Những lễ hội 'ngoại tình' kỳ lạ của vùng cao

Trong tiếng hò reo 'Roa lữ Giàng ơi' (sướng quá, vui quá trời ơi), người Ma Coong được tự do tìm nơi tình tự. Tại lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ, sau 3 lần linh vật nam đâm vào linh vật nữ, mọi người được 'tháo khoán'.

Tháng Giêng là mùa của lễ hội. Thời điểm này, người dân trên khắp cả nước đều rộn ràng với những nét văn hóa truyền thống của làng, xã.
Một trong những lễ hội độc đáo, bí ẩn, thú vị trong tháng này chính là lễ hội về tình yêu, về sự nguyên thủy của con người, sự sinh sôi nảy nở... Xin điểm một số lễ hội diễn ra tại Việt Nam, mà trong đó, người dân được tự do yêu đương, hẹn hò, tình tự mà không bị ghen tuông, ràng buộc, thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của thần linh, đất trời.

Chợ tình Khâu Vai - Hà Giang

Vào tối 26/3 âm lịch hàng năm, người dân vùng cao ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang lại đổ về xã Khâu Vai để tham gia chợ tình. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

< Sự nhộn nhịp của đêm chợ tình Khâu Vai.

Truyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái thuộc hai bộ lạc khác nhau nhưng họ lại yêu nhau. Một ngày kia, khi người con trai đang ngồi với người yêu của mình trên núi thì nhìn thấy cảnh tượng hai bộ lạc đang đánh nhau quyết liệt. Họ biết tình yêu của họ là nguyên nhân chính, nên đã cùng nhau quyết định chấm dứt tình yêu, họ hẹn nhau mỗi năm gặp nhau một lần vào đúng ngày ấy, điểm gặp là chỗ họ vẫn thường hẹn hò: Khâu Vai.

Hàng năm, vào chiều 26, dù ở cách xa 30-40km, dù trèo qua ngọn núi này đến ngọn núi khác, những người yêu nhau vẫn tụ hội về đây để gặp gỡ, yêu đương. Ngày xưa, chợ chỉ dành cho những đôi tình nhân lỡ duyên mỗi năm một lần gặp lại. Có thể cả vợ cùng chồng dắt nhau xuống chợ.  Lúc này họ là vợ chồng, chốc nữa họ bỏ nhau đi tìm người yêu cũ, vì một lý do nào đó mà trước kia họ không lấy được nhau. Sáng mai ra, tan chợ tan tình... họ lại về sống chung dưới một mái nhà đợi đến phiên chợ năm sau. Không ghen tuông, không thù ghét.

Nhưng giờ đây, chợ tình Khâu Vai không còn nét nguyên thủy nữa. Những người tình cũ tìm gặp nhau ít hơn, thay vào đó là những chàng trai, cô gái, những cặp vợ chồng hẹn hò, vui vẻ với nhau.

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc lễ hội bắt đầu. Ở đâu đó trên đường, bên lùm cây, chàng trai chơi khèn, nhảy múa, hát hò để lấy lòng các cô gái. Từ đó mà họ phải lòng nhau, nên vợ nên chồng. Cũng trong đêm này, những đôi đã yêu nhau thì cũng tình tự, các cặp vợ chồng tìm thấy khoảng bình yên cho mình, chồng cũng có thể "diễn" lại cảnh "tán tỉnh" như ngày xa xưa.

Chợ tình Mộc Châu - Sơn La

< Đêm 1/9 là thời điểm các đôi hẹn hò, tán tỉnh, tình tự.

Một trong những ngày lễ tình nhân độc đáo khác của người Việt ở vùng núi phía Bắc là chợ tình Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Không còn toàn bộ nét nguyên thủy của một phiên chợ tình xa xưa như chợ tình Khâu Vai, nhưng đến nay, chợ tình Mộc Châu vẫn thu hút rất đông người dân tộc Mông, Lô Lô... ở phía Bắc, ở Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí cả ở Lào, Thái....Đây không chỉ là nơi hẹn hò của những đôi yêu nhau, của những người muốn 'tán tỉnh nhau' mà còn là nơi để những người đã nên vợ nên chồng có thể hẹn gặp người yêu cũ của mình.

Chợ tình Mộc Châu diễn ra vào đêm 1/9 và ngày 2/9 dương lịch, khách du lịch đam mê những nét duyên dáng, đậm đà của người dân tộc miền núi phía Bắc đều mong muốn được có mặt trong ngày hội này.

< Niềm hạnh phúc của các đôi trẻ trong chợ tình Mộc Châu.

Trong đêm chợ tình, các ngả đường của thị trấn Mộc Châu rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống dân tộc. Các cô gái với váy áo xinh tươi, nụ cười chúm chím, mắt một mí lúng liếng, bước chân leng keng tiếng trang sức bạc va vào nhau. Theo sau từng nhóm các thiếu nữ là những chàng trai trẻ, vừa đi, vừa ngại ngần làm quen, bên vỉa hè, trong từng con đường nhỏ là các đôi vợ chồng hoặc người tình cũ gặp lại nhau cùng tâm sự. Với những đôi đã yêu nhau trước đó thì nắm tay nhau đi dạo trên phố, đi mặc cho thời gian trôi, dù lúc đó có thể đã 2-3h sáng.

Buổi sáng ngày 2/9, song song với các hoạt động văn hóa, trên đường ngập tràn những gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Và đến buổi chiều, họ trở về với cuộc sống thường nhật của mình.

Ngày hội đập trống của người Ma Coong - Quảng Bình

Là tộc người thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều, người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tương truyền đêm tình yêu của người Ma Coong bắt nguồn từ Giàng (nghĩa là trời) sau khi đã giúp người dân nơi đây giết được con khỉ quấy rối vụ mùa, gây ra đói nghèo, đã ban cho người Ma Coong một đêm được tự do yêu đương, sống trong hoang sơ mà không phải băn khoăn các gới hạn, luật lệ.

< Sau khi đập trống, người Ma Coóng được phép.... ngoại tình.

Vào đêm 16 tháng Giêng (lịch âm) hàng năm, người dân tập trung về vùng đất linh thiêng là bản Cà Roòng. Trong đêm hội, khi trăng lên đến đỉnh đầu, già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cuộc sống an lành, mùa màng bội thu và phát lệnh đập trống.

Người dân Ma Coong sẽ đập trống cho vỡ, và trống càng vỡ, họ càng sung sướng, cùng gáo lên: “Roa lữ Giàng ơi!” (Sướng quá, vui quá trời ơi). Cũng trong tiếng hò reo trên, từng đôi lặng lẽ năm tay nhau, tìm cho mình một chỗ để tình tự. Có thể là lên núi, ra suối hoặc bất kỳ một nơi nào đó, có thể là trai chưa vợ, gái chưa chồng, có thể là vợ chồng với nhau và như sự tự do yêu đương mà Giàng đã ban phát, ai đã lập gia đình rồi vẫn được phép hẹn hò nhau trong đêm này. Không có sự ghen tuông, không có rào cản, người đi ngang có thấy cũng xem như đó là điều bình thường, tương tự như chợ tình Khâu Vai hay Mộc Châu.

Và khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc lễ hội đập trống của người Ma Coong dần khép lại.

Trò Trám - lễ hội phồn thực lớn nhất Việt Nam

< Lễ hội phồn thực này thu hút rất đông du khách.

Một trong những lễ hội độc nhất vô nhị của người Việt là lễ hội, diễn ra vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội này diễn ra ở thôn Miếu Trò, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội nhằm gắn kết con người với cuộc sống lao động, ca ngợi tình yêu hạnh phúc lứa đôi.

Thời gian diễn ra lễ hội là vào nửa đêm, khoảng 23h, thời điểm giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu. Sau khúc hát thờ trước điện, đèn tắt, chủ lễ lấy ra cặp dương vật - âm vật bằng gỗ đưa cho một đôi nam nữ. Sau tiếng ho 3 lần 'Linh tinh tình... phộc' của cụ, người nam cầm dương vật gỗ đâm vào lễ âm vật gỗ trên tay người nữ. Trong bóng tối, nếu chàng trai khéo léo đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, người dân trong làng cũng sẽ mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc, một mùa xuân mới tràn đầy sức sống.


< 3 lần 'Linh tinh tình... phộc' trong lễ hội Trò Trám. Sau khi có tiếng hô 'Tháo khoán', mọi người cũng được tự do ... ngoại tình!

Tiếp đến, khi cụ già trong làng hô 'Tháo khoán' thì các chàng trai, cô gái trong làng kéo nhau ra sau miếu để trêu ghẹo, đụng chạm nhau.

Lễ hội Trò Trám hàng năm thu hút đông đảo du khách tham gia, bởi đây là một trong những lễ hội với tín ngưỡng phồn thực hiếm hoi còn được gìn giữ và phát huy ở nước ta. Trong đêm tối, khi các đôi tình nhân đang "tháo khoán", mọi người không được phép quay phim, chụp ảnh.

Đêm tình nhân của người Ma Coong
Lạ lùng tục "coong trình" của người Dao đỏ

- Theo Infonet