Độc đáo lễ hội tắm nước đền Và
Hội được tổ chức trong không gian chính là đền Và (tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) – nơi thờ Đệ nhất Phúc thần Tản Viên - vị tổ của bách thần, còn gọi là Nam thiên Thần tổ, vị thần trong tứ bất tử của truyền thuyết nước Nam. Tính độc đáo của lễ hội còn được nhân lên bởi phạm vi diễn ra lễ hội rộng suốt từ Sơn Tây (Hà Nội) tới huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Theo truyền thuyết vào ngày 14 tháng giêng (không rõ năm nào), Sơn Tinh đến vùng ven sông, ngài dừng chân nghỉ ngơi, vừa lúc đó có một cô gái gánh sọt qua, ngài ngỏ ý nhờ cô gánh nước mát lấy từ giữa dòng sông để tắm.
Cô gái ôn tồn thưa rằng: “Gánh nước cho tướng quân tắm, tôi đâu có ngại, nhưng sọt này làm sao mà đựng nước được”. Ngài liền bảo: “Cứ dùng sọt mà gánh”. Cô đã làm theo, lạ thay đôi sọt lại đựng được nước. Ngày hôm sau, cô gái ấy đã ra chỗ ngài tắm, lẳng lặng hoá thân ở đấy. Mấy hôm sau, mối đùn phủ kín thi hài cô.
Để nhớ ơn cô gái gánh nước cho mình tắm, ngài đã báo mộng cho dân làng rước thi hài cô về mai táng và xây đền thờ. Đền ấy được gọi là đền Dội, toạ lạc bên bờ sông Hồng, thuộc xã Ngư Bình, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Từ đó cứ 3 năm một lần vào các ngày từ 14 - 17 tháng giêng, nhân dân lại tổ chức lễ hội lớn gọi là chính lễ. Trước khi lễ thánh, dân làng tổ chức rước bài vị thánh qua sông Hồng đến đền Dội để làm lễ tắm ngai. Nước được lấy ở giữa sông Hồng vào buổi sớm ngày rằm tháng giêng. Dân làng chèo thuyền có đặt chóc nước ra giữa sông lễ tế rồi cầm cây gậy đầu có một vòng tròn bằng thanh tre, để vòng tròn ấy ra mặt nước để ngăn không cho bụi bặm pha tạp trên mặt nước lẫn vào và múc nước trong vòng tre đó cho vào choé, rước về đền Và làm lễ bao sái các vị thần.
Để tổ chức cuộc rước lớn trong những năm chính lễ có 8 làng tham gia, bao gồm: Vân Gia, Cầu Trì, Mai Trai, Nghĩa Phủ, Đạm Trai (xã Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội); Phú Nhi (phường Phú Thịnh); Phù Sa (xã Viên Sơn); thôn Di Bình, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Chiều 14 tháng giêng, dân các thôn rước kiệu của thôn mình về để dàn ra trước sân nhà tiền tế của đền Và. Khoảng 1 đến 2 giờ ngày 15, bắt đầu tổ chức lễ. Đến khoảng 3 giờ thì phụng nghênh long ngai ra ngoài kiệu chính.
Khi rước, kiệu chính đi trước, đến kiệu văn, sau đó là kiệu long mũ của tam vị, tiếp đó là kiệu hương hoa, oản quả của các thôn. Đám rước sẽ đi qua cầu Cộng vào thành phố Sơn Tây, tới cổng thành cổ, các cỗ kiệu quay một vòng mới rước qua các làng Phù Sa - Phú Nhi và ra phía bờ sông Hồng. Các cỗ kiệu lần lượt xuống thuyền qua sông. Đám rước sang tới bờ tả sông Hồng thì từng cỗ kiệu được đặt yên vị trước ban thờ tam vị Tản Viên để cùng vào đền. Mọi người vui chơi ở bãi sông cho tới chiều hôm khi thấy lá cờ tứ linh gặp gió thổi phất đuôi cờ về phía nam, thì các cụ tế triệu hồi đưa kiệu đồ tế, đồ rước trở lại đền Và yên vị trước sân tiền tế.
Ngoài phần lễ trang nghiêm còn có phần hội với các trò chơi dân gian như đánh cờ người, đánh vật, chơi gà chọi, cùng các tiết mục văn nghệ với các bài dân ca mang đậm nét đặc trưng văn hoá xứ Đoài...
- Theo Nguyễn Lộc, Laodong
0 nhận xét: