Dạ thưa tiếng Huế bây giờ
Một nhà thơ đã viết một cách hình tượng "Em ơi giọng Huế có chi. Mà trong hoa nắng thềm thì cơn mưa".
Người Huế được xem là nói năng nhỏ nhẹ, khác với giọng nói phóng khoáng của cư dân Nam Bộ, giọng nói sắc ngọt của người miền Bắc, giọng nói dõng dạc của đất Quảng Nam. Huế thuộc phương ngữ Trung nhưng nói năng nhỏ nhẹ hơn ngay chính những vùng khác thuộc phương ngữ Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Đặc trưng nhỏ nhẹ từ yếu tố thiên nhiên. Huế là một vùng sông nước hữu tình, người Huế có tâm hồn đa cảm gần với thi ca nên được ví von người Huế như được "mớm" thơ từ trong sữa mẹ. Vì vậy, nhỏ nhẹ trong lời nói, ứng xử là một phong thái của người dân sống ở xứ đẹp và thơ.
Đặc trưng nhỏ nhẹ từ yếu tố lịch sử. Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong rồi trở thành kinh đô của đất nước thống nhất nên ngoài cung cấm còn có nhiều phủ đệ, quan viên, con vua cháu chúa rất nhiều. Sinh hoạt của tầng lớp quí tộc, trong đó có cách ăn nói của họ đã ảnh hưởng đến lối sống của vùng đất này. Chốn kinh đô cần sự trang nghiêm, kính cẩn, yên tĩnh cho sinh hoạt của vương triều cũng như cộng đồng xã hội phong kiến nơi đây. Mấy trăm năm thủ phủ nửa miền đất nước và kinh đô thống nhất, phong thái ấy đủ để lại dấu ấn trong cộng đồng ngôn ngữ. Giọng Huế nghe đều đều, nhỏ nhẹ là do một số đặc điểm về ngữ âm.
Khoảng cách về cao độ trong tiếng Huế nhỏ hơn so với tiếng Sài Gòn và càng nhỏ hơn nhiều so với tiếng Hà Nội. Khoảng cách thấp về cao độ của các thanh điệu tức là cao độ thì không bổng quá mà cũng không trầm quá dẫn đến âm vực của lời nói dao động không lớn, ngữ điệu cứ đều đều, nhỏ nhẹ. Giọng nói nhỏ nhẹ phù hợp với loại hình diễn xướng ngâm thơ bụi ngâm thơ Việt Nam thiên về sắc thái trầm buồn.
Vì vậy đã hình thành một lối ngâm thơ theo giọng Huế rất riêng làm xúc động người nghe. Và giọng nói nhỏ nhẹ. đều đều đó cũng phù hợp với kinh Phật trầm buồn trong tiếng mõ nhà chùa và sự tĩnh tâm thiền định của con người.
Cùng với sự nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói của người Huế, nhất là cô gái Huế tạo một nét văn hóa riêng của vùng đất này, tiếng Huế cũng không gừng hướng đến tiếng Việt hiện đại và tác động tích cực lên các phương ngữ chung quanh trong quá trình phát triển của ngôn ngữ.
Tiếng Huế đã góp phần tạo nên Huế, một trung tâm văn hóa của miền Trung và cả nước.
- Theo Datviet, internet
0 nhận xét: