Tết cuối "làng phong"

Sau cái tết này, người dân “ốc đảo hansen” Hoà Vân thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng sẽ lên phố để dành đất cho thành phố xây dựng khu du lịch. Và, địa danh "làng phong" sẽ không còn xuất hiện trên bản đồ hành chính nữa. Một cái tết đang về, mang theo bao cảm xúc ngậm ngùi của một ngôi làng nhỏ đầy biến cố.

< Làng Hoà Vân nhìn từ chân đèo Hải Vân.

Theo ông Võ Văn Sanh - một trong 40 người đầu tiên ra lập làng tại đây - thì làng Hoà Vân được thành lập từ năm 1969, là nơi trú ngụ của những bệnh nhân phong. Chính quyền lúc bấy giờ chọn nơi biệt lập, hẻo lánh nhất, ven chân núi Hải Vân, sát với bờ biển để làm nơi cho những bệnh nhân phong lập làng.

Đến

Đến nay làng đã có 134 hộ, với 325 nhân khẩu. Từ những thập niên trước, nhắc đến làng Hoà Vân là người ta nghĩ ngay đến ngôi làng của những người bệnh phong (cùi) đáng xa lánh. Cũng có lẽ vì vậy, mà con đường đến với Hoà Vân đầy cách trở. Những ngày biển lặng, người ta phải đi thuyền men theo vịnh Nam Chơn để ra ốc đảo. Còn đi đường bộ thì phải lên lưng chừng đèo Hải Vân, len lỏi trong rừng cây, băng qua đường ray tàu để xuống làng.

< Những thế hệ thứ hai và thứ ba tại Hoà Vân.

Người dân ở đây đã sống đến đời thứ ba. Cuộc sống của họ dựa vào việc đánh bắt nhỏ lẻ trên vịnh Nam Chơn. Vẫn miệt mài sửa sang lại chiếc thuyền thúng đã bị bục thủng đôi chỗ, Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Đức (35 tuổi) kể: “Tui sống ở đây từ nhỏ, cuộc sống cô lập tuy buồn nhưng được cái bà con làng xóm ở đây hết sức quan tâm giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn,  đời sống cũng như sức khoẻ...”. Ông Đức và bạn nghề Lê Thanh Tâm nhà ở cạnh bên là một trong những người thế hệ thứ hai ở ngôi làng này. Cuộc sống dù vất vả nhưng đổi lại họ có niềm vui bên gia đình, đồng cam cộng khổ. Mỗi ngày, công việc của họ bắt đầu bằng những chuyến bủa lưới ở ngoài vịnh. Chiều xuống lại lênh đênh theo những thuyền thúng nhỏ đi kéo lưới. Vì đánh bắt nhỏ nên thu nhập ngày có, ngày không.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm giữa làng, ông Sanh kể: “Tui sinh ra ở Hoà Hải, Quảng Nam. Năm 68 của thế kỷ trước bất ngờ phát bệnh. Nghe nói ở đây chữa được, thế là tui khăn gói ra đây...”. Dải đất nhỏ nằm dưới chân con đèo hùng vĩ nhất đất nước này từ đó tiếp nhận thêm rất nhiều người tứ xứ. Họ đến với nhau một cách lặng lẽ rồi tự đùm bọc lấy nhau. Cạnh nhà ông Sanh, dưới những rặng dừa, còn thấy được một ngôi nhà cũ theo kiến trúc phương Tây. Dân làng cho biết đó nguyên là nhà ở của ông Gordon Smith - Hội trưởng Hội truyền giáo Cơ đốc. Năm 1968, ông ra đây xây dựng một trung tâm điều trị cho bệnh nhân phong.

Cũng theo ông Sanh, những ngày đầu ra đây, vùng đất này còn hoang sơ lắm. Thậm chí, có đêm ông Smith còn thấy hổ về (con hổ sau đó bị bắn chết). Rồi con đường đi lên bệnh viện lúc đó cũng chưa ai dám đi vì rậm rạp và đầy rắn rết. Bằng quyết tâm chống lại bệnh tật, đua tranh với tử thần để tìm kiếm sự sống, người ta dần mở làng, phát cây, be bờ để trồng lúa. Ngôi làng bây giờ nhìn rất nên thơ với những bóng dừa cao vời vợi, với những ô ruộng lúa nước vuông vắn, trước mặt là vịnh xanh ngắt, sau lưng là núi cao sừng sững.

Sau ông Smith, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện về tận đây để giúp đỡ bà con. Giờ hỏi khắp dân làng, ai cũng biết đến hình ảnh cô giáo Quảng ngày ngày đi về dưới hầm đường sắt đèo Hải Vân để dạy chữ cho các em nhỏ. Cách đây một tháng, trong một chuyến về Hoà Vân cùng đoàn từ thiện, không may cô Quảng bị tàu quệt phải nằm viện. Ai cũng thấy xót xa và thương cho cô giáo đầy lòng nhân ái.

Và đi...

Ngày chúng tôi tới thăm, dân làng Hoà Vân đang tất bật cho những mẻ cá cuối năm. Ai cũng gắng làm để kiếm thêm đồng tiền cho một cái tết cận kề. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng,

Bí thư Đức phấn khởi: “Trước giờ dân làng chỉ biết quanh quẩn cùng nhau, vui tết trong yên lặng với nhau, hi vọng tết năm sau, bà con sẽ được hòa mình với cái vui nơi phố phường, cái vui của những con người không bị định kiến và hắt hủi”.

Ông Đức vui ấy là vì sang năm, dân làng Hòa Vân sẽ được chuyển lên phố ở trong các khu tái định cư để nhường lại mảnh đất, khu vườn họ đã từng sống qua với căn bệnh quái ác cho dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân. “Nghe nói khoảng cuối tháng 5 chúng tôi sẽ chính thức chuyển đi, vui hơn nữa khi chính quyền có quyết định hỗ trợ cho thanh niên học nghề để kiếm việc làm. Thế là chúng tôi không phải lủi thủi ngày hai bữa trên chiếc thuyền thúng rồi” - ông bí thư nhẩm tính.

Còn những người đã có tuổi như bà Nguyễn Thị Sen, đã sống qua cái thời buồn tủi về căn bệnh thì không khỏi lo lắng: “Được lên thành phố sống là ao ước của bọn tui, nhưng cũng thấy lo lắm, chú à. Không biết rồi dân trên đó họ có phân biệt, kỳ thị mình không nữa. Cuộc sống trên đó có đỡ hơn đây không...”. Đó cũng là nỗi niềm chung của những người dân nơi đây. Những người già như ông Sanh, bà Sen, ông Bồng đã gần như sống trọn tuổi thì có cái nhìn bàng quan hơn. Còn những người vẫn còn con nhỏ như ông Tâm thì không hết nghĩ ngợi về một ngày đi. “Bây giờ bệnh cùi đã chữa được, nhưng vẫn không ít người họ ác cảm, chỉ mong sao khi lũ nhỏ lên trên đó được hoà đồng với xã hội một cách dễ dàng” - ông Tâm thở nhẹ với những lo lắng.


< Ông Võ Văn Sanh - một trong những người sống lâu nhất tại Hoà Vân.

Một ngày ở Hoà Vân thật yên ả và tĩnh lặng. Ở đây không nghe đến mùi xăng, không một mảnh kim tiêm, không có cảnh thanh niên đàn đúm om sòm. Người dân Hoà Vân với bản tính khiêm nhường và chịu khó luôn cặm cụi với công việc. Phải đến, phải rỉ rả câu chuyện với người dân mới thấy được cái đẹp của một vùng đất chưa bén mùi gió bụi ở thị thành. Bên kia vịnh Đà Nẵng, thành phố mới đang trỗi dậy từng ngày. Và rồi cũng đến lúc nó vươn mình để thổi vào ngọn gió mới cho những vùng đất còn trong lặng lẽ này. Nhấp một chén nước chè, ông Đức tâm sự: “Di dân là một chủ trương tốt của thành phố để phát triển kinh tế. Nhưng cũng mong sao sau cái sự di dời đó, người dân Hoà Vân được đổi thay và có cuộc sống tươi đẹp cũng như mảnh đất này”.

Rồi, như luyến tiếc về một điều gì, đôi mắt xa xăm ông khẽ nhấp miệng: “Về làng Vân ta hát bài ca/ Chiều nghiêng bóng in trên xóm làng/ Em bé thơ chiều về lên rẫy/ Từ sáng đến chiều học tập thi đua/ Yêu biết bao Hoà Vân thương mến/ Vang mãi trong ta tình yêu dạt dào”. Không luyến tiếc sao được khi phải rứt áo giã từ mảnh đất đã cùng sống với họ qua bao thăng trầm. Không nhớ sao được khi những giọt mồ hôi của họ đã rỉ xuống đất này. Không thương sao được khi mỗi đêm nhớ sóng vỗ về, họ đã từng quằn quại và đớn đau với những cơn bệnh giày vò cơ thể.

Bến đò ra lang Hoà Vân:


Chiều dần xuống, trai tráng Hoà Vân lại chuẩn bị thuyền nan ra vịnh cho một chuyến cá về. Trước khi đi, ông bí thư còn nói vọng: “Tết này ghé lại chung vui cùng chúng tôi nhé. Mọi thứ đã chuẩn bị cả rồi, nào nem chả, nào bánh trái. Còn có hội bài chòi, văn nghệ nữa. Vui lắm!”.
Tôi biết, trong ánh mắt háo hức của con người này còn chất chứa bao nhiêu kỳ vọng nữa. Một mùa xuân trên vùng đất mới, một mùa xuân cho mỗi người dân Hoà Vân. Một ngôi làng của những bệnh nhân phong sẽ chỉ còn trong tiềm thức!

- Theo Laodong, internet