Hồ và thác ở Đa Mi
Nếu ai chưa đến Đa Mi một lần, ắt hẳn không thể hình dung được Đa Mi thơ mộng như thế nào và cả không khí trong lành nữa. Nhưng không khỏi ngạc nhiên hơn, Đa Mi còn có rất nhiều thác lớn nhỏ được người dân ở đây truyền miệng câu nói “Đa Mi đệ nhất thác”.
Xã Đa Mi có lợi thế ở độ cao hàng trăm mét so với mặt nước biển nên không khí ở đây lúc nào cũng mát lạnh. Buổi tối đắp chăn kín đầu mà vẫn thấy lạnh. Sáng dậy ra đường ai cũng mặc áo ấm. Buổi sáng không khí ban mai trong lành quyện với mùi thơm ngát hương hoa rừng và hoa cà phê làm cho con người thật nhẹ nhõm khác hẳn với những ồn ào nơi phố thị.
Ẩn mình trong cánh rừng Đa Mi bạt ngàn là hai hồ chứa nước lớn vừa sâu lại rộng: hồ Hàm Thuận (2.500ha) và hồ Đa Mi (700ha). Đây là hai hồ thủy điện nằm trên sông La Ngà, chảy qua địa phận huyện Thuận Bắc, cũng là vùng rừng núi còn nét hoang sơ với dân cư thưa thớt. Hồ Hàm Thuận gồm tám đảo nhỏ nổi lên giữa dòng nước bắt nguồn từ sông La Ngà (Đồng Nai). Còn hồ Đa Mi chỉ có nhiệm vụ giữ nước để làm thủy điện. Những con sông nhỏ ở khu vực này khá đặc biệt, tất cả đều chảy theo hình chữ “S”, giống như dáng hình của đất nước. Hơn nữa, nước ở đây trong vắt, xanh màu ngọc bích và có nhiều thác gềnh. Chính sự kết hợp này đã tạo ra những cảnh đẹp đến nao lòng.
Nếu du khách muốn đi tham quan lòng hồ chỉ cần đi bằng xuồng lá của dân đánh cá thì có thể khám phá hồ nước mênh mông đến mấy ngày cũng không thấy chán. Nếu có dịp đến đây, các bạn sẽ thấy hồ nước mênh mông, phẳng lặng, bao bọc chung quanh bởi những dãy núi nhấp nhô với một màu xanh biếc.
Đa Mi là Đạ Mí, theo tiếng đồng bào K’ho, Raglay, Châu Ro... ở mảng Nam Tây Nguyên, Đạ nghĩa là nơi có nước, có sông. Mí là tên riêng. Đồng bào gọi sông La Ngà là Đạ La Ngà. Thời chống pháp, Đa Mi thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng – xứ sở của rừng thiêng nước độc, về sau thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng), rồi thuộc Bình Thuận.
Nhưng hấp dẫn hơn cả hồ là chinh phục thác 9 tầng, thác Mây và thác Mưa. Tôi đã có dịp chinh phục thác 9 tầng, thác Mây và thác Mưa quả thật thú vị hơn cả đi lòng hồ. Từ Ủy ban xã Đa Mi muốn lên thác 9 tầng phải đi bộ, con đường tới thác 9 tầng dài 7 km tính từ đường lộ. Đường dốc đứng toàn đá to như chiếc mũ nhô lên khiến người đi bộ cũng phải đánh võng. Hai bên đường, rừng cây rậm rạp với đủ loài hoa dại tỏa hương ngào ngạt. Thỉnh thoảng, bạn sẽ không thể cầm lòng, bỏ qua một nhánh lan rừng đang sực nức mùi thơm.
Đi cùng tôi là một người bạn dân thành phố gốc mê mẩn với những khu rừng nguyên sinh ở hai bên đường và tưởng tượng như mình đang đi giữa rừng Trường Sơn năm nào.
Mải mê chụp ảnh phong cảnh rừng, chúng tôi đã bỏ xa anh một quãng đường. Sợ bị lạc trong rừng, anh bạn này cắm đầu chạy cho kịp, hôm sau về nhà nằm nguyên ngày vì cơ chân bị giãn. Sau hơn 2 giờ cuốc bộ đường rừng, chúng tôi đến được thác 9 tầng. Người ta gọi thác 9 tầng vì thác này nằm sâu trong rừng cây bạt ngàn, có 9 tầng như ruộng bậc thang.
Thác không cao lắm, đỉnh cao nhất chưa ai đo được nhưng trên đỉnh thác có rất nhiều gỗ quý. Hôm chúng tôi đến, có hơn 10 người khách thành phố HCM đi du lịch Đà Lạt về Phan Thiết, khi qua đây được người dân giới thiệu nên cũng nhập cuộc cùng chúng tôi, mỗi người một việc, người đi kiếm củi nướng cá lóc mua sẵn ngoài hồ Đa Mi, người ngâm bia dưới nước chảy từ thác xuống cho lạnh, vì nước ở đây lạnh gần như nước đá. Khi cá chín, bia cũng vừa lạnh, uống bia ăn cá lóc nướng chấm muối ớt bên dòng nước chảy róc rách thật thơ mộng.
Ngủ một giấc thức dậy và tắm suối, chúng tôi tiếp tục chinh phục thác Mây và thác Mưa. Thác Mây và thác Mưa cách thác 9 tầng khoảng 3 cây số. Hai thác này nằm kề nhau và hùng vĩ hơn thác 9 tầng.
Từ độ cao đổ xuống, đứng cách xa cả chục mét mà nước cứ bắn lên như mưa, chính vì vậy có tên thác Mưa. Thác Mây là do sức nước đổ từ trên cao xuống và tung lên nhìn như từng dải mây trời nên người ta gọi thác Mây. 2 thác này không có mặt phẳng như thác 9 tầng nên người ta chỉ đến tham quan chứ không ở lại lâu. Chính vì thế nó còn rất hoang sơ và thơ mộng.
Với những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Đa Mi hi vọng trong tương lai không xa, Đa Mi sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thăm đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
- Tổng hợp từ báo Binhthuan, Mytour và nhiều nguồn khác
0 nhận xét: