Bí ẩn hang Gió ở Bắc Giang
< Hang Gió nằm trên một quả đồi cao và cách khu dân cư hơn nửa ngày đi bộ.
Thấm đẫm màu sắc huyền bí
Theo ông Nông Văn Lon (bản Nà Hin, xã Vân Sơn), Piêu Ngược là một con vật không có thật. Trong quan niệm của người dân địa phương, Piêu Ngược giống như con thuồng luồng hay con rồng. Nó rất ít khi xuất hiện, nhưng nếu xuất hiện thì sẽ gây ra sự chết chóc cho dân lành.
Ngoài ra, hang Piêu Ngược còn có một tên gọi khác, đó là hang Gió. Bởi vào mùa mưa hằng năm, ở hang Piêu Ngược luôn phát ra một luồng gió mạnh cùng với nước. Gió được thổi ra từ một cái lỗ nằm ở chính giữa hang. Trong khi đó, lỗ hang lại cắm sâu xuống lòng đất, vì vậy điều này càng làm cho nó trở nên rất huyền bí.
Trước đây, đã có nhiều người dân địa phương đi tìm lời giải cho những luồng gió phát ra từ cửa hang mỗi mùa mưa về. Họ đi thám sát tất cả những dãy núi xung quanh xem có cái hang nào khác ăn sâu xuống lòng đất không. Vì họ nghi ngờ có một cái hang khác thông với Piêu Ngược và hút những ngọn gió trời rồi đẩy về phía Piêu Ngược.
Tuy nhiên, mọi tìm kiếm của người dân bản địa đều thất bại và không thể tìm ra lời giải. Có lẽ, do không tìm ra lời giải cho những luồng gió lạ phát ra từ hang Piêu Ngược, nên người dân đã thần thánh hóa hang này lên bằng một câu chuyện thấm đẫm màu sắc Liêu Trai.
< Ông Nông Văn Lon bên miệng hang Gió kỳ lạ.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa ở Nà Hin có một vợ chồng nông dân sinh được một cô con gái đẹp nhất vùng. Khi nàng tròn 16 tuổi đã có rất nhiều người đàn ông mơ ước cưới được nàng. Trong số đó có con trai vua thủy tề.
Do sợ con gái mình vì có nhiều người tranh nhau mà gây ra họa lớn, vợ chồng người nông dân liền đem con gái lên trên một đỉnh đồi cao và đậy cái thúng lại nhằm giấu con gái. Sau đó, vợ chồng người nông dân ung dung trở về nhà nói với những người đến hỏi cưới nàng rằng con gái mình không có nhà.
Thế nhưng, ngày hôm sau khi vợ chồng người nông dân lên đỉnh đồi đưa cơm cho con gái thì không thấy nàng đâu nữa. Lúc lật thúng lên thì thấy có một cái lỗ sâu hoắm, ở miệng cái lỗ đó phát ra một luồng gió mạnh.
Từ đó người dân tin rằng, con trai vua thủy tề đã "độn thổ" lên bắt mất con gái của người nông dân đi và cái lỗ đó người dân đặt cho cái tên là hang Gió.
Mặc dù câu chuyện về hang Gió chỉ mang tính huyền bí và hư cấu, nhưng đằng sau câu chuyện đó là một hiện tượng rất khó lý giải và chưa ai cất công đi tìm lời giải một cách khoa học. Đó là tại sao lại có gió thổi lên từ lòng đất?
"Đục lỗ" bắt con gái nhà lành
Ông Nông Văn Lon kể: Vào mùa mưa, nước từ các mạch ngầm đổ về Piêu Ngược làm cho cái hang lúc nào cũng ùng ục nước. Nhưng có điều, nước trong hang chưa bao giờ tràn ra ngoài, mà nó chỉ sủi ùng ục như sôi cho đến khi nào cạn nước mới thôi.
Khi còn nhỏ, ông Lon nghe ông, bà kể: Có một người dân đã làm một thử nghiệm. Đó là thả ba trái bưởi xuống hang Gió vào mùa mưa. Sau đó vài ngày, người dân này thấy ba quả bưởi chảy ra ba vị trí khác nhau. Một quả chảy ra con suối ngay dưới chân đồi, cách miệng hang chừng 6km. Quả thứ hai trôi ra một thung lũng cách miệng hang khoảng 3km. Quả thứ ba trôi ra vũng Vườn Hoa thuộc địa phận xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động. Điều đáng nói là vũng Vườn Hoa cách hang Gió trên 10km và nằm ở một vùng nước quẫn trên sông Lục Nam.
Có người nói rằng, quả bưởi thứ ba trôi xuống vũng Vườn Hoa thì biến đi đâu mất, dân làng chia nhau đi tìm nhưng chẳng ai thấy. Về sau tại đây người dân đã lập một đền thờ để thờ cúng thủy thần, và cầu mong bình yên cho dân lành.
< Tại vũng Vườn Hoa người dân đã lập nên đền thờ thủy thần.
Có một điểm chung là ba quả bưởi đều xuất hiện ở hạ nguồn, nơi có sông, suối. Điều này giúp nhiều người đi đến kết luận, hang gió có mạch thông với sông Lục Nam và khu vực xung quanh. Đồng thời, điều này cũng làm cho người dân tin rằng, con trai vua thủy tề đã "đục lỗ" để bắt cóc con gái của gia đình nông dân nghèo ở bản Nà Hin.
Ông Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn thừa nhận: Những câu chuyện kỳ bí liên quan đến hang Gió ở bản Nà Hin là có tồn tại. Nhưng có lẽ đó là câu chuyện mà người xưa để lại nhằm dọa con nít. Chuyện ba quả bưởi từ hang Gió trôi xuống ba nơi khác nhau là có thật, nhưng cần phải kiểm chứng lại để có được cách giải thích khoa học, đúng đắn để người dân hiểu hơn về hang Gió và biết quý mến những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng.
Ông còn kể: "Ngày còn bé, tôi đi chăn trâu lên đến hang Gió. Nghe người lớn nói là trong hang có thuồng luồng nên tôi rất tò mò. Mặc dù hơi sợ nhưng tôi vẫn xuống xem. Xuống đến nơi thì khắp cơ thể đã bị vắt bâu đầy. Tôi nhìn xung quanh chỉ thấy có mỗi cái lỗ hang sâu hoắm mà người không thể chui vừa. Ngoài ra tôi chẳng thấy gì thêm nữa".
Sự nổi tiếng của hang Gió còn được người dân tộc Tày đưa cả vào trong những câu hát hằng ngày, trong các lễ hội và ngày Tết.
- Theo Thái Dương, BEE
0 nhận xét: