Xuân sớm trên nẻo đường Tây Bắc

Trở về Tây Bắc dịp này, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang hòa mình vào bữa tiệc của núi rừng bên bản Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La. Tết của đồng bào Mông đến sớm hơn tết đồng bào miền xuôi một tháng. Song, như thế, không phải xuân tàn ở Tây Bắc thì mới bắt đầu cuộc du xuân của miền xuôi. Mà đó chỉ là dịp khởi đầu cho một cuộc du xuân bất tận trên nẻo đường xuân sớm ở Tây Bắc.

Đón xuân bằng những chiếc bánh chưng, đó là tục cổ truyền của cha ông người miền xuôi. Còn giã bánh giầy là việc làm không thể thiếu trong ngày tết của đồng bào Mông ở cửa ngõ Tây Bắc. Chiếc bánh giầy không chỉ là món ăn mà còn cất lên tiếng nói mùa màng của dân bản.

Năm nào thời tiết khắc nghiệt, mùa màng kém, bánh giầy thiếu trắng và dẻo dai. Năm nào mưa thuận gió hòa, bánh giầy ngon và giã chóng được.

Bao giờ cũng vậy, 6 cặp bánh đầu tiên được gói nhanh trong cuộn khói nóng còn đang nghi ngút bốc ra từ cối giã. Bánh dâng lên trời đất và vị thần mùa màng của dân bản nên phải được gói thật đẹp mắt, vừa vặn. 6 cặp bánh gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Việc hành lễ như vậy coi như đã xong, những chiếc bánh còn lại xếp vào hũ gỗ pơ mu đậy kín lại để ăn và thết đãi khách quý.

Ngược Tây Bắc, ta lắng lại ở Loóng Luông mới thấy hết được vẻ đẹp của phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Mông.

Gạo nếp để giã bánh giầy được người già nhặt sạch sẽ sạn, trấu… rồi ngâm vào nước ấm từ đêm trước. Sáng sớm tinh mơ các cô gái đã dậy vớt lá chuối rừng ngâm trong nước, rồi hong dựng những bó lá cho khô mà không bị rách.

Khi cơm nếp nấu trong bếp thơm nồng tỏa ra vườn đào thì các chàng trai sức vóc thay phiên nhau giã. Giã cho đến khi nhuyễn ra thành bột dẻo, khi nào cụ bà có kinh nghiệm làm bánh nhất bản lấy tay véo thử xem những hạt cơm đã quyện thành thứ bột dẻo chưa, nếu ánh mắt cụ vui thì coi như mẻ bánh đã ngon lành…

Khách đến vào những ngày tết ở Loóng Luông không những bị say trong men rượu ngô đặc sản mà còn say tình người… Đã vào bản rồi mà không say thì chưa thật cái bụng. Đó là theo cái lý của đồng bào Mông.

Ngày tết có khách đến thăm nhà là điều đáng quý và khách còn được họ cảm tạ bởi đã mang may mắn đến với bản. Cái bụng của đồng bào Mông đã ưng rồi thì khó có vị khách nào tỉnh táo bởi những bát rượu chứa chan.

- Theo ANTĐ, internet