Những 'bàn chân tiên’ bí ẩn
< Những khối đá mọc lên giữa cánh đồng bằng bằng phẳng, nơi có "dấu chân Cao Biền".
Từ đồng bằng đến vùng núi, miền biển Việt Nam; trên những vách đá hay thậm chí vùng đồng bằng... những dấu chân này đều mang đến cho người ta hoặc cảm giác thán phục vào sự tài tình của tạo hóa, con người khi lại khiến người ta trầm lặng trước những bí ẩn của cõi hư không.
Dấu chân in dấu Cao Biền
11 khối đá đen, với nhiều hình thù kỳ quái, trong đó có những khối mang hình dáng dấu chân người tại cánh đồng làng Yên Lạc (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) khiến nhiều người rất tò mò xen lẫn sự thành kính. Không ít người dân địa phương quả quyết, đây chính là dấu chân của viên tướng Cao Biền ...
< Ông Dậu đang chỉ cho phóng viên những vệt đá giống dấu chân người.
Các khối đá này nằm giữa cánh đồng bằng phẳng làng Yên Lạc với rất nhiều hình thù và kích thước khác nhau, tạo thành hình tam giác. Xung quanh những khối đá này có cây cối mọc um tùm. Trong số đó, có ba khối rất lớn, mặt phẳng, trên đó có nhiều vết lõm như dấu chân người. Những hình này được khắc lõm sâu một cách tự nhiên trên bề mặt đá, không có dấu hiệu tác động của con người.
Vết đá giống bàn chân phải trên mặt một khối đá có chiều dài 50cm, bề ngang đoạn tương ứng với ngón chân rộng 28cm. Điều đặc biệt là vết đá này có một phần trồi ra như ngón chân cái nên càng nhìn kỹ càng thấy giống bàn chân người. Vệt đá giống hình bàn chân trái có kích thước nhỏ hơn, chiều dài khoảng 40cm, ngang 23cm, sâu 14cm.
< Vệt đá giống bàn chân phải.
Người ta đồn rằng, đó là vết chân của viên tướng Cao Biền bên Trung Quốc xa xưa. Chuyện kể rằng, Cao Biền là viên tướng rất am tường địa lý, phong thủy. Khi được vua nhà Đường (Trung Quốc) cử sang làm tiết độ sứ, cai quản xứ Giao Châu (miền Bắc Việt Nam ngày nay), viên tướng này chợt “giật mình” trước long mạch của vùng đất Giao Châu. Lo ngại vùng đất này sẽ phát vương (vua), Cao Biền đã tìm cách triệt hạ những nơi có long mạch.
Khi đi ngang qua vùng Yên Lạc, Cao Biền nhìn thấy ở trên mặt đất đang có một quả núi nhô lên, địa thế phát sinh long mạch nên đã yểm triệt, rồi dùng... chân dẫm nát quả núi này. Chính vì vậy, trên mặt đá mới có hình vết chân người...
Theo ông Dậu, nguyên Chủ tịch xã Cần Kiệm cho biệt, trong thần tích của làng Yên Lạc không nói gì đến ba khối đá (trong 11 khối đá) trên nhưng ngọc phả của làng bên cạnh thì có nhắc đến. Vì thế vào các ngày lễ hội của làng, người dân vẫn xướng danh các khối này là "thạch sơn thập nhất đế" trong bài văn khấn cúng.
Hai bàn chân khổng lồ ở Phú Thọ
Người dân ở Việt Trì (Phú Thọ) không khỏi xôn xao khi phát hiện dấu một bàn chân khổng lồ nằm trên một tảng đá lớn ngay cạnh bờ sông Lô, thuộc tổ 25, phường Bến Gót.
Vết chân khổng lồ trên tảng đá được nhìn thấy khi nước sông Lô cạn kiệt, có chiều ngang chỗ rộng nhất là 1,3m và chỗ hẹp nhất là 0,9m. Gót chân đo được độ sâu là 0,35m. Kích thước các ngón chân cũng lần lượt là: ngón cái có chiều dài 0,45m, các ngón sau chiều dài lần lượt giảm dần. Ngón út có chiều dài là 0,2m. Các ngón chân hướng vào bờ, gót chân phía ngoài lòng sông, trong tư thế một người vừa bước từ dưới sông lên. Đặc biệt, trên bề mặt vết chân này vẫn còn để lại dấu tích chứng tỏ những vết đục do con người tạo nên.
Điều đáng ngạc nhiên là đối diện bên kia sông, khu vực chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc, Việt Trì) còn có một vết chân khổng lồ tương tự. Bàn chân này có từ khá lâu và hoàn toàn do con người tạo ra, được đắp cẩn thận bằng bê tông và cũng mô phỏng theo bàn chân của người Giao Chỉ xưa.
Một người dân sống ở đây cho biết, năm 2007 khi hoàn thành xong việc trùng tu chùa Đại Bi, có một nhóm thợ đến đổ nên vết chân ấy. Và cũng theo người đàn ông này thì trước ở khu vực này cũng có vết chân khổng lồ nhưng giờ đã bị nước rửa trôi vì thế người ta mới xây nên một vết chân giả mô phỏng lại những câu chuyện trong truyền thuyết….
Chân Tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Núi Chân Tiên ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một tronh những địa danh có nhiều dấu chân in trên đá nhất.
Người ta cho rằng, đây vốn là nơi núi non đẹp, cây xanh bong mát chẳng khác gì chốn bồng lai nên là là nơi các Tiên ông thường dắt các Tiên đồng, Tiên cô xuống núi này vui đùa. Các Tiên ông ngồi bên tảng đá đàm đạo và đánh cờ. Các cô Tiên thi chạy nhảy tung tăng vui đùa từ tảng đá này sang tảng đá khác và đề lại các dấu chân trên đá cho đến bây giờ. Cũng chính vì thế nên người ta gọi núi này là núi Chân Tiên.
Ngày nay, đến thăm núi Chân Tiên, du khách sẽ được tận mắt rông thấy những dấu chân người in trên đá. Ở vách đá phía tay trái của lối vào, trên một quần thể khá đẹp, người ta thấy dấu vết đôi bàn chân giống như chân của một thiếu nữ nhỏ bé xinh xắn để lại, đến nay vẫn còn hằn sâu trên đá.
Đi theo một dốc bậc thang đá lên phía trên. Qua nhiều tảng đá khác và leo lên đỉnh cao nơi có miếu thờ bà “Cửu Thiên Huyền Nữ” sẽ thấy có một bàn chân nhỏ bé xinh xắn rõ nét hơn in đậm và sâu trên vách đá của miếu thờ. Bên dưới bàn chân đó, người dân đã lập một bàn thờ nho nhỏ đề thờ cúng các vị thần tiên đã có dịp về đây du ngoạn.
Xuống phía sau miếu Mẫu là một bàn cờ trên một phiến đá bằng phẳng gọi là bàn cờ tiên, nơi các vị Tiên ông ngày xưa chơi cờ. Cạnh bàn cờ tiên là dấu chân trên vách đá. Bàn chân này lớn hơn, nên được gọi là bàn chân của các Tiên ông.
Dấu chân trên đá lớn nhất Việt Nam
Dấu chân được in rõ trên một hòn đá khá lớn, cao khoảng 20m đặt tại chùa Bà, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Đây được cho là bàn chân trái với 5 ngón. Ngón cái dài 5cm, ngang 5cm, các ngón còn lại dài 1,5cm... Từ gót đến đầu ngón cái dài 4m, chiều ngang phần gót chân 50cm, ngang phía trước bàn chân 1,65m, chiều sâu 2,5cm.
Dấu chân này hình thành từ lúc nào chưa xác định được, chỉ biết có từ rất xa xưa và được đặt tên là "Bàn chân tiên", thu hút sự quan tâm của du khách gần xa khi đến An Giang. Mới đây, bàn chân này đã được Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận là dấu chân trên đá lớn nhất Việt Nam.
Vết chân tiên dưới chân núi Đọ
Núi Đọ nằm trên địa bàn xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa soi bóng hình hùng vĩ của mình xuống dòng sông Chu hiền hòa, thơ mộng. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều câu chuyện được cha ông truyền lại về vùng đất thiêng này. Đặc biệt là khu vườn bí ẩn có "vết chân tiên" mà gia đình anh Đỗ Văn Toản đang sở hữu ở xóm 8, xã Thiệu Vân.
Núi Đọ hay có tên gọi khác là núi Rùa (do khối núi có hình một con rùa nên người dân sinh sống xung quanh núi còn gọi cái tên khác là núi Rùa) là ngọn núi cao nhất đồng bằng phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa.
Cũng trên mảnh đất đó anh Toản dựng lên căn nhà cấp 4 lợp ngói 2 gian nằm sát dưới chân núi Đọ. Sau nhà là vườn cây cam, bưởi và rừng bạch đàn đang vươn lên xanh tốt.
Anh dẫn chúng tôi lên đằng sau nhà, nơi có những phiến đá đen nhẻm nằm ẩn mình dưới tán rừng cây bạch đàn trắng bạc. Anh bước lên một phiến đá to như một chiếc giường rồi chỉ cho chúng tôi xem bức hình một bước chân y như bước chân của người giao chỉ thời xưa mà theo anh từ xa xưa đến nay người dân vùng này đã đặt tên cho bước chân kỳ lạ này là "vết chân tiên".
"Khi gia đình tôi chuyển đến đây, bố tôi còn sống và kể rằng bước chân này rất giống với bàn chân trái. Ngón chân trái dài cụp ra phía ngang, các ngón khác thưa hơn với bàn chân của người bình thường. Kích thước bàn chân cũng to hơn", anh Toản lý giải về dấu chân trên phiến đá trong khu vườn nhà mình như vậy.
Anh Toản cho biết thêm, trước đây bàn chân rất rõ nét, giống như dấu vết một bàn chân thật. Nhưng cách đây một năm có một đồng chí ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến đây xin đổ thạch cao vào vết chân để lấy biểu tượng rồi đúc tượng gì đó nên "vết chân tiên" mờ đi ít nhiều.
Qua tìm hiểu những người dân sinh sống quanh khu vực có "vết chân tiên" chúng tôi bất ngờ khi được biết có ít nhất hai người ở xã Thiệu Hợp có bàn chân giống như đúc vết chân trên phiến đá. Những người dân và người sở hữu bàn chân kỳ lạ đó đều lý giải bàn chân của họ như vậy là do đi lại nhiều, leo đồi núi nhiều mà không đi dép nên như vậy.
- Tổng hợp từ Baodatviet, Canhsattoancau internet
0 nhận xét: