Núi Cậu - Lòng Hồ Dầu Tiếng
< Hồ Dầu Tiếng và núi Cậu.
Quần thể Núi Cậu với tổng diện tích hơn 1600 ha, gồm 21 ngọn (7 ngọn lớn và 14 ngọn nhỏ), ngọn núi có dạng hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là Núi Cửa Ông cao 295m, Núi Ông cao 285m, Núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất cao 63m là Núi Chúa. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng Bắc – Đông Bắc và Nam - Tây Nam.
Đặc biệt, dãy núi Cậu có hình dáng như 2 yên ngựa nên người dân địa phương còn gọi là Yên ngựa 1 (Núi Cửa Ông và Núi Ông), Yên ngựa 2 là (Núi Tha La). Vùng Núi Cậu có trữ lượng cao nên thảo mộc thiên nhiên trù phú và ở đây còn có các loại gỗ quý như: gõ, căm xe, giáng hương, bằng lăng và nhiều loại thảo mộc khác… nơi sinh sống của nhiều loài động vật như: Nai, mễn, heo rừng,….
< Suối Trúc.
Về hướng Nam – Tây Nam dưới chân núi, ta bắt gặp một thác nước đang ào ào tuông chảy chen qua các tản đá rồi đổ xuống một trũng nước hình tròn có độ sâu khoảng 3m, có đường kính độ mươi mét. Trũng nước lắng đọng làm chựng sức mạnh tuôn trào của dòng suối và không ngừng những âm thanh xao động rì rào… mang tên là Hồ Than Thở.
Trên đỉnh núi cũng có một ngôi miếu thờ “Cậu Bảy” và nhiều tảng đá tạo thành những hình tượng vô cùng hấp dẫn.
Dưới chân núi có ngôi chùa Thái Sơn do hoà thượng Thích Đạt Phẩm (thế danh: Đinh Văn Trên) (Thầy sáu) xây dựng vào năm 1988, tổng diện tích trên 5 hecta gồm các hạng mục như: cổng Tam Quan, ngôi Đại Tháp cao 36m có 9 tầng, tượng quan Thế âm cao 12m, chánh điện, điện ngọc cũng được xây đựng theo lối kiến trúc cổ lầu, bên trong chánh điện thầy trụ trì và chư tăng phật tử thường xuyên gõ mõ tụng kinh nên khu vực này tăng thêm phần linh thiêng tín ngưỡng của du khách thập phương…
Trong kháng chiến vùng núi hiền hòa nầy đã che chở cho hòa thượng Đạt Phẩm và các đồng chí hoạt động cánh mạng. Có lẽ đây là một phần trong nhiều nguyên nhân khác về mặt tâm linh, đã làm cho Hoà Thượng quyết tâm xây đựng chùa Thái Sơn trên mảnh đất năm xưa núi cậu.
< Hồ Dầu Tiếng trong mùa khô, xa xa là núi Cậu.
Lòng hồ là một công trình thủy lợi với diện tích rộng trên 27000 hecta và 1,5 tỷ m3 nước phục vụ nông nghiệp. Những nhà quản lý công trình, những kỹ sư và công nhân ngành thủy lợi đã đầu tư trí tuệ, sức lực và lòng quyết tâm đạt được mục tiêu hồ có khả năng tưới tiêu cho hơn hàng trăm ngàn hecta đất ruộng và hoa màu của một vùng rộng lớn từ Tây Ninh đến Bình Dương qua Long An về thành phố Hồ Chí Minh.
< Nhà cánh dơi Hồ Dầu Tiếng.
Núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng là một danh thắng được kết hợp Sông - Nước – Núi – Đồi quả thật là phong cảnh đẹp, một địa thế tiền thủy, hậu sơn đã tạo nên nét hiền hòa, êm ả của dòng nước lòng hồ trong mát, bên cạnh một bức bình phong hùng vĩ của rừng núi thiên nhiên như một vị thần che chở bảo hộ sự bình an cho mọi người .
Đặc biệt, vùng rừng Núi này còn là rừng phòng hộ – Nước lòng hồ này còn là nước tưới tiêu xả lũ cho các vùng ven sông. Núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng là một thắng cảnh – du lịch ngoạn mục là địa điểm nổi tiếng mà nhiều khách thập phương trong và ngoài nước đã đến đây với tấm lòng ngưỡng mộ và thích thú.
< Đường mới mở lên núi Cậu, có lẽ để phục vụ du lịch.
Trèo lên Núi ở độ cao khoảng 284.6m, ta thấy cảnh trời đất xung quanh hiện ra trước mắt, xa xa là thị trấn Dầu Tiếng sầm uất, đang hối hả nhộn nhịp. Đặc biệt, từ khi tách Dầu Tiếng được tái lập, huyện đã nhanh chóng ổn định đi vào chỉnh trang đô thị cho xứng đáng tầm vóc của một huyện có bề dày lịch sử chống kẻ thù mà Hồ Chủ Tịch đã khen tặng trong thư chúc tết năm 1966 của Người :
“… Mừng miền Nam rực rỡ chiến công
Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây Me, Đà Nẵng…”
Giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Núi Cậu đã trở thành căn cứ hoạt động cách mạng. Nơi đây được gọi là Định Thành căn cứ để phân biệt Định Thành tạm chiếm lúc bấy giờ.
Tháng 5 năm 1951, thực hiện chủ trương của Quân khu ủy, Phân liên khu Miền Đông, vùng cao su gồm 22 làng nhập vào huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh. Huyện Ủy Dương Minh Châu chỉ định cấp ủy, chi bộ thị trấn Dầu Tiếng gồm 5 đồng chí, đồng chí Trần Văn Lắc phụ trách khu vực ấp 4 Bàu Sình lên đóng quân trên Núi Cậu.
Đến năm 1961, lúc bấy giờ du kích hoạt động gần như không có vũ khí gì trong tay chỉ có Làng 22 đầu tiên có 1 tiểu đội là có dao, mã tấu làm các công việc an ninh trật tự và cũng là làng đầu tiên được nhận 3 cây mút mát.
Núi Cậu:
Từ đó, đội võ trang được gọi là đội du kích, Ban cán sự, thành lập 8 đội công tác địa điểm hoạt động tại Núi Cậu, mật danh là các “C” (về sau đổi thành các B): B21, B26, B28. B đầu tiên có 1 súng là B26 đồng chí Sáu Bi mang về.
< Chùa Thái Sơn dưới chân núi Cậu do hòa thương Thích Đạt Phẩm xây dựng 1988.
Đến năm 1967, cuộc hành quân Junction City của Mỹ kết thúc, Núi Cậu biến thành thế mạnh của chúng, chúng đã chiếm và đặt thành một chốt giao cho tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 173 đóng giữ từ mùa xuân qua tới đầu mùa hè.
Qua trận Mậu Thân 1968, bằng mọi cách nối lại liên lạc tạo dựng lại cơ sở căn cứ. Huyện ủy, huyện đội, công an hình thành một cụm căn cứ nhưng hoạt động phân tán để tránh thiệt hại cả cụm. Căn cứ ít nhất phải ba vòng trái chuyển đi dời lại từ Núi Cậu đến khu vực đầu lô 69. Rồi lại trở về Núi Cậu. Núi Cậu là địa hình, địa thế rất thuận lợi nên Cách mạng quyết tâm trấn giữ làm căn cứ tiếp sức cho phát triển phong trào, nhằm góp phần vào chiến thắng chung.
< Nhìn từ núi Cậu - mờ xa xa là núi Bà Đen.
Bảo tồn danh thắng núi và lòng hồ là bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, gìn giữ một cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lý tưởng. Hiện nay, Núi Cậu là khu rừng phòng hộ nên chi cục kiểm lâm – Hạt kiểm Lâm Dầu Tiếng đang bảo vệ rất nghiêm ngặt. Khu vực chùa Thái Sơn có trụ trì Đạt Phẩm, cùng một số phật tử sớm tối kinh mõ cầu an cho mọi người. Riêng phong cảnh của Lòng Hồ cũng được Phòng quản lý nước của Công ty khai thác thủy lợi quản lý theo dõi nước lên, nước xuống mà có biện pháp khắc phục nhằm ổn định cho sự hiệu quả và an toàn của Hồ nước.
- Theo TTTĐT Bình Dương, internet
0 nhận xét: