7 lễ hội tháng Giêng nổi tiếng nhất miền Bắc
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", sau một năm làm việc tất bật và mệt mỏi, người Việt vẫn dành thời gian để đến với những lễ hội Xuân và cầu mong một năm mới may mắn và hạnh phúc.
.
1. Lễ hội chùa Hương
.
Kéo dài suốt 3 tháng (tính từ thời điểm khai hội mùng 6 tháng giêng đến giữa tháng 3 âm lịch), lễ hội chùa Hương xứng đáng được mệnh danh là lễ hội đẹp nhất nước ta. Chùa Hương và động Hương Tích là danh lam nổi tiếng của Việt Nam thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km.
Chùa Hương là một tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên, vừa nhân tạo bao gồm núi, đồi, hang, động, suối rừng, chùa tháp...
Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.
Mùa lễ hội năm nay, một số dịch vụ tại Chùa Hương có tăng lên, đặc biệt như vé đò tăng từ 25.000 đến 35.000 đồng cho một vé, vé thắng cảnh tại khu di tích cũng tăng lên.
2. Lễ hội Yên Tử
Vùng núi Yên Tử ở xã Thượng Yên Công cách trung tâm thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) khoảng chừng 14 km. Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, núi Yên Tử cao hơn 1000 mét, vút lên như một tòa tháp, đã từng nổi tiếng là ngoạn mục. Các triều đại vua chúa xếp Yên Tử vào hạng "danh sơn" của nước ta. Đây là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Ðồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068 m (so với mặt nước biển).
Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân. Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui "như hội" là leo núi, lên đỉnh cao nơi có chùa Ðồng.
3. Lễ hội đền Gióng
Hàng năm cứ đến ngày 9/4 âm lịch (ngày ông Gióng thắng giặc Ân), người dân bốn phương từ mọi ngả xa gần lại đổ về để xem lễ, dự hội tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Đây là mảnh đất đã sinh ra một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - “Phù Đổng thiên vương”. Người xã Phù Đổng vẫn truyền nhau câu ca dao: “Ai ơi mùng Chín tháng Tư/ Không đi hội Gióng cũng hư mất đời…”
Hội Gióng thực sự là một lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Nó là một “hội trận”, vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước “Quốc thái dân an” của nhân dân.
Trong lễ hội sẽ có những màn diễn xướng độc đáo thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, tôn vinh vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng. Lễ hội Thánh Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ.
Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010, Hội Gióng đền Sóc năm nay càng đặc biệt thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
4. Hội Xoan
Hội Xoan được tổ chức vào ngày 7 - 10/1 âm lịch tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội suy tôn bà Xuân Nương, một nữ tướng của Hai Bà Trưng và ca ngợi công lao của các vua Hùng. Lễ hội có cuộc thi hát xoan - một văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Tổ Phú Thọ.
Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật có từ thời Hùng Vương, sau đó truyền rộng rãi trong dân chúng và được tổ chức thành các phường hát. Mỗi phường Xoan thường có từ 15 đến 18 người hoặc đông hơn. Trừ trùm phường, các thành viên khác thường là trai gái tuổi 16-18. Nam gọi là kép, nữ gọi là đào, số đào thường đông hơn số kép.
Trong ngày hội, các phường hát thường tổ chức hát tại cửa đình. Nét đặc sắc nhất là tục giữ cửa đình. Tục giữ cửa đình cũng có ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân nhau giữa các phường xoan. Từ tục này đã dẫn đến tục kết nghĩa họ xoan và người địa phương của đình sở tại. Tình nghĩa ấy rất được coi trọng.
Hát xoan là di sản văn hóa vô giá của người dân vùng đất Tổ - tỉnh Phú Thọ.
5. Lễ hội Bà chúa Kho
Trên vùng quê Kinh Bắc cổ kính và văn hiến có không ít những đền thờ thần mẫu linh thiêng, huyền diệu, một trong số đó là đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ - một làng ven chân núi kho, nằm bên bờ sông Cầu thuộc địa phận thị xã Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị mà còn là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách thập phương có mong muốn mang một chút tài lộc đầu năm về cho gia đình và người thân. Vì vậy hàng năm cứ từ mồng 10 tháng Giêng âm lịch trở ra, khách thập phương lại lũ lượt đổ về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh lễ bái cầu tài cầu lộc và vay tiền Bà cho cả năm làm ăn.
6. Hội chùa Keo
Ven theo triền đê sông Hoàng Hà, chạy qua địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, du khách sẽ nhìn thấy ở phía bắc có một khu kiến trúc cổ sừng sững giữa cánh đồng lúa xanh bạt ngàn - đó là chùa Keo.
Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, xưa và nay là một danh thắng độc đáo kỳ vĩ vào bậc nhất của Việt Nam.
Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào hai kỳ:
- Hội xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán
- Hội thu được tổ chức vào các ngày 13-14-15 tháng 9
Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: Bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.
Các lễ thức trong 3 ngày hội tháng 9 của chùa Keo vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, đua tài giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử mà cả xâu chuỗi các hành động. Hội là một bản diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Khổng Lộ, trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay một số lễ thức trong hội chùa Keo đã bị giảm lược, nhưng các nghi thức trong đám rước vẫn cơ bản được giữ nguyên, múa ếch vồ và múa chèo chải cạn vẫn được duy trì.
7. Lễ hội Lim
Không phải ngẫu nhiên người ta bảo Hội Lim (Tiên Du) là lễ hội đặc sắc vùng Quan họ. Không biết bởi duyên trời hay tình người Quan họ đằm thắm mà giã bạn rồi, du khách thập phương cứ vương vấn mãi câu hát “Người ở đừng về”… Và vì thế, cứ 12, 13 tháng Giêng hàng năm, không hẹn mà gặp, người người nô nức kéo về vùng Lim trẩy hội.
Cũng như các lễ hội truyền thống khác, hội Lim cũng có những hoạt động nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh công đức các vị thần như lễ rước, lễ tế hay các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Sáng sớm ngày 13 là lễ rước kinh từ chùa Trũng tới chùa Hồng Ân, sau những nghi thức tế lễ, đoàn rước đón nước thiêng từ chùa Hồng Ân trở về chùa Trũng. Kết thúc lễ rước, vào lễ khai hội.
Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc "bọn" nam, nữ. Khách hành hương, trẩy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác của địa phương, hay tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm... vốn là những trò chơi của hội làng cổ truyền mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.
- Theo Eva
0 nhận xét: