B2 - Xuôi dòng Hương Giang

(Tiếp theo)
Đồi Vọng cảnh
.
Dòng sông Hương sau khi hợp lưu hai dòng Tả Hữu Trạch ở ngã ba Bằng Lãng xuôi về hạ lưu được vài cây số thì va vào độn Bạc (người Huế gọi các ngọn đồi thấp là “độn”).

< Từ Đồi Vọng cảnh nhìn về phía thượng nguồn sông hương.

Không xuyên qua được dãy đồi này theo hướng chảy, dòng sông đột ngột chuyển hướng theo một khúc gấp hình thước thợ. Chính ở nơi dòng sông chuyển hướng đó mà từ độn Bạc có đôi mắt nhìn lên cả một vùng phía Tây núi rừng trùng điệp, dòng sông lững lờ trôi, nhìn qua những vườn cây trái xanh tươi. Đứng trên đồi này, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương.

Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của dòng sông nổi tiếng đa tình và gợi cảm. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Cũng chính từ ý nghĩa đó, ngọn đồi này còn mang cái tên mỹ miều hơn so với tên gọi dân gian : Đồi Vọng Cảnh.

< Rừng thông và thảm hoa được trồng trên đồi Vọng cảnh.

Dưới thời Pháp thuộc, địa danh Vọng Cảnh đã xuất hiện trên báo chí và sách viết về du lịch. Theo tiếng Pháp, Vọng Cảnh viết là Colline du Belvédère. Năm 1925 hai tác giả người Pháp là L.Gaide và H.Peyssonneux đã viết trong sách Prince Kiên Thái Vương (Hoàng thân Kiên Thái Vương) như sau: “Tại vùng này người ta còn đi lên một đỉnh đồi gọi là “le Belvédère” (đồi Vọng Cảnh), từ đỉnh đồi người ta có cái nhìn bao quát rất ngoạn mục về dòng sông, theo hướng đi lên lăng Minh Mạng và lăng Gia Long; về toàn núi non bao quanh Huế”. Năm 1935 Toà Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế cũng đã in một tập gấp ghi điểm tham quan này. Cụ Dương Đình Nguyên, một người gốc Huế năm nay đã 90 tuổi, ở phường Phú Cát, thành phố Huế cho biết: “Trước năm 1930 trên đồi này đã có đài Vọng Cảnh để du khách đến đó đứng ngắm cảnh”. Một cung đường và vườn hoa nhỏ đã được xây dựng trên đồi Vọng Cảnh, chếch về phía Nam đỉnh đồi.

< Chiều nay dòng sông trở nên đục hơn ...

Thông xanh được trồng nhiều trên đồi Vọng Cảnh và đây cũng là điểm du ngoạn của tuổi học trò. Thích thú nhất là được ngồi ở sườn đồi sát bờ sông, ngắm những con đò rẽ sóng nơi sông Hương lặng lẽ chuyển dòng, nghe vọng âm của gió, của nắng, của núi đồi, sông nước, của con tim yêu thương tuổi sắp sửa vào đời. Hai vợ chồng tôi từ lúc mới quen nhau, yêu nhau đã không ít lần đến đây, cùng ngôi bên nhau, ngắm một khoảng không gian trãi rộng phía trước, ngắm dòng sông Hương lấp loáng ánh bạc phía dưới mình, mà tuyệt vời nhất là những lúc hoàng hôn trên ngọn đồi này.

Năm 2005, Đồi Vọng cảnh bỗng dưng nổi tiếng khắp nơi, cả trong nước lẫn nước ngoài, khi người ta định tiến hành Dự án Life Resort  Vọng Cảnh với số tiền 4,9 triệu USD. Dự án đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân Huế, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Không ai muốn một địa điểm tuyệt đẹp như vậy bỗng dưng trở thành một “thị trấn du lịch nho nhỏ”, nó phá vỡ đi cảnh quan của dòng sông Hương thơ mộng, và sẽ làm ô nhiễm cả nguồn nước của nhà máy nước Vạn Niên cung cấp cho cả Thành phố nằm cách đó chỉ 300m.

< Hoàng hôn trên Đồi Vọng cảnh.

Với người dân Huế, Đồi Vọng Cảnh là một điểm ngắm địa đầu lý tưởng khung cảnh thiên nhiên của Huế, là một địa danh được người xưa xem là con mắt thần, là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Huế. Nếu xét về phong thuỷ thì đó là trái tim của Hoàng long - nơi ẩn giữ tiềm tàng sinh khí của đất cố đô. Xét về văn hoá, đó là kỷ niệm gắn bó với hàng vạn lứa đôi, hàng chục vạn con người dạo bước từ nhiều đời nay.

Xét về mặt cảnh quan, có thể nói ở đất nước Việt Nam, ít có một ngọn đồi nhỏ bé tương tự nào có vẻ đẹp làm say mê lòng người đến thế. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, đồi Vọng Cảnh đã trở thành một phần không thể thiếu được của văn hoá Huế, cần thiết phải giữ gìn và xây dựng. Theo cụ Cao Đình Dương thì trước đây đã có đề nghị xây "Vọng Cảnh Lâu" cho cựu Hoàng Bảo đại trên Đồi Vọng Cảnh. Nhưng khi các vị lão thần thừa lệnh đến thắp nhang khấn vái phát quang, đã chạm phải một phiến đá có ghi hàng chữ: "Vọng Cảnh vong thân. Thất thần khiếm thị", nghĩa là nếu đồi Vọng Cảnh mất đi thì thần khí vùng đất này cũng không còn và tầm nhìn cảnh đẹp cũng mất đi.

Cũng có sự giải thích theo nghĩa khác là nếu ai phá huỷ thì sẽ bị liên lụy điên khùng (thất thần) và đui mù (khiếm thị). Người đương thời có khuynh hướng giải thích theo ý thứ hai nên sợ hãi, xin bãi bỏ lệnh phát quang xây "Vọng Cảnh Lâu" từ đó. Tuy đây chỉ là chuyện tương truyền mang tính thần thoại,  nhưng câu chuyện cũng nói lên được nỗi trân trọng và thiêng liêng của người dân Huế đối với địa danh này.

< Đồi Vọng Cảnh luôn là kỷ niệm gắn bó với hàng vạn lứa đôi, hàng chục vạn con người dạo bước từ nhiều đời nay, trong đó có cả chúng tôi.

Chiều nay chúng tôi lại trở về với Đồi Vọng cảnh. So với ngày xưa rừng thông bây giờ đã cao hẳn lên. Vẫn còn đó những chiếc lô cốt sần sùi đen trũi theo thời gian, vết tích của những năm tháng chiến tranh. Tôi lặng nhìn dòng sông và thầm so sánh với khung cảnh của nhiều năm về trước. Thật đáng tiếc, chiều nay trước mắt tôi không có những con thuyền rẽ sóng, chỉ có một con đò cắm sào giữa dòng đang khai thác cát sạn, từ chỗ đó dòng sông trở nên đục hơn, không còn cái vẻ trong xanh vốn có của nó. Ước chi …
Bâng khuâng, tôi cố vớt vát bằng cách thu gọn cảnh hoàng hôn vào trong ống kính.

Trong tâm thức người Huế, Vọng Cảnh luôn là một vùng nước non huyền thoại, là vùng ký ức của bao người xứ Huế, là vùng đất thiêng, một báu vật của đất cố đô mà các thế hệ cần phải giữ gìn, tôn tạo để Vọng Cảnh càng đẹp hơn trong dòng chảy của thiên nhiên, văn hóa và con người xứ Huế. Nếu bạn có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.


Ghé thăm chùa Linh Mụ

< Bến thuyền trước chùa.

Dòng Hương Giang sau khi thoát qua khỏi Đồi Vọng Cảnh và núi Ngọc Trản, bỗng trở nên chậm rãi, dòng sông mở rộng ra ôm lấy những bến bãi bồi đầy phù sa màu mỡ của vùng Nguyệt Biều, Hương Hồ, Lương Quán nổi tiếng với những bãi ngô non, những vườn cây trái trĩu quả (đặc biệt vùng đất này là nơi duy nhất trồng được Thanh trà xứ Huế).

< Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và  4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện.

Vượt qua Hương Hồ, Xước Dũ, dòng sông chia nước cho con sông Bạch Yến, con sông chảy qua trước chùa Huyền Không mà một lần tôi đã nhắc đến, rồi chảy thẳng về Đồi Hà Khê. Đến đây lòng sông mở rộng ra và dòng sông trở nên phẳng lặng khác thường.

< Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phú Chu cho đúc năm 1710  cao 2,50m, nặng trên 2000kg và viết bài ký để khắc vào chuông. Chuông này được coi như là một pháp khí của chùa.

Nếu đang xuôi thuyền theo dòng sông, ra khỏi đoạn ngoặt này, bạn sẽ nhìn thấy ngôi chùa nổi tiếng nhất trong số hàng trăm ngôi chùa cổ ở Cố đô Huế, đó là Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Chùa Linh Mụ) cùng ngọn tháp Phước Duyên sừng sững phía bên kia sông.

< Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).

Đây là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế.

Có lẽ tôi không cần giới thiệu nhiều về ngôi chùa này vì nó đã quá nổi tiếng, gần như là một biểu tượng của Huế, cũng giống như chùa một Cột ở Hà Nội và chợ Bến Thành của Sài Gòn vậy. Tôi chỉ mời bạn cùng xuống thuyền vào thăm ngôi chùa này mà thôi.

< Tượng Kim Cương Hộ Pháp hai bên cổng Tam quan.

Chùa được xây theo hình chữ nhất, theo đúng với hướng của kinh thành Phú Xuân, từ bến thuyền với bậc cấp, dẫn lên các bốn trụ biểu, rồi nhiều bậc cấp nữa dẫn lên nền cũ của đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm.

Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và  4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện.

< Tượng Phật Di Lặc thờ giữa Đại Hùng Bửu Điện.

Sừng sững phía trước là Tháp Phước Duyên do Vua Thiệu trị xây năm 1844  bằng gạch, cao 21m gồm 7 tầng. Tháp thờ đức Phật tổ Như Lai và đức Thế Tôn. Các tầng đều có tượng Phật, tương truyền ngày xưa được đúc bằng vàng, về sau thay bằng đồngTháp Phước Duyên là ngôi tháp bát giác cổ và cao nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2006).

Phía trước Tháp Phước Duyên vua Thiệu Trị cho xây  đình Hương Nguyện năm 1844  (để nhà vua dâng hương, cầu nguyện). Trận bão năm Thìn (1904) làm hư hỏng nhiều công trình trong đó có đình Hương Nguyện, nay chỉ còn là lại nền đình.

Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phú Chu cho đúc năm 1710  cao 2,50m, nặng trên 2000kg và viết bài ký để khắc vào chuông. Chuông này được coi như là một pháp khí của chùa. Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).

Tấm bia được làm bằng đá khá lớn vào năm 1715, cao 2,6m, rộng 1.25m và đặt trên lưng rùa bằng đá cẩm thạch. Nội dung trên bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.

Điện Đại Hùng là nơi thờ Phật, trung tâm của Chùa Thiên Mụ. Điện gồm 5 gian, 2 chái, được bài trí rất tôn nghiêm với nét kiến trúc đồ sộ, nguy nga. Ngoài những pho tượng Phật bằng đồng, bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay Chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề vào năm 1714 còn có 1 chiếc khánh đồng lớn chạm hình nhật nguyệt tinh tú. Chiếc khánh đồng này do vị quan người Quảng Trị là Trần Đình Ân thuê đúc năm 1677 để cung tiến chùa.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn. Cạnh đó là chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi tự thiêu để phản đối chính Sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Sau cùng chùa là vườn thông tĩnh mịch thoáng đãng.

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, thế thứ 42 dòng Lâm Tế, đời thứ 8 dòng Thiền Liễu Quán, vị trụ trì nổi tiếng của Chùa Thiên Mụ, người có công trùng tu để giữ cho ngôi chùa lịch sử được trang nghiêm như ngày nay.

B1 - Xuôi dòng Hương Giang
B2 - Xuôi dòng Hương Giang
B3 - Xuôi dòng Hương Giang
B4 - Xuôi dòng Hương Giang

Còn tiếp

- Theo web Huế Thương