Thiên nhiên vốn là người bạn thân thiết, hào phóng của nhà nông. Đồ phụ trợ cũng lại là tre nứa. Nếu là mân bồng, bánh vòng thì làm khung. Còn các hình tượng thì chỉ cần que tre làm cốt. Đồ nghề thì quá sơ sài dễ dãi, chỉ cái lược, con dao bài nhỏ, cục sáp, cật tre.

Cái gì nghe cũng giản đơn, mộc mạc như nếp nghĩ, nếp sống của nhà nông vậy. Nhưng đó là nghệ thuật - nghệ thuật không sách vở lý luận mà của kinh nghiệm vê vê, nắn nắn cho vừa đủ, sắp đặt cho hợp lý, cho đẹp mắt theo trí tưởng tượng sinh động mà cụ thể. Một nghệ thuật sáng tạo không có công thức cứ hiện dần trước mắt ta như một trò ảo thuật. Đồ chơi mua sẵn có tiện lợi nhưng không thể có cái hứng thú đến lặng lẽ, đến say mê trên các khuôn mặt trẻ thơ đứa đứng đứa ngồi chồm hỗm chăm chăm vào ngón tay của người nặn tò he. Người nghệ sĩ nông dân không phải chỉ véo nặn mà đã thổi hồn cho các hình tượng, cho đồ chơi dân dã ấy.

Nông thôn đã đổi thay theo nhịp điệu đổi thay của thành phố. Đồ chơi hiện đại theo người trên phố về làng. Tò he vẫn vậy, vẫn theo người nghệ sĩ tạo hình nông dân lang thang nơi ngõ xóm, vẫn tựa lưng góc đình quán chợ, vẫn ngồi bệt nơi hè đường, lối phố, vẫn túm tụm những đứa trẻ háo hức, tò mò. Giữa bao ồn ào, sặc sụa của lối sống hiện đại, cầm trên tay tò he đưa lòng ta về với nét dịu dàng, tinh tế của làng quê dân tộc.

Cho đến nay, "Tò he" vẫn chưa được xác định rõ ràng về tên gọi cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ biết rằng, từ nguyên liệu hết sức đơn sơ là những sản phẩm nông nghiệp như hạt gạo, lá rau, qua sự "phù phép" của người nông dân Xuân La, phút chốc đã tạo thành nhân vật cổ tích, hoạt hình, danh nhân văn hóa, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của trẻ thơ, đẹp và ngọt ngào như khúc đồng dao thương mến. Nhờ nét độc đáo có một không hai ấy mà người thợ Xuân La cùng những sản phẩm tò he không ít lần có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… để giới thiệu văn hóa Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Cả làng Xuân La hầu như ai cũng biết nặn tò he, nhưng không phải tất cả đều theo nghề này. Một nửa dân trong làng đi nặn tò he "lưu động". Họ phân tán đi các tỉnh và thường dừng lại ở các điểm vui chơi, trường học, công viên, những nơi có nhiều khách du lịch để quảng bá, giới thiệu và bày bán các sản phẩm nghệ thuật của làng.

Với những người ít biết đến tò he thì việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài quả thật là một điều thú vị.

Nhìn những gương mặt hớn hở, thích thú khi cầm trên tay những con vật, bông hoa, thậm chí là chân dung con người nhỏ bé, xinh xinh, ngộ nghĩnh bằng bột đủ màu sắc ở khắp các ngõ ngách của Thủ đô và nhiều miền quê khác đủ để thấy tò he có sức sống mãnh liệt trước sự "tấn công" dữ dội của thị trường đồ chơi nhập ngoại. Do đó, việc giữ nghề tò he không chỉ vì mục đích kinh tế mà sâu xa hơn đó là gìn giữ nét văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Ngày nay tò he cũng đã có những hợp đồng làm ăn lớn từ các nơi đến đặt hàng. Những người thợ của làng chuyên cần chăm chỉ như những con ong, ngày ngày toả đi khắp nơi để nặn bán, giới thiệu Tò he đến với mọi người khắp từ Nam chí Bắc. Và chúng tôi tin rằng những thế hệ nối tiếp sau đó ở Xuân La đã, sẽ và mãi mãi lưu giữ, phát triển được nghề với tất cả lòng nhiệt huyết yêu nghề.

- Tổng hợp