Làng 'Hậu Nghệ' giữa đại ngàn

Giữa núi rừng Đông Giang, làng Bhoong xã Sông Kôn được gọi là làng xạ thủ bởi làng lưu giữ truyền thuyết về tài nghệ bắn cung và sản sinh ra những xạ thủ tài ngang Hậu Nghệ trứ danh mang về nhiều huy chương cho Quảng Nam...

Hạ gục hổ dữ chỉ với 1 mũi tên

< Làng Bhoong trong lễ hội đâm trâu mừng lúa mới.

Làng Bhoong 1 nằm giữa núi rừng Trường Sơn. Mưa mùa đông, con đường từ thị trấn Prao - huyện Đông Giang dẫn vào Bhoong trở nên sình lầy, xe máy phải chào thua bởi bùn ngập sâu gần nửa bánh. Ngôi làng nép mình sau dãy núi cao, rừng xanh nguyên sinh bạt ngàn. Khu rừng từng là nỗi ám ảnh của dân làng Cơ Tu trước đây với nhiều mãnh thú...?

Chuyện về xạ thủ làng Bhoong, già làng Briu Brăm, 81 tuổi - nguyên Chủ tịch huyện Hiên (cũ) là người nắm rõ nhất. "Chiếc Pananh (nỏ) từng hạ con hổ chỉ bằng một mũi tên vẫn còn ở Bhoong. Bríu Cơ Tí'r đã qua đời mấy năm nay, nhưng huyền thoại về già sống mãi", già Brăm nói.


< Chiến lợi phẩm của Bríu Cơ Tí'r vẫn còn lưu giữ tại ngôi nhà của già từng sống.

Ngôi nhà của già làng Bríu Cơ Tí'r nằm gọn gàng sạch sẽ cạnh nhà Gươl của thôn. Già được dân làng kính trọng và nể phục nhờ tuyệt đỉnh bắn cung của mình. Ngôi nhà xưa của già Bríu Cơ Tí'r nay là nơi ở của vợ chồng con trai Bríu Thiện. Trên mái, treo đầy những sọ thú - chiến lợi phẩm đi săn của Bríu Cơ Tí'r từ thời trai trẻ năm nào còn giữ lại.

Dân làng Bhoong nhớ như in chiến tích của Bríu Cơ Tí'r, người đàn ông Cơ tu duy nhất bắn hạ hổ chỉ bằng một mũi tên. "Con hổ Bríu Cơ Tí'r bắn hạ, bản phải cử thanh niên lên đưa về. Dịp ấy, bản Bhoong ăn mừng, múa hát suốt 2 ngày 2 đêm" - già làng Rríu Lài (70 tuổi) cho biết.
Già làng Bríu Prăm kể: "Hôm ấy Cơ Tí'r đi săn sóc, săn heo nên chỉ mang theo một chiếc pananh và bó tên, trong đó có mấy mũi tên tẩm độc Ch'pơơr. Vậy mà gặp hổ, ông ấy không ngần ngại rút tên tẩm độc nhằm tử huyệt mà nhả tên, con hổ chết ngay".

Dạo ấy, nhờ bắn được hổ mà tiếng tăm Cơ Tí'r vang khắp vùng cao Đông Giang, Tây Giang. Dân làng thì ca ngợi hết lời về chiếc nỏ có một không hai của Cơ Tí'r. Bởi ông chính là người trước đó đã đùm cơm lặn lội đi bộ sang tận xã Zuôih, Nam Giang để kiếm cho được cây "toong pananh", loại cây rắn chắc, vỏ cây giống màu da trăn để làm nỏ và học cho được công thức chế tạo nỏ của các già làng ở Nam Giang.


< Xạ thủ Bríu Đô cùng với những huy chương mà ông giành được sau các kỳ thi.

Chiếc nỏ được trả giá bằng một con bò đực nhưng ông nhất định không bán, mà lưu giữ như kỷ vật thiêng liêng và giao lại cho con trai Bríu Thiện. Chiếc nỏ được Bríu Thiện gìn giữ đến hôm nay cùng bó tên của cha mình truyền lại.

Bríu Thiện lấy chiếc nỏ cho chúng tôi xem. Chiếc nỏ được treo ở vị trí trang trọng trong nhà. Nâng niu chiếc nỏ, Bríu Thiện kể: "Chiếc nỏ theo cha tôi những ngày dài đi săn, nó mang không biết bao nhiêu con heo rừng, mãnh thú về cho dân làng cùng ăn. Bí quyết chế tạo, sử dụng pananh, cha tôi truyền lại cho chúng tôi hết.
Nhưng riêng về công thức chế những mũi tên tẩm kịch độc Ch'pơơr thì ông nhất quyết giữ kín, chỉ để lại bó tên 50 mũi tên đã tẩm sẵn kịch độc thôi".
Mũi tên tẩm Ch'pơơr cũng đã nhiều lần giúp ông Thiện mang từ rừng sâu về những con heo, con mang nặng cả tạ từ rừng sâu.

Xạ thủ làng tầm quốc gia

Không chỉ sản sinh ra huyền thoại Bríu Cơ Tí'r cùng chiếc nỏ độc đáo, làng Bhoong 1 còn sản sinh ra những vận động viên bộ môn bắn cung, bắn nỏ của đất Quảng Nam. Họ - những xạ thủ làng đều ít nhất được vài lần đại diện cho tỉnh Quảng Nam tham dự các đại hội thể dục thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc.
Bríu Thiện nói: "Từ trước đến giờ, tôi đi thi cho huyện, cho tỉnh tổng cộng 17 lần rồi. Thi huyện thì chỉ có giấy khen thôi, thi ở tỉnh giành được 5 huy chương vàng, còn huy chương bạc, huy chương đồng cũng có, không nhớ nổi là bao nhiêu cái nữa".

Đã 57 tuổi nhưng Bríu Thiện thỉnh thoảng cùng con trai vác nỏ, đeo tên đi săn con chim, con thú. Các con trai ông Thiện là Bríu Bê (30 tuổi) và Bríu Bút (27 tuổi) cũng thừa hưởng được khả năng của cha, lại được cha tận tình truyền dạy nên cũng là một trong những vận động viên nổi tiếng của huyện Đông Giang và tỉnh Quảng Nam.
Hai anh em Bê và Bút đều sưu tập cho mình 2-3 huy chương vàng trong những lần đại diện cho tỉnh đi thi đấu. Ngoài tài sử dụng nỏ, Bríu Bê là một trong số ít người có khả năng chế tạo nỏ đạt tới độ chính xác cao nhất, và là thanh niên duy nhất biết làm thuần thục chiếc nỏ pananh truyền thống của người Cơ tu.

< Ông Bríu Thiện biểu diễn lại cách phục trang khi đi săn cùng với chiếc Pananh huyền thoại.

Trong Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VII (khu vực 2) năm 2011 tại thành phố Tam Kỳ, Bríu Đô (57 tuổi) một người con của Bhoong là vận động viên lớn tuổi nhất giải. Bríu Đô và con gái là Bríu Thị Đợi (22 tuổi) đã đưa về cho đoàn Quảng Nam 2 huy chương vàng và một huy chương bạc ở nội dung đứng bắn và quỳ bắn.

"Chiếc nỏ mình đang dùng đã 2 lần được đi thi, mang về tất thảy 8 huy chương vàng và bạc. Nó là chiếc nỏ được nhiều người mượn nhất. Bởi khi dự thi, ai cũng để mắt đến nên vừa thi xong là đoàn khác chạy qua mượn ngay vì nó bắn chính xác nhất", Bríu Đô kể về chiếc nỏ tự tay ông làm ra mang về niềm tự hào cho cả xã Sông Kôn và huyện Đông Giang.

Hỏi xạ thủ Thiện, Đô, Bê… bây giờ dân làng còn vào rừng săn bắn không. Tất thảy lắc đầu: “Không”. Bríu Thiện nói thêm: “Dân làng không đói như xưa. Mà đi săn bây giờ là trái pháp luật, con thú trong rừng ít dần đi. Mình chỉ thích được đem nỏ đi thi đấu, vừa được huy chương, vừa có tiền cho con đi học; và nhất là được lên tivi, lên báo”.

Trong giải đấu vừa qua, những xạ thủ làng Bhoong thi đấu, đài truyền hình Quảng Nam tiếp sóng tường thuật trực tiếp. Các xạ thủ đoạt huy chương vàng. Cả làng ăn mừng, nhảy múa tưng bừng.

- Theo Tienphong