Con đường gốm sứ ven sông Hồng

Để kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Dự án nghệ thuật ngoài trời mang tên "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khởi xướng được thực hiện trên bức tường dọc đường đê ven sông Hồng, Hà Nội.

Bảy năm trước, chứng kiến cuộc khai quật, khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, nhìn thấy những hiện vật gốm của cha ông xuất lộ từ lòng đất, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã rất xúc động trước một dòng chảy lịch sử xuyên suốt qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… được thể hiện trên những di vật mà tiền nhân để lại. Thế rồi, khi tham gia khóa học báo chí ở Đức, chị có cơ hội tham quan một số công trình gốm ốp ngoài trời tại Đức, Ý, Tây Ban Nha. Từ đó, chị đã suy nghĩ nhiều về tính trường tồn của loại vật liệu quen thuộc này và tìm cách ứng dụng tại Hà Nội, thành phố thân yêu mà chị đang sống.

< Một đoạn tranh gốm sứ được thực hiện dựa trên những tác phẩm của các cháu thiếu nhi.

Bốn năm kỳ công thực hiện, những bức tường gốm dần lấp kín mảng bê tông xám xịt trên con đê. Nó không còn đơn thuần là một mảng tường trang trí đẹp mắt mà đã trở thành công trình nghệ thuật cộng đồng đầu tiên ở Hà Nội.

< Các họa sĩ trong nước và quốc tế đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công trình ngay tại xưởng gốm ở Bát Tràng.

Bên cạnh hàng chục họa sĩ Việt Nam như: Phạm Viết Hồng Lam, Tùng Ngọc, Doãn Sơn, Nguyễn Thu Thủy, Bùi Viết Đoàn… còn có 15 họa sĩ đến từ 10 nước trên thế giới như Michacel Geertsen (Đan Mạch), Dominique de Miscaut (Pháp), Joe Breman và Jole Bennett (Mỹ), Civitulic, Bobio, Ci.dania (Achentina)… tham gia vào dự án con đường gốm sứ này.

< Đại diện thành phố Hà Nội và tổ chức UNESCO đi tham quan “con đường gốm sứ”.

Cho dù đến từ châu Âu như: Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha; châu Mỹ như: Mỹ, Achentina hay châu Đại Dương như: New Zealand… nghệ sĩ nào cũng tỏ ra hào hứng và thoải mái sáng tác với tác phẩm ngoài trời đặc biệt này. Những đoạn tranh mà các họa sĩ nước ngoài sáng tác tạo nên vẻ đẹp đặc sắc, trở thành biểu tượng hợp tác văn hóa giữa các quốc gia.

< “Con đường gốm sứ” tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội.

Thông qua trang Web của Dự án, gần một trăm nghệ nhân gốm và họa sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã hưởng ứng bằng cách gửi những viên gạch nghệ thuật hay phác thảo đến với Dự án. Điều này làm cho con đường gốm sứ có những viên gạch được phủ men màu lạ, mang dấu ấn nghệ thuật từ những vùng đất xa xôi, cùng với sự giao thoa của những dòng gốm Viêt Nam nổi tiếng là Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bình Dương, Vĩnh Long, Bầu Trúc...

"Con đường gốm sứ ven sông Hồng" bao gồm 21 trường đoạn mang những chủ đề: Tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông, thông qua ngôn ngữ họa tiết, hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ thời Đông Sơn qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn; Các hoa văn đặc trưng, tiêu biểu trên thổ cẩm và trang trí kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam; Tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - thành phố vì hòa bình; Tranh gốm đương đại của các họa sĩ Việt Nam và quốc tế...

< Khi màn đêm buông xuống, con đường trở nên lung linh dưới ánh đèn của hàng vạn chiếc xe xuôi ngược.

Một thể nghiệm mới thành công là việc tạo dựng lại những bức ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX trên những cột gốm cỡ lớn (đường kính 50 - 60 cm, cao 1,8 m). Trong quá trình thực hiện, thông qua chế độ nung nặng lửa (ở 1200°C), những bức ảnh trên gốm trở thành vĩnh cửu, có thể chịu được nắng mưa ngoài trời, chênh lệch nhiệt độ với biên độ lớn. Đây thực sự là một đoạn tranh gốm đầy ý nghĩa, lưu giữ lại hình ảnh lịch sử Hà Nội trên con đường gốm sứ này.

- Theo Baoanh Vietnam