Ngày Tết đi du lịch bụi...
Một số những bạn trẻ thích “xê dịch” đều chọn cho mình cách xách ba lô và lên đường để thưởng thức một cái Tết theo cách rất riêng. Họ đi khắp ngang cùng, ngõ hẻm của mảnh đất hình chữ S, hay chứng kiến những khoảnh khắc rượu champagne được khui, hòa cùng bản nhạc Happy New Year ở trời Tây. Xu hướng “xê dịch” ngày Tết đã trở thành một trào lưu mới, hạnh phúc, ấm áp và không kém phần vất vả.
Hấp dẫn giới trẻ
Trong những hành trình rong ruổi khắp Tổ quốc, các bạn trẻ thường chọn thời điểm Tết tây đến Tết ta để thực hiện, và đều mang theo một thông điệp rất rõ. Dường như cái tiêu chí “đi để không thấy mình cũ kỹ” luôn là hành trang xuyên suốt những chuyến đi. Người theo chủ nghĩa xê dịch gần như thoát khỏi ngữ nghĩa trừu tượng và hiện diện trong những cuốn Facebook dầy cộp với chuyến rong ruổi.
Trần Linh và Vũ Thanh Minh, cặp đôi này vừa trải qua kỳ nghỉ Giáng sinh trên đỉnh Lũng Cú (Hà Giang), chàng và nàng mong ngóng đón cái rét căm căm luôn thường trực dưới 10 độ và thực hiện chuyến đi một vòng Hà Giang bằng xe máy. Không biết từ bao giờ, hễ chàng có chuyện buồn hay stress vì công việc là xách ba lô đi đâu đó một tuần, lâu dần thành quen, nàng xin đi theo và cứ vậy, cặp đôi “hợp cạ” này thỉnh thoảng lại đi.
Những dịp như Tết tây hay Tết ta lại càng phải đi, đi để thấy quê hương mình phong phú và đẹp như thế nào. Nếu Noel tại Hà Nội, những người khác đang thể hiện niềm tự hào dân tộc trên các nẻo đường ngõ phố cùng lá cờ đỏ sao vàng mừng chiến thắng của bóng đá Việt Nam, thì Linh và Minh lại chọn cho mình một cách yêu Tổ quốc rất riêng trong chính tâm hồn họ.
Với Thanh Hòa, hiện đang có mặt trên Tây Bắc được hai ngày, có lí do rất riêng về chuyến đi: “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Chưa đi, chưa tiếp xúc, chỉ sống bằng những lời “màu hồng, màu đen” trong đống sách vở khô khan thì quá khó để tưởng tượng ra đời sống đồng bào mình như thế nào. Hòa kể: “những câu chuyện du canh, du cư, phá rừng của đồng bào dân tộc thiểu số mình thường được gắn với ý thức kém và thiếu hiểu biết nhưng ai biết rằng, nhiều khi chính họ cũng chỉ là nạn nhân. ”Hòa sẽ đón Tết tây trong giá rét để gật gù cùng chén rượu bên bếp lửa về những câu chuyện“ chưa đi, chưa thể biết”
Còn vào dịp tến Nguyên Đán năm nay thì sao?
“Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn kéo dài 9 ngày, mức thưởng tết năm nay cũng khá hơn, đi du lịch theo tour bó buộc về lịch trình và giờ giấc... Đó là những lý do khiến cả nhóm chọn du lịch “bụi” dịp tết”, chị Trần Xuân Lý, hiện đang làm việc tại Công ty bột mì Interflour (huyện Tân Thành) cho biết.
Chị Lý cho biết, từ thời sinh viên, chị đã thích đi đây đó, ngắm phong cảnh, khám phá sinh hoạt của người dân. Nhưng túi tiền sinh viên eo hẹp nên chị thường tranh thủ du lịch bằng cách theo các bạn cùng phòng ở ký túc xá về quê vào những dịp nghỉ lễ, nghỉ giữa khóa hoặc kết thúc năm học...
Khi thì Long An, Đồng Nai, lúc Vĩnh Long, Tây Ninh... Sau 4 năm đại học, ngoài các tỉnh, thành lân cận TP. Hồ Chí Minh, chị đã đến 13 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên. Khi ra trường đi làm có tiền, chị càng có điều kiện đi nhiều hơn.
“Hầu hết các thành viên cùng phòng còn độc thân lại cùng sở thích du lịch nên tết này, cả nhóm đã lên kế hoạch khám phá vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ”, chị Lý nói. Cũng theo chị Lý, trong những chuyến đi thế này, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu và năng động nhất. Ngay từ bây giờ, các phần việc như: kiểm tra, bảo dưỡng xe máy, chia cặp, công tác tiền trạm, liệt kê những vật dụng cần thiết, thu phí... đã được tiến hành sẵn sàng cho ngày xuất phát.
Ông Trần Văn Dung, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lữ hành Vũng Tàu (VTTours) nhận định, những năm gần đây, các thông tin về dịch vụ, nơi tham quan, tư vấn trước chuyến du lịch... xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí, mạng internet. Không cần mua tour qua các đơn vị lữ hành, nhiều người vẫn có thể tự tổ chức đi du lịch đến nơi mong muốn, trong đó xu hướng du lịch “bụi” hoặc kết nhóm trên các diễn đàn mạng rồi tổ chức đi “phượt” ngày càng nhiều. Ở một số tỉnh, thành như: Nha Trang, Đà Lạt... đội ngũ thợ chụp ảnh thường kiêm luôn vai trò của hướng dẫn viên du lịch. Họ am hiểu tường tận về lịch sử địa phương, sẵn sàng tư vấn nơi tham quan, nhà nghỉ, các dịch vụ... dân du lịch “bụi” có thể tìm hiểu thông tin qua họ mà chỉ tốn vài chục ngàn đồng chụp ảnh.
Đi để học
Chị Thùy, công tác tại Công ty Bay dịch vụ miền Nam cho biết, chị cũng thường tranh thủ kỳ nghỉ phép đi du lịch. Chị kể, Tết năm 2011, chị khăn gói về Cà Mau theo kiểu “ta balô”. Khởi hành từ Vũng Tàu, chị đón xe về thẳng Cà Mau. Từ bến xe Cà Mau, qua một lần ngồi xe và một lần đò chị đến huyện U Minh rồi vào nhà dân xin tá túc. 5 ngày ở Cà Mau, cùng ăn uống, sinh hoạt, chuyện trò với người dân địa phương chị hiểu hơn về tình cảm chân thành, sự hiếu khách của người nông dân Nam bộ. Khi ra về, chị gửi họ chút tiền gọi là chi phí cho những ngày vừa qua nhưng nhất định họ không nhận. Sau đó, chị chia nhỏ số tiền ra, rồi đi loanh quanh trong xóm cho con cháu họ. “Tự tin, cởi mở, tinh tế hơn trong giao tiếp và nhanh nhẹn hơn khi xử lý tình huống là những điều tôi học được trên đường du lịch bụi”- chị Thùy nói.
Còn Minh Hiền, sinh viên năm thứ 4 Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đi để thỏa mãn niềm đam mê khám phá những mảnh đất mà mình chưa được đặt chân tới, đồng thời tình cảm bạn bè cũng trở nên gắn bó hơn. Hiền kể, trong một lần theo người bạn dân tộc Ba Na về Kon Tum chơi, Hiền may mắn được chứng kiến lễ hội cầu an của người Ba Na. “Các nghi thức lạ lẫm, kỳ bí gây nhiều tò mò cho tôi, qua đó giúp tôi hiểu hơn về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc anh em. Bên cạnh đó, những chuyến đi còn là những kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên, để một lúc nào đó không phải nói rằng “ước gì cho thời gian trở lại”- Minh Hiền tâm sự.
Xê dịch, phượt hay du lịch bụi dĩ nhiên không phải là thứ mốt, nó là đặc quyền của những người thích khám phá, yêu những vùng đất lạ và... không ngại vất vả.
Phượt Xuân
- Tổng hợp từ Tin247, DulichVN và nhiều nguồn ảnh khác
0 nhận xét: