Một mình đạp xe đi khắp Việt Nam
Ngày 1.7, Võ Phú Hùng - tức Hùng xe đạp - điện cho tôi. Đã tròn một tháng kể từ hôm anh xuất phát tại TP Hồ Chí Minh, bắt đầu hành trình 12.000 km vòng quanh đất nước.
1. Lên đường nhằm ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, Võ Phú Hùng chỉ kịp điện về cho đứa con trai Võ Phú Minh, 11 tuổi, học sinh giỏi lớp 4. Cháu đang ở với mẹ mà mẹ cháu đã tạm thời chia tay anh do có ông chồng quá đam mê cái thú đi rong. Hồi chưa cưới đã mê, cưới rồi cũng mê và đến bây giờ vẫn còn mê! Mê gia đình, mê vợ thì không có chuyện gì, đằng này anh lại mê cưỡi xe đạp đi khắp 64 tỉnh thành.
Niềm mê như đống lửa than, cứ có dịp là bùng lên, anh cưỡi xe vọt ra khỏi nhà. Được cái anh không mê rượu chè, cờ bạc, trai gái... chỉ cái tội mê đạp xe vòng quanh đất nước và ghét nạn ma túy đang hoành hành. Hai lá cờ hiệu trên con ngựa sắt của anh nói lên điều đó. Suốt tháng qua, nó đã cùng anh vượt qua khoảng 2.000 km, rong ruổi 17 tỉnh thành miền Đông, miền Trung.
Một thân một mình nhưng anh không cô đơn, hằng ngày anh vẫn điện về cho con trai và cháu vẫn thường xuyên vào website www.vophuhung.com để xem thử "ông ba dũng cảm" mình đang ở đâu.
Cháu cũng thường điện thoại cho anh: "Cố lên ba! Con luôn ủng hộ! Chúc ba thành công!". Chỉ đơn giản mấy câu nhưng anh cảm động lắm, cứ nhắc đi nhắc lại với tôi. "Nó tin tôi hơn nhiều người khác. Trước ngày đi, nhiều người ở thành phố hỏi chuyện nhưng đa số không tin. Họ bảo tôi nói dóc. Có người sợ tôi bỏ cuộc nửa chừng. Cũng có người nói tôi... điên!".
2. Thật ra, theo kế hoạch, có 2 người cùng đi với Võ Phú Hùng. Một là anh Đức Tân ở Hà Nội, tác giả truyện thơ Giang hồ rẽ lối. Hai là anh Nguyễn Phú Tuyển, giáo viên ở Quảng Ngãi.
Nhưng giờ chót, cả hai bỏ cuộc, chỉ còn mình anh. "Chuẩn bị đã 3 năm, khảo sát đã 2 chuyến và khởi sự giấc mơ từ nhỏ, làm sao mình bỏ cuộc?!", Hùng nói. Chả là, hồi nhỏ học lớp 4 ở Tân Nghĩa, Hàm Tân (Bình Thuận), tuy tinh nghịch nhưng học giỏi, cậu học trò Hùng được cô giáo rất thương. Anh còn nhớ đó là cô Phạm Thị Thanh Hằng, người Huế, giọng êm như gió.
Đi đâu, cô cũng đèo Hùng sau chiếc xe đạp mi-ni của Nhật. Vừa đạp xe, cô Hằng vừa nói về cảnh đẹp đất nước, về gương danh nhân lịch sử như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh mà chẳng biết phía sau xe, cậu học trò bỏ bụng tự lúc nào.
Sau này, lớn lên, theo gia đình về TP Hồ Chí Minh, Hùng làm nhiều công việc. Có lúc là "chuyên gia" nghiên cứu lò nấu cồn cho một người Đài Loan rồi làm quản đốc nhân sự cho một nữ giám đốc Việt Nam nhưng "thấy người ta bóc lột công nhân quá" anh xin nghỉ, về mở tiệm cắt tóc "làm đẹp cho đời". Trải nhiều cảnh gian nan, nhưng trong Võ Phú Hùng có một đam mê không hề thay đổi: muốn đi khắp đất nước, thăm các di tích văn hóa, danh nhân.
Tuy nhiên, trong đơn trình bày gửi nhiều nơi nhưng không có hồi âm, anh không nêu niềm đam mê ấy mà bày tỏ nỗi lo âu trước vấn nạn ma túy trong giới trẻ, trong cộng đồng anh đang sống. "Cũng như bao công dân khác, suốt bao nhiêu năm qua lúc nào tôi cũng mơ ước làm một điều gì đó để đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc bài trừ ma túy.
Mỗi ngày sự đau xót nhân lên gấp bội, khi phải chứng kiến những cái chết, những cuộc đời tàn tạ và bao tội ác do ma túy gây nên. Với mơ ước về một xã hội văn minh, không ma túy, nên suốt mấy năm qua, tôi liên tục tìm mọi cách liên lạc qua internet với bạn bè trong cả nước, để cùng nhau cất lên một tiếng nói chung, một hành động chung". Thông điệp của Võ Phú Hùng thật rõ ràng.
Có lẽ chưa có bất cứ ai ở Việt Nam, kể cả một vài cá nhân từng đi xuyên Việt từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, thực hiện chuyến đi khắp 64 tỉnh thành như Võ Phú Hùng.
Để chuẩn bị, anh đã bỏ ra mấy năm rèn luyện sức khỏe, chạy bộ, bơi lội, học võ, đánh box, luyện phóng dao, học cách sử dụng internet, học nghề cơ khí và đọc khá nhiều sách về dự báo thời tiết, về dinh dưỡng và kinh nghiệm du lịch một mình của những người đi trước. Anh cũng từng khăn gói về một nông trại để tự kiểm tra thể lực và những kiến thức đã thu hoạch được.
Cũng trong khoảng thời gian 3 năm, anh mở tiệm cắt tóc có hai thợ, lên bài toán "tích tiểu thành đa", mở tài khoản ATM với khoản tiền đủ chi dùng trong 6 tháng đi khắp Việt Nam.
Nói 6 tháng nhưng anh dự phòng đến 9 tháng dù lịch trình chuyến đi khó rơi vào những thời điểm ngặt nghèo như bão lụt, khô hạn tại các vùng anh sẽ đi qua. Nhược điểm duy nhất của anh có lẽ là khả năng diễn đạt cảm xúc trên trang web của mình. Bù lại, anh post lên những lời chất phác và nhiều hình ảnh sinh động, vui tươi, trong đó có tấm ảnh Hùng xe đạp được nhà văn Thái Bá Lợi mời tô cháo lòng Bà Thế trên đường Đống Đa, Đà Nẵng.
3. Tại một số website du lịch, tôi chưa thấy ai... liều mạng như Hùng. Họ thường đi thành nhóm hoặc nếu đi một mình cũng có điện thoại vệ tinh, có nhà bảo trợ từng chặng hoặc sang hơn, có người đi cùng để quay phim, bán "liveshow" cho các hãng truyền hình.
Lại có người hằng ngày đưa nhật ký lên mạng để về sau viết sách, song với Hùng, chỉ một mình một ngựa sắt, một máy ảnh, một đèn pin, một bếp ga, một bộ đồ nghề xe đạp và một ba lô đủ sống cho một người trong một ngày! Gì cũng một nhưng anh chẳng chút lo.
Hôm qua đèo Đại Ninh lên Đà Lạt, đường dốc đứng, không đạp được, Hùng phải một mình đẩy xe suốt nhiều tiếng đồng hồ. Một số tài xế xe đường dài thấy thương, bảo quá giang, anh không chịu.
Họ lại bảo bám vào xe để kéo đi, anh cũng không! "Không ai biết nhưng tự mình biết, tự mình xấu hổ. Đã nói đi xe đạp thì một là đạp hai là đi". Anh nói khi gặp tôi ở Đà Nẵng. Cuối cùng, anh cũng lên tới đỉnh đèo, được kỹ sư cầu đường Phạm Duy tiếp đón.
Anh ít kể về những vất vả, oái oăm trên đường, như đêm đầu tiên ngủ trong gò mả ở Vũng Tàu, đêm ở Đà Lạt bị đuổi đi vì người ta nghi anh bán... kẹo kéo hoặc khi từ Đà Lạt quay xuống lại Nha Trang bị hỏng mất máy ảnh, không post được hình lên mạng, mãi đến khi tới Đà Nẵng được anh Nguyên Hưng vừa bán vừa tặng một chiếc máy ảnh kỹ thuật số còn dùng tốt.
"Vui nhiều, buồn ít!" . Anh sung sướng khi nhắc lại ở Nha Trang được các chú bé mời uống nước dừa, lại được chị bán nước dừa tặng mũ bảo hiểm. Mới đây nhất, anh được bà con ở Quảng Trị, Quảng Bình đón tiếp nồng hậu, chỉ khổ nỗi, họ bày tỏ tình cảm bằng rượu. "Mỗi người một ly nên hơi bị xỉn". Hùng điện cho tôi khi chuẩn bị vào thị xã Hà Tĩnh.
Cũng lạ, đã qua 2.000 km mà chiếc xe đạp và sức khỏe của Hùng vẫn chưa hề hấn gì. Trước mắt anh vẫn còn hun hút 10.000 km còn lại. Hùng dự định, khi đến Hải Phòng, sẽ gặp Anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ, tại Hà Nội sẽ gặp anh Đức Tân để cùng đi tìm người đồng nghiệp cũng tên Tân, từng hớt tóc cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nếu có cuộc giao lưu nào đó, anh sẽ hớt tóc cho trẻ em bằng kéo và lược.
Tiếp đó, sau khi lên Tây Bắc, Việt Bắc, thăm Hữu Nghị quan, anh sẽ quay lại theo đường Hồ Chí Minh, xuôi Tây Nguyên, về miền Tây, xuống Cà Mau và kết thúc hành trình tại thị xã Tân An, tỉnh Long An.
"Năm 1992 từng đạp xe đến Quảng Bình, cháy túi, phải quay về. Tết 2006, từng đi xe gắn máy xuyên Việt trong 17 ngày. Lần này nếu không đi được, sẽ không còn cơ hội. Nhiều khó khăn nhưng tôi tự nguyện, không kêu tài trợ, chẳng làm phiền ai.
Tôi đã nguyện, nếu không đi khắp 64 tỉnh thành, sẽ chết không nhắm mắt. Đất nước mình đẹp và thanh bình lắm, sao cứ để cho mỗi người Tây du lịch "ba lô" khám phá, coi kỳ!", Võ Phú Hùng quyết liệt. Từ anh, toát lên tinh thần sống khỏe, sống đẹp, sống lạc quan mà không ít thanh niên hiện đại đang cần bù đắp.
- Theo Thanhnien, ảnh Vophuchung blog
0 nhận xét: