Ngắm thác Grăng giữa đại ngàn Trường Sơn
Thác Grăng gồm 3 thác lớn nhỏ, gọi là “tam thác” Grăng. Lội bộ vượt qua nhiều đoạn dốc, đường hẹp, ghềnh đá hiểm trở và những thân cây bắc qua suối làm cầu, du khách sẽ nghe xa xa phía núi tiếng thác đổ âm vang. Những mệt nhọc trên hành trình chinh phục “tam thác” sẽ tan biến khi đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, hơi nước và hơi đá bốc lên mát rượi. Đẹp nhất ở Grăng có lẽ là thác thứ ba với độ cao hơn 30 mét, dòng nước như tấm lụa trắng xõa trên những vách đá bám rêu xanh, bồng bềnh trong cõi âm u giữa đại ngàn Trường Sơn.
Nếu lần đầu đến thăm thác Grăng, khách có thể nhờ những đứa trẻ người Cơ-tu có nụ cười hồn nhiên và nước da rám nắng đưa đi ngắm thác. Sau khi dạo quanh ngắm nước chảy, mây trôi, cây và đá núi, du khách có thể xuống hồ nước dưới chân thác để tắm và tận hưởng làn nước mát lạnh mơn man da thịt.
Điều thú vị là cảnh quan, không gian thác mở ra khá đột ngột, bỗng chốc ùa đến với bạn khi vượt qua hẻm núi một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu. Tiếng thác đổ ầm ầm và cảm giác dịu mát chợt đến khiến du khách ngỡ ngàng vì được trải nghiệm những điều mà trước đây chỉ nghe kể qua ai đó. Tất cả nhọc nhằn sẽ tan biến khi bạn đang đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, bồng bềnh trong cõi âm u Trường Sơn làm gợi nhớ câu thơ của Lí Bạch viết về thác núi Lư:
"Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây."
Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, không khí mát lành, du khách sẽ có bữa ăn ngon với những thực phẩm mang theo, kèm với cá suối nướng được câu lên từ suối và những hồ nước trong khu vực thác. Từ khi “tam thác” Grăng được đưa vào tour du lịch của “Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2006” đến nay, con đường vào thác đã được chính quyền và người dân địa phương tạo sẵn những bộ ván, những chiếc võng dã chiến bằng thân cây và dây leo làm trạm nghỉ chân để tiếp sức cho du khách.
Thác Grăng là một cụm thác ba tầng nên được gọi là tam thác. Đẹp nhất có lẽ là thác 3 với độ cao hơn 30 mét, tung bụi nước mịt mù, xõa tóc trắng trên những vách đá bám rêu. Đây là nơi du khách dừng chân tham quan nhiều nhất. Tuy nhiên nếu bạn có đôi chân dẻo dai thì men theo đường mòn ngược lên sườn núi dốc đứng để mục sở thị vẻ đẹp của hai tầng thác trên.
Người dân tộc gọi thác này là Đạ G'răng - Theo giải nghĩa của dân bản địa thì chữ "Đạ" nghĩa là sông, suối, còn chữ "g'răng" trong thổ ngữ CaTu (Cơ Tu) có nghĩa là con cá chiên.
Chuyện kể rằng ngày xa xưa đây là con thác đẹp chưa ai khám phá, ở dòng suối dưới chân thác có loài cá hiếm tên là cá grăng (cá chiên). Cứ mười mùa rẫy một lần, những con cá grăng đầu đàn khỏe nhất phải vượt qua ba tầng thác nơi đây để hóa thành cá thiêng. Chỉ có làm được điều ấy thì cá grăng mới tồn tại.
Năm ấy đến mùa vượt thác lại gặp cơn lũ trái mùa dai dẳng cả tháng trời khiến dòng thác trở nên hung dữ dị kỳ. Những con grăng đầu đàn dù đã vắt cạn kiệt sức lực nhưng không thể nào vượt qua thác dữ.. và chúng đã chết, xác cá grăng trôi đầy bên bờ suối.
Từ đó dân làng gọi tên thác này là thác Grăng và cũng từ đó loài cá grăng không còn tồn tại ở bất kỳ đâu trên sông suối miền thượng du nữa.
Trên chặng đường khám phá “tam thác” Grăng, du khách còn có dịp thăm quan làng dệt thổ cẩm truyền thống người Cơ-tu ở làng Za Ra; thăm làng Rô – nơi nuôi giấu, chở che nhà thơ Tố Hữu và nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ trên đường vượt ngục Đăklei; thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh... Vào dịp làng Cơ-tu tổ chức lễ mừng lúa mới, du khách sẽ được sống trong không khí rộn ràng của hội cồng chiêng với vũ điệu tung tung – da dá và thức các món lam (nấu thức ăn trong ống nứa), uống rượu tà vạt, đặc sản của núi rừng Nam Giang.
Chia tay thác Grăng, chia tay sông Thanh, sông Bung du khách không khỏi vấn vương như từ biệt tình nhân mong một ngày trở lại:
“Nước sông Bung vẫn chảy từ cội rễ rừng già, lăn những hạt cát nhỏ về miền xa lắc.
Gió ngàn còn ve vuốt bãi bồi lau sậy, chải rối cuộc vui buồn, lau nhạt nhoà trên mắt tình nhân.”
- Theo BDT, Thinhdailoc.blog, ảnh i-dulich
P15 - Thác Grăng giữa đại ngàn
0 nhận xét: