Rượu Bàu Đá thật giả lẫn lộn
< Đủ loại rượu Bàu Đá được bày bán tràn lan trên QL1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định.
Khoảng 2 năm trở lại đây, nghề nấu rượu ở xóm Bàu Đá không còn sôi động như trước.
Chỉ vào mấy chum rượu để la liệt trong nhà, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung (56 tuổi) than thở: “Từ sau tết, có lúc gia đình tui tồn gần 360 lít rượu Bàu Đá. Mới đây, may mà có người mua được 100 lít. Lần đầu tiên trong 2 năm nay bán được nhiều như vậy”.
Nấu rượu để cầm hơi và... nuôi heo
Việc mỗi nhà ở làng nghề tồn từ 200-300 lít rượu là chuyện như cơm bữa. “Mình cạnh tranh không lại rượu giả vì họ bán lẻ mà chỉ bằng 1/2 giá sỉ của rượu thật. Bây giờ, làng này nấu rượu để cầm hơi và nuôi heo thôi”, chị Đoàn Thị Hiền (32 tuổi) cho biết.
Theo các hộ dân xóm Bàu Đá, với giá bán 20.000 đồng/lít rượu gạo, 25.000 đồng/lít rượu nếp thì khi dùng hết 50 kg gạo, nếp người nấu rượu vẫn lỗ hơn 100.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Em (64 tuổi) bức xúc: “Nhiều doanh nghiệp đến nhà chúng tôi ký hợp đồng mua vài trăm lít rượu để được cấp phép kinh doanh rượu Bàu Đá nhưng sau đó lại mua rượu ở các làng khác có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/lít để làm rượu Bàu Đá giả. Kinh doanh kiểu vậy có lợi nhuận cao mà không bị cơ quan nào ngăn chặn thì doanh nghiệp dại gì không làm theo. Chỉ có người nấu rượu Bàu Đá thì ngày càng nghèo”.
Dọc QL 1A (đoạn qua thị xã An Nhơn) bao năm nay có hàng chục cơ sở bày bán “Rượu Bàu Đá” với đủ loại, nhuộm đủ màu xanh, vàng, trắng... Tuy nhiên, người dân làng nghề rượu Bàu Đá khẳng định, các cơ sở này chưa từng mua rượu từ trong làng mà vẫn ung dung dán mác Bàu Đá.
Bó tay với rượu giả
Đáng buồn là hiện các ngành chức năng cũng bó tay trước sự phát triển tràn lan của rượu giả. Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho rằng việc kiểm soát rượu Bàu Đá thật hay giả trên thị trường lại vượt quá tầm của địa phương, cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng cấp tỉnh.
Theo ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Rượu Bàu Đá Bình Định, có 52 thành viên gồm 33 hộ nấu rượu và 19 hộ kinh doanh rượu. Hầu hết các hội viên kinh doanh không thu mua rượu tại làng nghề mà mua ở nơi khác giá rẻ hơn hoặc tự sản xuất hàng loạt rồi gắn mác Bàu Đá để hưởng lợi nhuận vượt trội. Đó là chưa kể một số người nấu rượu ở xóm Bàu Đá cũng làm ăn gian dối, nấu rượu kém chất lượng hoặc thu gom rượu từ các làng khác về pha trộn với rượu của mình để bán. Thật - giả vì vậy mà lẫn lộn đủ kiểu.
Ông chủ tịch hiệp hội rầu rĩ: “Ngay cả các thành viên của Hiệp hội Rượu Bàu Đá cũng không tâm huyết với sản phẩm của mình. Mạnh ai nấy làm, hồn ai nấy giữ, không thống nhất với nhau về giá cả, chất lượng rượu thì làm sao mà giữ được thương hiệu”.
- Theo Thanhnien
Những “mỹ tửu” nức danh đất Việt
Về làng đệ nhất tửu
0 nhận xét: