Giao mùa nhớ măng đắng Tây Bắc
< Đồng bào phải khá vất vả, mới kiếm được măng vầu.
Khi gió heo may đầu tháng Chạp đem theo mưa bụi giăng mù mịt, là lúc những mầm măng vầu bắt đầu cựa mình dưới tầng đất phủ đầy lá mục. Dần dần, ngọn măng đầu mùa nhú lên khỏi mặt đất. Sang tháng hai trời ấm hơn, mưa xuân bắt đầu nặng hạt dần, cũng là lúc măng vầu tua tủa mọc lên.
Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, hễ trời đổ sấm là những ngọn măng vầu vốn ngọt như đường bắt đầu vươn lên mạnh mẽ và chuyển sang vị ngăm ngăm đắng.
< Món măng đắng nước chấm mắc khén.
Măng vầu có lẽ ngon vì vị đăng đắng, ngọt ngọt mà ít khi tìm được hương vị này ở các loại măng khác. Măng vầu ngon nhất thường mọc ở rừng rậm, cây vầu càng già sẽ cho những cây măng vừa to, vừa mềm lại rất ngon.
Để tìm được những cây măng ngon, đòi hỏi người tìm măng cũng phải công phu, chịu khó. Măng vầu mọc ở rừng già nên người đi tìm măng phải lọ mọ dậy từ rất sớm, nắm cơm mang theo, chuẩn bị đồ nghề.., rồi đi bộ hàng chục cây số đường rừng, luồn lách trong những khu vực ít khi có ánh sáng mặt trời chiếu đến mặt đất.
Ngoài ra còn phải đương đầu với đám vắt, muỗi rừng đáng sợ. Thành quả của sự vất vả đó là những sọt măng bình dị bày bán ở phiên chợ hoặc bên lề đường.
< Mấy người hái măng bao giờ mới đủ tiền vào nhà hàng ăn món măng cuốn thịt vịt?
Măng đắng là sản vật dân dã thiên nhiên ban tặng cho người miền núi Tây Bắc, còn chế biến thành rất nhiều món: Xào mẻ, luộc chấm mẻ, măng cuốn thịt vịt (hoặc lợn, gà), hầm xương... Vị ngăm ngăm đắng, hơi lẫn chút ngòn ngọt đã ngấm sâu vào tâm thức của mỗi người, là nỗi nhớ chẳng thể nào quên.
Chẳng phải chỉ có người miền núi mà cả dân đô thị cũng ưa chuộng, nhớ nhung cái vị đắng giòn của măng, hòa quyện lẫn vị chua của mẻ. Trong mâm cao cỗ đầy ở nhiều nhà hàng, đã thấy xuất hiện đĩa măng đắng luộc với bát mẻ chưng thật dậy mùi. Còn cây măng vầu vẫn giữ trong mình sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt măng này, lại mọc lên đợt khác.
Và người hái măng vẫn cặm cụi rừng sâu...
- Theo báo Lào Cai
0 nhận xét: