Xuân nơi địa đầu xứ Nghệ
< Đến chợ biên, chưa thưởng thức đặc sản gà nướng xem như... chưa đến.
Từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), vượt hơn 20km cung đường uốn lượn giữa các sườn núi, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đúng ngày phiên chợ vùng biên.
Ước mỗi tháng có 10 phiên chợ
Chợ biên cách cửa khẩu nước bạn Lào khoảng 1km, thuộc bản Đỉnh Đam, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (CHDCND Lào). Chợ biên mỗi tháng chỉ họp 2 phiên, mỗi phiên 2 ngày (ngày 14-15 và 29-30 hàng tháng) nên người dân trong vùng đến mua bán rất đông.
Điểm khác biệt của chợ biên Đỉnh Đam so với các chợ khác là người mua, người bán có thể lưu hành cả tiền Việt và tiền Lào,, có thể trao đổi bằng hai thứ tiếng.
< Khung cửi luôn gắn bó với chị em bản Na.
Ngoài hàng thông thường, gà đen và cải Mông là đặc sản đối với người Việt, thì cá biển lại là đặc sản với nước bạn. Gian hàng thổ cẩm luôn là điểm "níu chân" khách hàng. Váy áo và trang phục của dân tộc Mông là một trong những mặt hàng chạy nhất. Đến chợ biên Đỉnh Đam, mọi người có thể thoả thích ngắm, thử và trả giá các mặt hàng, nếu không mua, người bán không tỏ ý mất lòng.
Tới gian hàng ẩm thực, Vi Thị Thanh - cô gái Thái bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm- hướng dẫn viên ghé tai tôi: "Đến chợ biên mà chưa thưởng thức món thịt gà đen nướng thì coi như… chưa đến". Quả thật, trong cái lạnh tê buốt được ngồi cạnh bếp than hồng rực, thưởng thức món gà nướng thơm phức, nóng giòn cùng đĩa xôi bốc hơi nóng hổi, nhâm nhi chén rượu nếp thơm nồng không có gì thú vị hơn.
Mè Nang - bà chủ quán người Lào nói khá sõi tiếng Việt nói: "Tết đến, trai gái khắp các bản làng đến chợ mua quần áo mới. Cuối phiên chợ, họ thổi khèn, thổi sáo, cùng nhau uống rượu cần, múa hát, ném pao, ném còn. Nhiều người bảo ước gì mỗi tháng có 10 phiên chợ".
Rộn ràng tiếng thoi
< Gian bày bán trang phục dân tộc Mông níu chân nhiều khách hàng.
Rời phiên chợ Đỉnh Đam, chúng tôi về bản Na và bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập, nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng Kỳ Sơn. Thời điểm này, hạt lúa đã nằm yên trong bồ, ruộng - rẫy đang chờ đến kỳ gieo cấy nên chị em tranh thủ ở nhà dệt vải. Nghề dệt nơi đây có từ lâu đời, trải qua thăng trầm, giờ đây có cơ hội phát triển. Năm 2004, Chi hội Phụ nữ bản Na đã thành lập tổ dệt, hiện có 60 hội viên.
Chị Lô Thị Mai - Tổ trưởng Tổ dệt hướng dẫn chị em dệt nhanh, dệt đẹp, phối màu, trang trí hoa văn và gom sản phẩm của các chị trong bản đem đến chợ biên, chợ Huồi Tụ, chợ Mường Lống, xuống Tương Dương, Con Cuông bán giúp.
Chị Mai tâm sự: "Con gái bản Na biết dệt cửi từ lúc 12 tuổi. Con gái Thái, dệt vải, thêu thùa giỏi sẽ có nhiều chàng trai ngấp nghé dưới sàn". Chị Mai lúc còn trẻ dệt vải vừa nhanh, vừa khéo nên được nhiều chàng trai đem lòng yêu mến. Nhưng duyên trời sắp đặt, một lần chị xuống xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, gặp anh Lô Văn Bính rồi kết duyên vợ chồng. Sau ngày cưới, vợ chồng chị trở về bản Na sinh sống. Những lúc cuộc sống khó khăn nhưng chị Mai vẫn không rời khung cửi.
< Thiếu nữ Lào ở phiên chợ Đỉnh Đam.
Chị Mai bảo, theo tục lệ, cô dâu Thái trước khi về nhà chồng phải chuẩn bị váy, áo, khăn, chăn, nệm để làm hồi môn. Vì thế, từ bé, các cô đã biết lên rừng hái bông lau về làm nệm, dệt cửi, thêu thùa. Ngày lên rẫy, đêm về các cô miệt mài bên khung cửi, để rồi hiên nhà sàn trở thành nơi hò hẹn của lứa đôi.
Chúng tôi gặp cô gái 18 tuổi Vi Thị Chai - thành viên trẻ nhất của tổ dệt khi em đang phác họa những đường nét hoa văn trên chân váy. Chai giải thích: "Đây là hình mặt trời, còn đây là đồng cỏ với những chú bò thong dong gặm cỏ, đàn chim đang chao lượn...".
Chia tay Kỳ Sơn, sắc hoa đào Mường Lống, sắc hoa ly Huồi Tụ và Na Ngoi đang nở rộ. Tiếng thoi lách cách. Phiên chợ biên thắm thiết nghĩa tình đã làm nên nét xuân miền biên ải...
- Theo Danviet
0 nhận xét: