Ai về ghé thăm hòn Đá Bạc...
Hòn non bộ trên biển
Từ trung tâm TP Cà Mau hỏi đường đến hòn Đá Bạc, chúng tôi được người dân nơi đây chỉ dẫn rất tận tình. “Mấy chú cứ đi thẳng, tới cái ngã tư lớn phía trước thì quẹo trái. Chạy vào một đoạn rồi rẽ phải, đừng chạy thẳng luôn vì đó là đường về thị trấn Sông Đốc”- một người dân bán nước ven đường hướng dẫn. Men theo con đường đã được hướng dẫn, chúng tôi chú ý đến vài địa danh để nhớ, kẻo lạc đường khi trở về.
Mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, theo ngả Minh Hà, qua Cơi Năm, rồi chạy thẳng theo con lộ “uốn cả mấy chục cái cua quẹo” khoảng 30 cây số nữa. Hòn Đá Bạc thuộc ấp Đá Bạc B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Huyện Trần Văn Thời được biết đến khi có một phần của địa danh nổi tiếng rừng U Minh hạ, quê hương của ông vua nói dóc miền Nam- bác Ba Phi. Nếu đứng từ con đập lớn ngăn mặn ngay cửa biển Kinh Hòn thì từ xa đã thấy hòn Đá Bạc sừng sững. Nếu có chút hình tượng, hòn Đá Bạc cứ như một hòn non bộ đẹp lộng lẫy trên biển.
Hòn Đá Bạc là sự kết hợp giữa 3 hòn đảo nhỏ gồm hòn Ông Ngộ, hòn Trọi và hòn Đá Bạc, trong đó hòn Đá Bạc lớn nhất, rộng khoảng hơn 6,3ha. Hiện hòn Đá Bạc đã được đầu tư xây dựng một chiếc cầu dài khoảng hơn 300m, nối từ đất liền đến hòn ông Ngộ.
Rồi có một con đường xi măng nữa nối liền 2 hòn còn lại. Ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên là đôi rồng to lớn được xây dựng trong tư thế đùa giỡn, chào gọi du khách. Xung quanh các hòn có rất nhiều tảng đá to, nhỏ, vuông, tròn xếp chồng lên nhau. Khi trời nổi gió to, sóng biển đập mạnh vang vang tạo thành những tia nước trắng xóa, bọt nước mịn màng.
Cảnh quan thiên nhiên trên đảo còn rất hoang sơ với nhiều dây leo, cây bàng, bồ đề rợp bóng mát và còn khá nhiều loài cây nguyên sinh. Nơi đây còn có một cây xoài “lão” mà người dân quanh đây cho biết đã sống hàng trăm năm. Để hấp dẫn du khách, chính quyền tỉnh Cà Mau cũng đã đầu tư xây dựng hòn Đá Bạc thành một khu du lịch sinh thái. Du khách tha hồ leo lên các vách đá, trèo lên các cây, rồi khám phá các hình thú nhân tạo được dựng ở hòn Ông Ngộ hay tự do thả hồn theo từng con sóng biển rì rào. Trên đỉnh đối diện là đền thờ cá Ông, nơi trưng bày bộ xương cá voi khá lớn. Ngoài ra, du khách còn có thể xem người dân khai thác hàu hoặc câu cá vào mỗi buổi chiều tà...
Lừng lẫy chiến công bảo vệ Tổ quốc
Không chỉ là nơi tham quan lý tưởng mà hòn Đá Bạc còn mang nhiều chiến công quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Theo người dân địa phương, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn hòn Đá Bạc làm nơi đóng quân của cả một trung đội pháo nhằm khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây, tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Lịch sử ghi lại, ngày 7/12/1971, quân và dân xã Khánh Bình Tây đánh bại âm mưu của địch, giải phóng hòn Đá Bạc. Tuy nhiên, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tại đây đã diễn ra chuyên án CM12 (hay còn gọi là kế hoạch phản gián CM12 kéo dài từ 9/9/1981 đến 9/9/1984) đánh bại sự phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu dưới danh nghĩa “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.
Sau chiến tranh xâm lược thất bại, các thế lực đế quốc, bọn phản động quốc tế lại đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng tiếp tục sử dụng số phản động người Việt lưu vong làm công cụ cho những âm mưu đó. Cung cấp người, vũ khí, phương tiện chiến tranh từ nước ngoài vào để xây dựng “mật cứ” nhằm hoạt động gây rối, bạo loạn, cướp chính quyền, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta…
Với lòng dũng cảm, mưu trí, lực lượng vũ trang tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau) cùng nhân dân đã từng bước đánh bại âm mưu của những kẻ phản động. Từ ngày 9/9/1981 đến 9/9/1984, địch xâm nhập 18 chuyến bằng tàu biển vào huyện Trần Văn Thời. Mỗi chuyến xâm nhập đều mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ. Nhưng sau đó thất bại bằng trận đánh cuối cùng tại hòn Đá Bạc, kết thúc chuyên án. Hiện tại, hòn Đá Bạc được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia…
- Theo Vĩnh Long Online, internet
0 nhận xét: