Đi bụi xuyên Núi Chúa
Sa mạc, rừng thẳm, biển xanh và… huyền thoại là quà lưu niệm cho bạn trên mỗi đoạn đường hành trình. Vì thế, người ta nói rằng, khi tỉnh lộ 702 được hoàn thành, du lịch sinh thái xuyên Núi Chúa là “tuyến” sáng giá nhất vùng Đông Nam Bộ.
Trên cung đường 702, đoạn xã Mỹ Hòa, Ninh Hải, bạn sẽ không cưỡng lại được sự hoang sơ của Hang Rái. Dưới cái nắng gắt, bãi biển trở nên lung linh với những hồ nước ngọt nên thơ. In dưới bóng nước là những hàng dừa, rặng xương rồng vào mùa hoa đỏ rực.
Ấn tượng Hang Rái
Lội qua khe nước, bạn còn “tiếp cận” Hang Rái với hòn núi vách đá chồng tạo nên những hang động đẹp, hướng ra biển đón sóng gió. Người muốn tận hưởng hết cảm giác kỳ thú nơi đây sẽ mang cho mình một đôi giày tốt, leo lên vách đá lởm chởm, tìm một “hang rái” yên ắng cho riêng mình.
Đặc biệt, bên cạnh những bãi biển hoang sơ nhất vùng như bãi Bình Tiên, bãi Thịt… Hang Rái được xem là nơi có bãi san hô đẹp nhất. Với cặp kính lặn, bạn có thể khám phá rặng san hô nổi trên mặt nước, kéo dài cả cây số.
Vườn quốc gia trên “sa mạc”
Ninh Thuận được xem là “sa mạc khô hạn” của Việt Nam. Vườn quốc gia Núi Chúa là điển hình cho sự khô hạn đó. Ven tỉnh lộ, những trảng xương rồng chạy dài. Theo các nhà khoa học, khí hậu tại đây khô hạn không kém những vùng bán hoang mạc tại Châu Phi.
Tuy mưa ở đây rất hiếm, cát bỏng nhưng lạ lùng thay, lại có rừng nguyên sơ và đặc thù. Đặc biệt, theo độ cao, nơi đây còn có hồ treo… trên núi, đá nhấp nhô, suối róc rách, trông như những hòn non bộ.
Được biết, trung tâm vườn quốc gia Núi Chúa có nhiều dãy núi cao, một Núi Chúa anh và ba Núi Chúa em. Độ cao hơn 1.000 mét, tạo nên sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn so với vùng ven biển, tạo nên một vùng ôn đới ngay giữa “sa mạc”.
Ven tỉnh lộ, bạn có thể dừng bất cứ nơi đâu cũng có thể ngắm nét đẹp rất “bon-sai” của những thảm thực vật, cây bụi cây gai mọc tự nhiên, liên kết thành mảng lớn, tán rộng hàng mét, tạo thành tầng, như có nghệ nhân thường xuyên tỉa xén cho khu rừng. Bạn có thể dừng lại nghỉ ngơi tại các địa danh nổi tiếng như suối Đông Nha, núi Đá Vách…
Đứng trên đèo cao quan sát, vịnh Vĩnh Hy được ôm ấp trong lòng núi bình lặng. Suối Lồ Ồ chảy từ trên núi xuống như một dải lụa trắng mềm mại, thoắt ẩn, thoắt hiện, vắt qua núi, đổ xuống vịnh.
Một ngư dân ở đây kể cho chúng tôi nghe về một truyền thuyết của Vĩnh Hy. Ngày xưa, vịnh này gọi là Vũng Găng. Ở đây, có một chàng ngư phủ tên Vĩnh Hy. Trong những đêm trăng thanh gió mát, chàng trông thấy một nàng tiên có đôi cánh trắng đến tắm ở đây.
Một hôm, chàng nhẹ nhàng bơi đến bên nàng tiên, hai người kết tóc xe duyên, sống hạnh phúc trên Vũng Găng. Một hôm tối trời, chàng ngư phủ dong truyền đi đánh cá ở vùng đá vách thì trời nổi cơn thịnh nộ. Giông tố, sóng gió kéo đến. Nàng tiên ở nhà, không thấy chồng về, lên đỉnh Núi Chúa mòn mỏi trông tin chồng. Dòng nước mắt của nàng tuôn xuống thành suối Lồ Ồ, chảy cho đến bây giờ. Cũng từ đó, Vũng Găng được gọi là vịnh Vĩnh Hy.
Hiện nay, Vĩnh Hy, suối Lồ Ồ chưa được đầu tư nhiều, tuy vậy đây là một điểm đến ưa thích của du khách gần xa.
Đến đây, bạn được đắm mình trong bản nhạc của suối Lồ Ồ, bản nhạc của suối, của tiếng chim dội vào vách đá. Phóng tầm mắt ra xa, vịnh Vĩnh Hy mời gọi du khách chinh phục trên chiếc tàu du lịch của công ty Hoàn Cầu được thiết kế độc đáo, đáy bằng kính trong suốt. Du khách tha hồ ngắm nhìn những rặng san hô như những đoá hoa muôn sắc của đại dương, tận hưởng sự mới lạ ở những chặng dừng chân như bãi Bà Điên, bãi Đá Tròn…
Một chuyến xuyên Núi Chúa cho bạn trải nghiệm những cung bậc khác nhau của vẻ đẹp thiên nhiên.
- Theo TTO, internet
0 nhận xét: