Về miền cổ tích Xín Mần
Tiếng nước đổ ầm ào ở thác Tiên, di sản danh thắng Quốc gia nườm nượp khách. Hết ngắm rồi lại thưởngthức chút thịt cá Tầm, Hồi Vân, đem nướng, nấu, ăn lẩu, ăn tái, uống chút rượu Làng Táo có gốc gác từ Bản Ngò, ngân nga vài câu ca dao lãng đãng làm cho mùa Xuân nơi rừng thẳm thêm Xuân càng trở nên sâu thẳm.
Rừng già Đèo Gió có diện tích trên 18 ngàn ha, bao gồm cả vùng đệm. Thực vật rừng rất đa dạng sinh học được bảo tồn. Ngay trên Thác Tiên chảy trong rừng già xuống, du khách tha hồ dạo chơi, ngắm thiên nhiên núi rừng và thả hồn vào cõi bồng lai.
Ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc nằm giữa đỉnh đèo, cạnh chiếc bốt được thực dân phong kiến xây dựng khi xưa để lại đang trầm mặc với thời gian. Mùa Xuân vui chơi ở nơi rừng già cổ xưa, thưởng thức đôi chút đặc sản vùng miền để cho lòng nhẹ đi sau những tháng ngày vất vả.
Xuôi về xã Nấm Dẩn ẩn ngay sát chân Đèo Gió, sự sống nơi này đã hừng hực. Nấm Dẩn giờ đây nhà cao tầng, điện, đường, trường, trạm, chợ đông vui có đủ sắc mầu của cuộc sống công nghiệp.
Gần 7 năm trước, Nấm Dẩn còn nghèo lắm. Song nhờ giải pháp “Dồn điền – đổi thửa”, sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân không cam chịu đói nghèo, đã từng bước vươn lên xây dựng Nấm Dẩn thành “vùng động lực” cụm xã cho cả vùng Đèo Gió.
Trong quá trình xây dựng, khám phá, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ngay trên thôn Nấm Chanh, Nấm Chiến có dấu hiệu sinh sống của người Việt Cổ thời tiền sử. Trong 7 vùng đá phát hiện trên 84 ký tự mang biểu tượng phồn thực có tuổi trên 2.000 năm. Nơi phiến đá to nhất được gắn biển di tích Quốc gia cần được bảo tồn, nghiên cứu phục vụ khoa học.
Lạ thật, ngay dưới chân dãy núi đá trắng dựng đứng người Việt Cổ xưa đã chọn nơi này làm nơi sinh sống, trú ngụ, để rồi hơn 2.000 năm sau các ký tự để lại trên các phiến đá “níu” chân các nhà khoa học. Khi di tích được xếp hạng Quốc gia càng làm cho Đảng bộ, nhân dân Nấm Dẩn tự hào, tự hào để phấn đấu, để đi lên cho xứng tầm di khảo của tổ tiên để lại.
Các cán bộ cơ sở cho rằng, sau “dồn điền – đổi thửa” để xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ tiến tới “dồn điền – đổi thửa” để xây dựng các vùng, làng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa. Phát triển sản xuất, coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, tạo nguồn lực mới đáp ứng cho phát triển trong xu thế cả nhân loại hội nhập lại, đoàn kết lại để đẩy lùi nghèo đói, bệnh tật, chung sức làm ăn vì một thế giới hòa bình, không có người bóc lột, chia rẽ.
Chợ phiên Nấm Dẩn bày ra trước mắt đủ loại hàng nông sản, đặc sản. Bên những chảo thắng cố già trẻ, trai gái quây quần nâng bát rượu nồng chúc tụng mùa Xuân và những tháng ngày xanh. Nghe câu hát cọi của cô gái Nùng, Tày ngồi bên gành đá trắng mà chợt nao lòng.
Du Xuân lên biên ải qua cửa khẩu Mốc 5 để được thấy biên giới mênh mang, bờ cõi của Tổ quốc thiêng liêng trong tiếng gọi lên đường bảo vệ Tổ quốc. Điệu xòe của cô thôn nữ Mông uyển chuyển theo tiếng khèn môi nồng ấm. Xín Mần có 4 xã biên giới với chiều dài trên 32,5 km đi qua 36 thôn bản. Đồng bào vùng biên ngày đêm bám đất, bám làng, xây dựng đời sống mới. Không biết bao nhiêu mối tình sâu nặng của đồng bào với những chiến sỹ biên phòng gắn bản đã “bén rễ, xanh cây”.
Chợ Mốc 5 ngày Xuân tấp nập người mua, kẻ bán. Chọn cho mình chút quà kỷ niệm trở về xã Xín Mần, xuống Thèn Phàng, Bản Díu khám phá đỉnh Gia Long cao 2.000 m huyền thoại. Nơi này có số đông là người La Chí, Nùng, Mông, Pu Péo sống quây quần. Món ăn ngày Xuân là thịt ngựa làm thắng cố của người La Chí, mèn mén xôi chan canh cải nấu gừng của người Mông, thịt lợn treo hun khói của người Nùng sào với lá tỏi tươi, uống rượu men lá rừng v.v... hẳn ai đến mà không say. Say trong cái tình, cái nghĩa của đồng bào ai mà không muốn say?
Và kia, dòng sông Chảy nơi đầu nguồn con nước đổ về đất Việt nghe tiếng nước reo vui chảy vào trong tuốc bin thủy điện sông Chảy 5 ở Thèn Phàng mà cứ ngỡ trong chiêm bao. Theo quy hoạch của Sở Công thương, Xín Mần có 4 thủy điện. Trong đó trên Sông Chảy có 2 nấc thang là Sông Chảy 5, Sông Chảy 6. Khác với các nấc thủy điện nhiều nơi đó là thủy điện nơi đây có độ cao, dốc lớn. Việc đắp đập, ngăn sông không mấy diện tích, ít tổn thương môi trường, đem lại lợi ích lớn cho năng lượng nước nhà đang thiếu.
Ông Hà Xuân Bình, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Năm 2011 đến 2015 được Đảng bộ, chính quyền xác định là giai đoạn thúc đẩy du lịch, dịch vụ, thương mại. Trong đó, năm 2011 xác định là “Năm du lịch Xín Mần nơi có nhiều vùng “cổ tích”. Mốc “cổ tích” được đánh dấu từ “điểm nhấn” du lịch sinh thái và khám phá: Đèo Gió – Thác Tiên.
Từ Đèo Gió xuống Bãi đá cổ 2.000 tuổi về Cốc Pài lên Nàn Ma, Mốc 5, xuôi xuống các bậc thủy điện hay ngược núi lên đỉnh Gia Long. Phía bờ Đông sông Chảy có xuất phát điểm từ thủy điện sông Chảy 5 lên Ngán Chiên – Trung Thịnh – Cốc Rế – Thu Tà – Chế Là “Mật Chế Là – Chà thơm Cốc Rế... đã trở thành câu ca dao quen thuộc trong lòng du khách. Điểm nhấn thứ nữa là đi Đèo Gió, về Quảng Nguyên nơi có thủy điện Nậm Lì, suối nước nóng Nậm Choong rồi ngược Vinh Quang, Cao Sơn khám phá vùng chè núi Cổ thụ và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng sơn cước.
Còn ai đó mạnh mẽ hơn nữa, thích khám phá hơn nữa sẽ đi Pà Vầy Sủ xuống Ma Lì Sán nơi Cột mốc số 1 ngã ba sông, nơi đuôi “con cáo” điểm chốt thống nhất, sâu nhất của mảnh đất Xín Mần, của tỉnh Hà Giang. Xín Mần là huyện độc đáo của Hà Giang có 2 di tích được xếp hạng Quốc gia. Nơi có đậm bản sắc văn hóa vùng miền Tây tỉnh Hà Giang. Và là nơi có “tấm lòng” hồn hậu đón khách.
Mùa Xuân này hãy dành chút thời gian về với “Năm du lịch Xín Mần” về vùng miền cổ tích sẽ là những điểm đầy bất ngờ của những chuyến du Xuân.
- Theo Luhanhviet, internet
0 nhận xét: